Điều trị bệnh ho gà và lưu ý chăm sóc người bệnh tại nhà
Thăm khám và điều trị ho gà cho trẻ
Điều trị bệnh ho gà và lưu ý chăm sóc người bệnh tại nhà - Ảnh: BookingCare

Điều trị bệnh ho gà và lưu ý chăm sóc người bệnh tại nhà

Tác giả: - Xuất bản: 09/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 09/01/2024
Bệnh ho gà được điều trị bằng sử dụng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa vi khuẩn lây lan gây bệnh sang người khác và giảm thiểu biến chứng. Tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.

Ho gà là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella Pertussis gây ra. Bệnh có khả năng lây lan rất cao và gây ra triệu chứng ho kéo dài, thở rít, có thể kèm theo tím tái hoặc ngưng thở,... Việc điều trị bệnh ho gà đúng cách là vô cùng quan trọng để kiểm soát sự lây lan và giảm thiểu biến chứng.

Điều trị bệnh ho gà như thế nào?

Trẻ sơ sinh mắc bệnh ho gà thường phải nhập viện để điều trị vì ở nhóm này bệnh thường diễn biến nặng, tỷ lệ tử vong cao. Khoảng 1/3 số trẻ dưới 1 tuổi bị bệnh ho gà cần được chăm sóc tại bệnh viện.

Việc điều trị bệnh ho gà tại bệnh viện thường tập trung vào:

  • Giữ cho đường thở được thông suốt, hút đờm
  • Theo dõi nhịp thở và thở oxy (nếu cần)
  • Ngăn ngừa hoặc điều trị tình trạng mất nước. Có thể cần truyền dịch qua tĩnh mạch nếu có dấu hiệu mất nước hoặc bỏ ăn/khó nuốt.

Điều trị kháng sinh

Kháng sinh như Streptomyxin, Clarithromycin hoặc Erythromycin,... thường được sử dụng để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh và hạn chế sự lây lan. Việc sử dụng kháng sinh cần được hướng dẫn và theo dõi bởi bác sĩ để đảm bảo đúng liều lượng và thời gian sử dụng.

Sử dụng các loại thuốc khác để điều trị triệu chứng

Trong quá trình điều trị bệnh ho gà, có thể cần sử dụng thuốc giảm triệu chứng ho gà như giảm cơn ho, nôn nhiều, khó thở,...

Tuy nhiên, không có nhiều loại thuốc có thể làm giảm cơn ho. Các loại thuốc ho không kê đơn ít có tác dụng đối với bệnh ho gà và không được khuyến khích. Do vậy không nên sử dụng bất kỳ loại thuốc giảm ho nào mà không có chỉ định từ bác sĩ.

Lưu ý chăm sóc người bệnh ho gà tại nhà

Việc điều trị cho trẻ lớn và người lớn thường có thể được thực hiện tại nhà. Đặc biệt với những trẻ mắc ho gà thể nhẹ: có số cơn ho ít, thời gian mỗi cơn ho ngắn, trẻ vẫn ăn uống bình thường, trong cơn ho không tím mặt có thể chăm sóc tại nhà. Khi đó cần lưu ý một số điều sau:

  • Uống thuốc kháng sinh đúng theo chỉ định của bác sĩ.
  • Giữ cho nhà ở không có các chất gây kích ứng, có thể gây ho, chẳng hạn như khói, bụi và hóa chất.
  • Ăn nhiều bữa nhỏ vài giờ một lần để giúp ngăn ngừa nôn mửa.
  • Uống nhiều nước, bao gồm nước lọc, nước trái cây, súp và trái cây để ngăn ngừa tình trạng mất nước .
  • Sau mỗi cơn ho vệ sinh sạch đờm ở miệng của trẻ, dùng khăn mềm lau sạch miệng bằng nước muối ấm. Có thể nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý 9‰. Với trẻ lớn vệ sinh răng miệng và súc miệng bằng nước muối.
  • Không dùng thuốc ho trừ khi bác sĩ chỉ định.
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây.

Theo dõi triệu chứng và tiến triển của bệnh nhân là cực kỳ quan trọng để đảm bảo việc điều trị đang tiến triển đúng hướng. Nếu thấy trẻ có biểu hiện nặng lên cần đưa trẻ tới bệnh viện để thăm khám điều trị.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết