Điều trị bệnh suy nhược thần kinh như thế nào?

Tác giả: - Xuất bản: 23/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 03/10/2023
Điều trị bệnh suy nhược thần kinh
Điều trị bệnh suy nhược thần kinh - Ảnh: BookingCare
Trong xã hội hiện đại, với áp lực công việc, chứng suy nhược thần kinh có chiều hướng gia tăng. Cần tìm ra phương pháp điều trị bệnh suy nhược thần kinh sớm để không dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm khác.

Suy nhược thần kinh tưởng chừng như chỉ là một loại tâm bệnh không có gì đáng lo ngại có thể tự khỏi mà không cần chữa trị. Thực tế đây là một quan niệm cực kỳ sai lầm, bởi nếu để tình trạng suy nhược thần kinh kéo dài sẽ gây ra rất nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần cho người bệnh

Phương pháp điều trị bệnh suy nhược thần kinh

Suy nhược thần kinh nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn tới nhiều bệnh lý khác như trầm cảm, rối loạn dạng cơ thể dễ dẫn đến nghiện rượu và nghiện các thuốc an thần do tự điều trị...

Bạn cần lưu ý các dấu hiệu cảnh báo suy nhược thần kinh và đi thăm khám kịp thời. Nhìn chung, phác đồ điều trị suy nhược thần kinh gồm liệu pháp tâm lý và sử dụng một số loại thuốc hỗ trợ.

1. Điều trị bằng liệu pháp tâm lý

Hỗ trợ tâm lý là một trong những phương pháp cơ bản trong điều trị suy nhược thần kinh. Các bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý sẽ trao đổi với bệnh nhân, tìm ra nguyên nhân và giúp bệnh nhân gỡ bỏ những vướng mắc tâm lý.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn bệnh nhân các bài tập như thiền, yoga, tư vấn chế độ ăn uống, sinh hoạt để duy trì lối sống lành mạnh và giải quyết những căng thẳng cho người bệnh. 

Ở Việt Nam, việc tiếp nhận điều trị tâm lý chưa phổ biến, vì thế nên nhiều người bệnh suy nhược thần kinh còn chưa hiểu rõ về phương pháp điều trị này. Nhưng đây là phương pháp chữa suy nhược thần kinh đúng đắn, hiệu quả và khoa học.

Vì vậy, người bệnh khi nhận thấy có dấu hiệu của suy nhược thần kinh cần đến bác sĩ tâm lý thăm khám càng sớm càng tốt.

2. Điều trị bằng thuốc

Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các loại thuốc khác nhau tùy thuộc vào từng trường hợp. Các loại thuốc thông thường bao gồm:

  • Thuốc tác động lên quá trình hưng phấn hệ thần kinh: Arcalion/ Asthenal uống sau bữa ăn sáng để tránh gây mất ngủ, và không nên uống khi đói vì có thể gây cảm giác khó chịu ở vùng thượng vị.
  • Thuốc tăng cường tuần hoàn và dinh dưỡng não như Ginkgo Biloba, piracetam,…
  • Thuốc an thần và trấn tĩnh như chlordiazepoxide, diazepam kết hợp với vitamin B1 và vitamin B6. Cần tuân theo chỉ định của bác sĩ để tránh tác dụng phụ như ngầy ngật, dùng lâu còn có thể gây nghiện .
  • Thuốc giảm đau như paracetamol (dùng xa bữa ăn và uống với nhiều nước) hoặc các thuốc giảm đau khác chứa aspirin, phenacetin và caffeine.
  • Thuốc trị trầm cảm như amitriptyline, tianeptine,… Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc này cần tuân thủ liều lượng và tăng dần từng cấp để giảm các tác dụng phụ như khô miệng, mệt mỏi, choáng váng.
  • Các loại vitamin, nhưng cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ để tránh tác dụng phụ.

Phương pháp điều trị và phòng ngừa suy nhược thần kinh tại nhà hiệu quả

Để đẩy lùi suy nhược thần kinh thì phương pháp tốt nhất là thay đổi thói quen, lối sống hàng ngày trở nên tích cực và lành mạnh hơn, cụ thể:

1. Xây dựng lối sống lành mạnh

Đây là điều mà các chuyên gia luôn khuyên tất cả người bệnh không chỉ riêng người mắc suy nhược thần kinh. Để xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học, bạn tuân thủ những nguyên tắc sau đây:

  •    Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung các thực phẩm chứa nhiều tryptophan như thịt gà, chuối, trứng, sữa,...
  •    Không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,...
  •    Tránh làm việc quá sức, chăm sóc bản thân và nghỉ ngơi hợp lý.
  •    Quan tâm đến chất lượng giấc ngủ bằng cách ngủ đủ giấc và đúng giờ.

2. Các bài tập hỗ trợ cải thiện suy nhược thần kinh

Để hỗ trợ giảm triệu chứng suy nhược thần kinh bạn có thể chọn các bài tập như yoga, thiền,... Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các bài tập này giúp hỗ trợ cơ thể sản sinh hoạt chất chống lại suy nhược thần kinh như serotonin, axit gamma-aminobutyric (GABA).

  • Bài tập yoga - tư thế em bé: Đầu tiên, bạn ngồi quỳ trên gối, hai tay thả lỏng dọc theo cơ thể. Cúi gập thân về phía trước sao cho trán chạm xuống mặt sàn. Hít thở sâu và chậm rãi trong 10 nhịp. Bạn có thể lặp lại 5 - 10 lần mỗi buổi tối trước khi đi ngủ rất hữu ích để hỗ trợ cải thiện suy nhược thần kinh.
  • Bài tập thiền định: Các nhà khoa học đã chứng minh thiền định có khả năng "tự chữa lành", giúp bạn tách mình ra những suy nghĩ của bản thân. Một nghiên cứu vào năm 2010 cũng đã cho thấy, thiền có hiệu quả rất tốt với những người đang bị suy nhược thần kinh, giúp ngủ ngon, tĩnh tâm và bình tĩnh trước mọi tình huống. Hãy cố gắng thực hành đều đặn chỉ 3 phút mỗi ngày, tập thả lỏng và lắng nghe hơi thở của mình, để giúp buông bỏ suy nghĩ.

Trên đây, BookingCare đã chia sẻ về phương pháp điều trị bệnh suy nhược thần kinh, hy vọng những thông tin trên sẽ hữu ích với các bạn. Bệnh suy nhược thần kinh có thể gặp ở mọi đối tượng, nên các bạn đừng chủ quan mà hãy luôn chú ý đến những thay đổi bất thường của cơ thể, để phát hiện và điều trị kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết