Viêm xương chũm là tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn xảy ra ở các tế bào hơi của xương chũm. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, gây nhiều triệu chứng khó chịu và biến chứng nguy hiểm. Bệnh viêm tai xương chũm có điều trị được không và điều trị bằng phương pháp nào, cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Phân loại viêm xương chũm
Viêm xương chũm thường chia làm 2 thể chính:
- Viêm xương chũm cấp tính: thường xuất hiện sau viêm tai giữa, do viêm tai không được điều trị triệt để, các triệu chứng cấp tính và rầm rộ, diễn ra tù 5-7 ngày. Viêm tai xương chũm cấp hay gặp ở trẻ em, nhất là sâu khi bị viêm tai giữa khoảng 3 tuần.
- Viêm xương chũm mạn tính: là khi có hiện tượng viêm, chảy dịch mủ tai, đau tai trên 3 tháng, thể này có thể có tổ chức ăn mòn cholesteatoma kèm theo. Đây là thể bệnh nguy hiểm và cần điều trị ngay khi phát hiện ra bệnh.
Việc phân loại thể bệnh giúp các bác sĩ định hướng lựa chọn phương pháp điều trị thuận tiện hơn.
Các phương pháp điều trị bệnh viêm tai xương chũm
- Nguyên tắc điều trị
- Điều trị nội: kháng sinh phổ rộng, liều cao ngay từ đầu.
- Phẫu thuật kịp thời nếu cần để tránh biến chứng.
- Điều trị nội khoa tích cực với kháng sinh phổ rộng, kháng viêm, giảm đau.
- Chỉ định phẫu thuật được đặt ra khi túi mủ đã hình thành, hoặc bệnh tích xương đã nặng (mất vách ngăn tế bào), khi các triệu chứng toàn thân và chức năng kéo dài.
- Điều trị cụ thể
- Nội khoa: Kháng sinh theo kinh nghiệm ngay từ sớm, sau đó có thể dựa vào kháng sinh đồ để lựa chọn, kháng sinh đường tiêm truyền sau đó chuyển sang đường uống, một vài dòng kháng sinh thường dùng như cephalosporin thế hệ 2,3. Bên cạnh kháng sinh, các thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm cũng có thể được kê tuỳ theo triệu chứng của người bệnh. Tuy nhiên hiện nay do tình trạng kháng kháng sinh xảy ra nhiều dẫn đến khó khăn trong vấn đề lựa chọn kháng sinh cho người bệnh.
- Ngoại khoa: Ngoại khoa hiện nay có các phương pháp như đặt ống thông khí dẫn lưu mủ từ tai giữa ra ngoài, phương pháp này cũng có thể sử dụng trong trường hợp bị viêm tai giữa tái phát nhiều lần. Phẫu thuật cắt xương chũm đặt ra khi điều trị nội khoa không đáp ứng, viêm tai xương chũm nặng, nghi ngờ có biến chứng. Sau phẫu thuật kết hợp sử dụng kháng sinh liều cao để đẩy lùi vi khuẩn tối đa.
Mặc dù thuốc kháng sinh là trọng tâm trong điều trị viêm xương chũm, nhưng nếu chỉ dùng riêng thuốc kháng sinh, theo các nghiên cứu đã cho thấy tỷ lệ biến chứng là 8,5%. Vì thế tùy thuộc vào mức độ bệnh mà các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Bệnh viêm tai xương chũm là một bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, vì vậy ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ bệnh viêm tai xương chũm người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa Tai mũi họng để được điều trị bệnh kịp thời.