Hội chứng ống cổ chân: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Tác giả: - Xuất bản: 23/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 04/05/2024
Hội chứng ống cổ chân
Hội chứng ống cổ chân là tình trạng chèn ép gây tổn thương chức năng thần kinh chày - Ảnh: BookingCare
Hội chứng ống cổ chân hay còn gọi là hội chứng đường hầm cổ chân. Bệnh có nguyên nhân, triệu chứng hay cách điều trị và phòng ngừa như thế nào?

Hội chứng ống cổ chân là tình trạng chèn ép thần kinh chày sau đoạn đi qua ống cổ chân ngang mức với mắt cá trong của chân, gây nên các triệu chứng tê bì, nóng rát ở vùng mắt cá và mặt trong gót chân.

Bệnh ít phổ biến nên dễ bị bỏ sót và nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ bị đau cổ chân kéo dài, thậm chí mất chức năng đi lại. 

Hội chứng ống cổ chân là gì? 

Hội chứng ống cổ chân hay còn gọi là hội chứng đường hầm cổ chân, là tình trạng đau dọc theo đường đi của dây thần kinh chày sau đoạn từ mắt cá trong trở xuống. Bệnh thường là hậu quả của sự chèn ép dây thần kinh đi trong ống cổ chân

  • Ống cổ chân là khoảng không gian giới hạn, hướng ra phía sau và phía dưới mắt cá chân trong, trong đó chứa nhiều cấu trúc quan trọng như các gân của cơ chày sau, cơ gấp các ngón, động mạch và tĩnh mạch chày sau cũng như thần kinh chày sau.
  • Thần kinh chày sau là nhánh tận cùng lớn của thần kinh ngồi, chạy qua ống cổ chân, chứa các nhánh thần kinh cảm giác vùng mắt cá và mặt trong gót chân và cá dây thần kinh chi phối vận động cổ chân và bàn chân. Khi có các chấn thương ngang mức hoặc có cấu trúc bất thường chèn ép liên tục lên thần kinh chày sau sẽ dẫn đến tổn thương

Một số nguyên nhân dẫn đến chèn ép dây thần kinh chày gây ra hội chứng ống cổ chân như: 

  • Nguyên nhân bên ngoài: đi giày không vừa vặn, chấn thương, bất thường về giải phẫu, sẹo sau phẫu thuật, phù nề chi dưới, bệnh viêm khớp toàn thân,… 
  • Các nguyên nhân bên trong: bệnh lý gân, viêm bao gân, xơ hóa quanh màng cứng, u xương, các tổn thương chiếm không gian hoặc hiệu ứng khối (giãn tĩnh mạch, u nang hạch, u mỡ, ung thư, u thần kinh,…)
  • Ngoài ra, một số yếu tố làm tăng khả năng mắc hội chứng ống cổ chân như các bệnh toàn thân: đái tháo đường, suy giáp, gout, bệnh lý rối loạn lipid máu,…
Hội chứng ống cổ chân do nhiều nguyên nhân gây nên
Hội chứng ống cổ chân do nhiều nguyên nhân bên trong và bên ngoài gây nên - Ảnh: Freepik

Triệu chứng của hội chứng ống cổ chân 

Để chẩn đoán hội chứng ống cổ chân chủ yếu dựa vào khai thác tiền sử và thăm khám lâm sàng. Người bệnh đi khám chủ yếu do các triệu chứng cơ năng như: 

  • Cơn đau buốt, tê bì, cảm giác ngứa ran bên trong cổ chân, chạy dọc xuống lòng bàn chân. 
  • Tê bì, mất cảm giác ở vị trí gan bàn chân, mặt trong gót. 
  • Cơn đau thường xảy ra đột ngột, tăng lên về đêm và lúc di chuyển, giảm khi nghỉ ngơi. 
  • Người bệnh mất dần khả năng vận động của chân dẫn đến yếu cơ bàn chân, liệt hoặc dáng đi bất thường.

Khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể phát hiện thấy các biểu hiện: 

  • Teo cơ, yếu cơ bàn chân và cơ các ngón chân. 
  • Nhóm cơ thường mềm khi sờ sâu vào ống cổ chân. 
  • Dáng đi của người bệnh có khuynh hướng cúi hoặc ngửa quá mức, đảo chân hay đi lệch hướng. 
  • Khám cảm giác cho thấy bệnh nhân có thể bị giảm cảm giác vùng phân bố của dây thần kinh gan chân giữa hoặc bên. 
  • Dấu Tinel: Khi khám bác sĩ dùng búa phản xạ gõ theo đường từ trên xuống, thấy trên dọc theo thần kinh chày sau có một điểm đau như điện giật. 

Chẩn đoán hội chứng ống cổ chân như thế nào? 

Để chẩn đoán xác định hội chứng ống cổ chân, ngoài khai thác tiền sử, bệnh sử, khám và quan sát các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số cận lâm sàng như: 

  • Kiểm tra xung điện thần kinh (EMG) để đánh giá rối loạn chức năng dây thần kinh chày. 
  • Chụp X Quang giúp chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý xương khớp. 
  • Siêu âm và chụp cộng hưởng từ (MRI) để tìm nguyên nhân gây chèn ép thần kinh chày sau. 
Chẩn đoán hội chứng ống cổ chân
Chẩn đoán hội chứng ống cổ chân thông qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng - Ảnh: Freepik

Điều trị hội chứng ống cổ chân 

Tuỳ thuộc vào triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Đối với điều trị tại nhà

  • Sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (NSAIDs) để giảm viêm. 
  • Nghỉ ngơi tại chỗ, nâng chân lên cao, chườm đá. 
  • Có thể dùng miếng lót giày y khoa để tái phân bố trọng lượng giúp giảm bớt áp lực lên dây thần kinh. 
  • Mang giày vừa chân, hạn chế các hoạt động thể thao mạnh ảnh hưởng đến bàn chân. 

Đối với điều trị tại cơ sở y tế

  • Phong bế thần kinh giúp giảm viêm. 
  • Nẹp bàn chân để bất động và hạn chế vận động ở vùng tổn thương làm chèn ép dây thần kinh. 
  • Với những trường hợp hội chứng ống cổ chân nặng và kéo dài, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để giải phóng đường hầm cổ chân, giảm bớt áp lực lên dây thần kinh. Phương pháp này được thực hiện bằng cách rạch phần sau cổ chân vòng xuống vòm chân, bộc lộ dây chằng và giải phóng thần kinh. Ngoài ra, kỹ thuật rách đường nhỏ ở mặt trong cổ chân ít xâm lấn cũng được thực hiện. 

Phòng ngừa hội chứng ống cổ chân như thế nào? 

Để phòng ngừa hội chứng ống cổ chân, bạn cần: 

  • Giữ gìn vệ sinh chân. 
  • Xây dựng lối sống lành mạnh, khoa học bằng tập luyện và ăn uống hợp lý:
    • Không nên chơi những môn thể thao hoặc các hoạt động quá mạnh gây tổn thương chân. 
    • Mang giày vừa vặn với chân và phù hợp với các hoạt động thể lực. 
    • Giảm cân, duy trì cân nặng hợp lý để tránh áp lực lớn lên xương khớp và chân. 
  • Quản lý tốt các bệnh lý toàn thân như đái tháo đường, suy giáp, gout,…
  • Khi xuất hiện các triệu chứng bất thường, cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và chẩn đoán kịp thời.

Hội chứng ống cổ chân là tình trạng gây ra bởi áp lực lặp đi lặp lại dẫn đến tổn thương dây thần kinh chày sau. Bệnh lý khó chẩn đoán, cần kết hợp hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng kỹ lưỡng. Tuỳ theo nguyên nhân, điều trị bệnh có thể cần phẫu thuật hoặc điều trị nội khoa.