Những triệu chứng bệnh suy nhược thần kinh bạn nên biết

Tác giả: - Xuất bản: 23/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 19/12/2024
Triệu chứng bệnh suy nhược thần kinh
Triệu chứng bệnh suy nhược thần kinh - Ảnh: BookingCare
Trong xã hội hiện đại, với áp lực công việc, chứng suy nhược thần kinh có chiều hướng gia tăng. Cần nhận biết triệu chứng bệnh suy nhược thần kinh sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm khác.

Suy nhược thần kinh (bệnh tâm căn suy nhược) là một hội chứng bệnh lý thuộc nhóm loạn thần kinh chức năng, do những rối loạn chức năng vỏ não và một số trung khu dưới vỏ gây nên. Bệnh suy nhược thần kinh được xác định là do căn nguyên tâm lý gây nên.

Triệu chứng bệnh suy nhược thần kinh

Suy nhược thần kinh cần được nhận biết và điều trị kịp thời. Người bị bệnh suy nhược thần kinh thường có những dấu hiệu sau:

1. Hội chứng kích thích suy nhược

Người bệnh dễ bị kích thích. Bất kỳ một tiếng động nào cũng làm cho người bệnh cảm thấy khó chịu, bực bội, không yên. Các triệu chứng suy nhược, mệt mỏi không có nguyên nhân, mệt mỏi kéo dài trên 3 tháng. Thời kỳ đầu nghỉ ngơi còn đỡ mệt, về sau nghỉ ngơi cũng không có tác dụng.

2. Nhức đầu

Người bệnh nhức đầu âm ỉ, đau toàn bộ hay khu trú vùng trán, vùng đỉnh đầu hoặc vùng thái dương. Thời gian nhức đầu xuất hiện rất khác nhau tùy từng bệnh nhân, có thể bị suốt ngày hoặc một vài giờ; tăng lên khi xúc động, mệt mỏi và giảm khi thoải mái, ngủ tốt.

3. Mất ngủ

Giấc ngủ thường không sâu, hay ngủ mơ, hoặc trằn trọc khó đi vào giấc ngủ, sáng dậy thấy mệt mỏi rã rời, uể oải, toàn thân nặng nề. Ban ngày người bệnh cảm thấy buồn ngủ, ngủ gà nhưng lên giường nằm lại không ngủ được.

Nếu để kéo dài, điều này sẽ làm suy giảm chất lượng công việc và cuộc sống của người bệnh một cách rõ rệt.

4. Triệu chứng cơ thể và thần kinh

Đau cột sống, mỏi cổ, đau thắt lưng, buốt xương sống. Rối loạn cảm giác, giác quan và nội tạng, hoa mắt chóng mặt, mờ mắt, run tay chân,…Lâu ngày dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung, từ đó ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống của người bệnh.

5. Rối loạn thần kinh thực vật

Mạch không ổn định; huyết áp dao động, thường là hạ huyết áp. Cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực, đau vùng tim, thở gấp, thân nhiệt tăng hoặc giảm, tăng tiết mồ hôi, liệt dương, rối loạn chu kỳ kinh...

Nếu bệnh kéo dài và không được điều trị, người bệnh dễ bị tăng huyết áp, co mạch, kích thích tuyến mồ hôi hoạt động liên tục, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

6. Triệu chứng tâm thần

Rối loạn cảm xúc, dễ xúc động, hay cáu gắt, bực bội, hồi hộp lo lắng, khí sắc hơi trầm. Khả năng tập trung, chú ý kém; giảm sút trí nhớ. Người bệnh luôn trốn tránh và ngại giao tiếp, cảm giác bị cô lập và muốn ở một mình, dẫn đến trầm cảm, lo âu và tự sát.

Nếu kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ của người bệnh, đồng thời có thể dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực, gây hậu quả nghiêm trọng.

Suy nhược thần kinh có nguy hiểm không?

Suy nhược thần kinh không nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng nhưng lại gây ra nhiều rối loạn trên toàn cơ thể và làm suy giảm chất lượng cuộc sống người bệnh.

Khi có những biểu hiện suy nhược thần kinh mà không được điều trị kịp thời, người bệnh sẽ bị sa sút tinh thần, mất định hướng trong cuộc sống và rơi vào trạng thái trầm cảm.

Khi bệnh nặng thêm, người bệnh thường bị đầu óc quay cuồng, đau đầu dữ dội thì thường đến khoa thần kinh khám; người tim hồi hộp tức ngực, mạch nhanh thở gấp thường đến khoa tim mạch; người ăn không tiêu, đầy bụng, ợ hơi thường đến khoa tiêu hoá; người kinh nguyệt không đều, giảm ham muốn tình dục thường đến khoa phụ sản hoặc khoa tiết niệu; người tinh thần mệt mỏi, ngày càng sụt cân thường đến khoa nội tiết; người mất ngủ nghiêm trọng, lo lắng không yên thường đến khoa nội,...

Suy nhược thần kinh không đe dọa tính mạng nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc không được phát hiện triệu chứng sớm và điều trị suy nhược thần kinh sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và tốn kém cho bệnh nhân khi điều trị sau này.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết