Điều trị gãy xương sườn và lưu ý trong chăm sóc người bệnh
Gãy xương sườn
Điều trị gãy xương sườn và lưu ý trong chăm sóc người bệnh - Ảnh: BookingCare

Điều trị gãy xương sườn và lưu ý trong chăm sóc người bệnh

Tác giả: - Xuất bản: 19/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 19/12/2023
Gãy xương sườn là tình trạng không quá hiếm gặp nhưng nhiều người thường không để ý, không nhận ra tình trạng để thăm khám sớm. Tìm hiểu về dấu hiệu, điều trị gãy xương sườn,... trong nội dung dưới.

Gãy xương sườn là chấn thương phổ biến xảy ra khi một trong các xương trong khung xương sườn bị gãy hoặc nứt. Nguyên nhân phổ biến nhất là tác động mạnh do té ngã, tai nạn giao thông hoặc chấn thương khi chơi các môn thể thao.

Tìm hiểu về triệu chứng, điều trị gãy xương sườn như thế nào và các thông tin liên quan khác trong bài viết dưới đây. 

Triệu chứng gãy xương sườn

Sau chấn thương, tai nạn, va chạm,... người bệnh nên để ý các triệu chứng của gãy xương sườn bao gồm: 

  • Đau nhiều tại vị trí chấn thương.
  • Đau tăng lên khi vận động thân mình, bao gồm ho, thở hoặc cử động ngực và phần trên cơ thể (vặn mình, nằm nghiêng,...).
  • Đau chói khi ấn vào vị trí hoặc vùng xương bị gãy.
  • Có thể xuất hiện vết bầm tím ở vị trí chấn thương.
  • Xuất hiện tình trạng khó thở tăng dần. Triệu chứng này có thể xuất hiện sau một vài ngày sau chấn thương, do tình trạng tràn dịch màng phổi.
  • Nếu có tình trạng đau nhiều, khó thở đột ngột ngay sau chấn thương; nếu quan sát lồng ngực vùng bị chấn thương thấy bị lõm vào trong thì hít vào, thì đó là triệu chứng hô hấp đảo ngược. Đây là tình huống nặng, cần cấp cứu khẩn cấp.

Lưu ý nhiều trường hợp gãy xương sườn nhưng không biết, chỉ đến khi thấy đau nhiều, khó thở, thăm khám tại viện mới biết gãy xương sườn. Khuyến cáo mọi người khi bị tai nạn hay té ngã nên đến theo dõi tình trạng và đến bệnh viện để tránh bỏ sót những thương tổn bên trong. 

Điều trị gãy xương sườn như thế nào? Bao lâu thì lành?

Việc điều trị gãy xương sườn như thế nào tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết gãy ban đầu.

Tuy nhiên, khác với điều trị hầu hết các trường hợp gãy xương khác, người bệnh gãy xương sườn được điều trị bằng cách:

  • Nghỉ ngơi
  • Chườm lạnh: Người bệnh có thể chườm lạnh trong vài ngày đầu để giảm sưng tấy.
  • Tập thở: Có thể bạn sẽ cần thực hiện một số bài tập thở vài giờ một lần trong khi hồi phục. Điều này giúp ngăn ngừa bệnh viêm phổi và giữ cho phổi và ngực hoạt động bình thường.
  • Sử dụng thuốc: Bác sĩ có thể kê thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), thuốc giảm đau (Paracetamol, Tramadol,...)

Hầu hết người bệnh cần ít nhất một tháng để hồi phục sau khi bị gãy xương sườn.

Rất hiếm khi bệnh nhân gãy xương sườn cần thực hiện phẫu thuật, trừ khi tình trạng gãy xương sườn làm tổn thương các cơ quan nội tạng khác. Có nhiều kỹ thuật mổ, trong đó cố định bằng nẹp vít là phổ biến nhất.

Trong trường hợp tổn thương phổi có thể tiến triển, tràn khí hoặc tràn máu màng phổi có thể xuất hiện và tăng lên, trong trường hợp này, người bệnh sẽ được đặt một ống dẫn lưu màng phổi vào lồng ngực để thoát toàn bộ khí và máu ra khỏi cơ thể, tạo một khoang trống trải cho phổi nở ra dễ dàng và hồi phục tổn thương.

Tổng quan chung, ngay cả khi bạn có thể hồi phục sau chấn thương gãy xương sườn bằng các phương pháp điều trị tại nhà, gãy xương sườn vẫn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng: rách động mạch chủ, xé phổi,... Do vậy, người bệnh cần tuân thủ chỉ định điều trị từ bác sĩ và thực hiện việc tái khám theo lịch hẹn. 

Lưu ý chăm sóc người bệnh gãy xương sườn

  • Điều chỉnh tư thế ngủ: phù hợp nhất với người bệnh gãy xương sườn là tư thể nằm ngửa. Không nằm sấp hoặc nghiêng.
  • Hít thở chậm và sâu để giúp làm sạch phổi
  • Nếu cần ho, hãy kê một chiếc gối vào ngực
  • Tránh thực hiện các hoạt động cường độ mạnh hoặc nhấc vật nặng
  • Trong thời gian hồi phục có thể trao đổi với bác sĩ để được tư vấn các hoạt động tập luyện, bài tập với cường độ phù hợp. Tránh tập luyện và chơi thể thao cường độ cao.

Nhìn chung, có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến thời gian cơ thể hồi phục, thông thường cần mất từ 3 - 6 tuần để hồi phục tình trạng gãy xương sườn. Người bệnh cần nghỉ ngơi, tuân thủ chỉ định của bác sĩ kết hợp việc điều trị chăm sóc tại nhà để mau chóng hồi phục. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết