- Xuất bản: 23/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 04/05/2024
Có thể điều trị hội chứng ống cổ chân bằng nhiều phương pháp khác nhau - Ảnh: BookingCare
Điều trị hội chứng ống cổ chân bao gồm các phương pháp điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa. Cùng BookingCare tìm hiểu về các phương pháp điều trị này qua bài viết dưới đây.
Điều trị hội chứng ống cổ chân cần tuỳ thuộc vào triệu chứng và nguyên nhân gây ra bệnh. Với các mức độ bệnh nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định điều trị tại nhà, điều trị nội khoa. Nhưng với các mức độ chèn ép nặng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để giải phóng dây thần kinh. Dưới đây là một số phương pháp điều trị bạn đọc có thể tham khảo.
Điều trị hội chứng ống cổ chân
Điều trị nội khoa
Nghỉ ngơi và hạn chế vận động: Đây là cách đơn giản và hiệu quả nhất để giảm đau, giảm viêm cho hội chứng ống cổ chân. Đồng thời, nghỉ ngơi và hạn chế vận động sẽ làm giảm áp lực tại ống cổ chân. Tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định nghỉ ngơi hoặc hạn chế vận động vùng cổ bàn chân.
Chườm lạnh: Chườm lạnh lên mặt trong mắt cá chân và bàn chân giúp giảm viêm hữu hiệu. Khi chườm, nên kê cao chân lên và chườm nhiều lần trong ngày, mỗi lần cách nhau 40 - 60 phút. Lưu ý không đặt trực tiếp đá lạnh lên da, có thể gây bỏng lạnh và khiến tình trạng bệnh trở nên phức tạp.
Băng ép và kê cao chân: Băng ép và kê cao chân làm giảm lưu lượng máu đến chân, từ đó giảm viêm tại vùng ống cổ chân. Tuy nhiên, không nên băng ép quá chặt. Kê cao chân lên gối khi ngồi hoặc khi ngủ giúp giảm phù nề hiệu quả.
Sử dụng thuốc giảm đau và chống viêm: Thuốc được sử dụng để bổ trợ cho điều trị. Tuy nhiên, do thuốc có nhiều tác dụng không mong muốn lên hệ tiêu hóa, chức năng gan, thận nên cần cân nhắc và có lời khuyên từ bác sĩ chuyên khoa.
Phong bế thần kinh: Nếu người bệnh đau nhiều, bác sĩ có thể tiêm trực tiếp thuốc chống viêm, chẳng hạn như corticosteroid và thuốc gây tê cục bộ vào dây thần kinh.
Dụng cụ chỉnh hình và giày điều chỉnh: Việc sử dụng giày chuyên dụng và miếng lót giúp nâng đỡ vòm bàn chân, đồng thời hạn chế các chuyển động có thể gây kích ứng thêm dây thần kinh bị viêm và các mô xung quanh. Giày chuyên dụng cũng giúp giảm căng tức quanh bàn chân.
Vật lý trị liệu: Các bài tập vật lý trị liệu hiệu quả trong việc cải thiện triệu chứng, có tác dụng kéo giãn, tăng cường các mô liên kết, vận động dây thần kinh chày và mở không gian khớp xung quanh để giảm chèn ép.
Băng ép và kê cao chân làm giảm lưu lượng máu đến chân, từ đó giảm viêm - Ảnh: Freepik
Điều trị ngoại khoa
Với những trường hợp hội chứng ống cổ chân nặng và kéo dài, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để giải phóng đường hầm cổ chân, giảm bớt áp lực lên dây thần kinh.
Phương pháp này được thực hiện bằng cách cắt bỏ các cân và mạc hãm của phần ống cổ chân, qua đó bộc lộ và giải phóng thần kinh bị chèn ép.
Ngoài ra, kỹ thuật rách đường nhỏ ở mặt trong cổ chân ít xâm lấn cũng được thực hiện.
Phòng ngừa hội chứng ống cổ chân như thế nào?
Phòng ngừa hội chứng ống cổ chân ngay khi chưa có những biểu hiện chèn ép dây thần kinh, tổn thương, bạn cần:
Giữ gìn vệ sinh chân và kiểm tra chân thường xuyên khi có các dấu hiệu bất thường.
Xây dựng lối sống lành mạnh, khoa học bằng tập luyện và ăn uống hợp lý:
Không nên chơi những môn thể thao hoặc các hoạt động quá mạnh gây tổn thương chân.
Mang giày vừa vặn với chân và phù hợp với các hoạt động.
Giảm cân, duy trì cân nặng hợp lý để tránh áp lực lớn lên xương khớp và chân.
Quản lý tốt các bệnh lý toàn thân như đái tháo đường, suy giáp, gout,…
Khi phát hiện các triệu chứng bất thường, cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và chẩn đoán kịp thời
Hội chứng ống cổ chân hay đường hầm cổ chân là một trong những hội chứng ít gặp nhưng mang lại nhiều phiền toái, bất tiện và giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của bệnh, người bệnh nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.