Điều trị thoát vị bẹn như thế nào?
Điều trị thoát vị bẹn như thế nào?
Các phương pháp điều trị thoát vị bẹn
Phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn mang lại hiệu quả cao - Ảnh: BookingCare

Điều trị thoát vị bẹn như thế nào?

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 15/04/2024 | Cập nhật lần cuối: 20/04/2024
Thoát vị bẹn là một bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Bệnh gây ra nhiều khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và còn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Vậy điều trị thoát vị bẹn như thế nào? Làm sao để đề phòng thoát vị bẹn?

Thoát vị bẹn là một bệnh lý không chỉ gây khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày mà còn có thể gây ra nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng người bệnh. Do đó người bệnh cần được chẩn đoán và điều trị thoát vị bẹn càng sớm càng tốt.

Các phương pháp điều trị thoát vị bẹn

Hiện nay có 2 phương pháp chính để điều trị thoát vị bẹn, đó là điều trị bảo tồn bằng đeo băng treo và phẫu thuật mổ mở hoặc mổ nội soi. Để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất cần dựa vào nhiều yếu tố như: tuổi, thể trạng, giai đoạn bệnh, các bệnh lý kèm theo,....

  • Trường hợp trẻ sơ sinh bị thoát vị bẹn bẩm sinh do còn ống phúc tinh mạc có thể theo dõi chờ ống phúc tinh mạc tự bít.
  • Trường hợp trẻ em và người lớn tuổi thường áp dụng phương pháp phẫu thuật mổ nội soi hoặc mổ mở.
  • Trường hợp bệnh nhân già yếu, sức khỏe không cho phép, mắc các bệnh nội khoa mạn tính kèm theo không phẫu thuật được có thể sử dụng băng treo bìu.

Điều trị bảo tồn bằng đeo băng treo

  • Chỉ định: Bệnh nhân thoát vị bẹn kèm các bệnh lý tim mạch, bệnh phổi nặng chưa thể điều trị lành được; phụ nữ có thai; giảm khối thoát vị tạm thời ở bệnh nhân lớn tuổi; có nhiều nguy cơ xảy ra trong và sau can thiệp phẫu thuật; bệnh nhân không đồng ý mổ.
  • Phương pháp: Đeo băng treo đã được chuẩn hóa. Thường băng treo chỉ lấy ra khi bệnh nhân nằm nghỉ và phải mang vào trước khi đứng dậy.
  • Nhược điểm: 
    • Băng treo khó mà thay thế phẫu thuật đặc biệt các trường hợp thoát vị bẹn gián tiếp. 
    • Đeo băng treo không làm giảm đi sự thoát vị mà còn mang đến những biến chứng như: tắc nghẽn tĩnh mạch, ngừng trệ đường bạch mạch, đôi khi có thể làm cho thoát vị không nghẹt trở thành thoát vị nghẹt. 
    • Đeo băng khiến bệnh nhân khó chịu và ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày.

Điều trị phẫu thuật

Phẫu thuật thoát vị bẹn là một phẫu thuật phổ biến và mang lại hiệu quả điều trị cao. Chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp mổ mở hoặc nội soi tùy tình trạng bệnh cũng như mong muốn của bệnh nhân, cụ thể:

Mổ mở

  • Đây là phương pháp truyền thống, có thể thực hiện dưới gây mê hoặc gây tê. Bác sĩ sẽ dùng dao rạch một đường lớn ở vùng bẹn để đưa các cơ quan trở về đúng vị trí trong ổ bụng.
  • Dùng mô tự thân để tái tạo thành bụng trong điều trị thoát vị bẹn: Bassini (1884), Shouldice (1935), Mc Vey (1942)
  • Dùng tấm thân nhân tạo để tái tạo thành bụng trong điều trị thoát vị bẹn: Lichtenstein, Robbins, Rutkow

Ưu điểm: ít đau sau mổ, phục hồi nhanh chóng.

Nhược điểm: có nguy cơ nhiễm trùng hoặc đào thải mảnh ghép.

Phẫu thuật nội soi 

  • Bằng phương pháp phẫu thuật đặt tấm lưới nhân tạo bằng đường nội soi trong và ngoài phúc mạc.
  • Bác sĩ sẽ rạch một vài vết rạch nhỏ trên bụng đủ để đưa ống nội soi có gắn camera và các dụng cụ phẫu thuật vào vùng bẹn để tiến hành phẫu thuật.
  • Các phương pháp: TAPP (TransAbdominal Pre-Peritoneal), TEP (Totally Extra Peritoneal)

Ưu điểm: điểm ít xâm lấn, vết mổ nhỏ, tính thẩm mỹ cao, phục hồi nhanh chóng, bệnh nhân ít đau hơn so với phương pháp mổ mở, sớm quay trở lại với sinh hoạt và lao động bình thường.

Tuy nhiên phương pháp này phụ thuộc nhiều vào máy móc và tay nghề của phẫu thuật viên, kỹ thuật phức tạp nên trang thiết bị cần được đầu tư đắt tiền. Và tấm lưới được cấy ghép vào vùng bẹn là dị vật với cơ thể nên  có thể gây phản ứng viêm và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn vùng mổ.

Lưu ý khi điều trị thoát vị bẹn

Nhiều thoát vị bẹn không có triệu chứng tuy nhiên một số trường hợp lại gây ra các biến chứng cấp tính. Biến chứng thường gặp của thoát vị bẹn là tắc ruột và nghẹt ruột. Vì vậy, bệnh nhân cần theo dõi và tới khám bác sĩ sớm nhất để có phương pháp điều trị kịp thời, tránh để xảy ra biến chứng.

Sau phẫu thuật thoát vị bẹn, bệnh nhân cần chú ý:

  • Hoạt động nhẹ nhàng. Tránh mang vác vật nặng và tham gia các hoạt động gắng sức.
  • Giữ vệ sinh, tránh gây nhiễm bẩn đến vết mổ.
  • Chế độ dinh dưỡng ưu tiên các loại thức ăn mềm, lỏng sau khi mổ, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để vết thương mau lành, tránh sử dụng một số thực phẩm gây sẹo: hải sản, đồ nếp, rau muống,...
  • Tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, liên hệ ngay với bác sĩ nếu có các dấu hiệu bất thường.

Dù đã phẫu thuật thì thoát vị bẹn vẫn có một tỷ lệ tái phát nhất định, vì vậy cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, tái khám theo hẹn và thăm khám ngay khi có các triệu chứng bất thường.

Thoát vị bẹn là một bệnh lý khá phổ biến. Điều trị thoát vị bẹn sớm sẽ giúp bệnh nhân tránh các biến chứng cấp tính, sớm quay lại sinh hoạt và lao động hàng hàng. Nếu có các triệu chứng nghi ngờ thoát vị bẹn, bệnh nhân cần tới các cơ sở y tế có chuyên môn và kỹ thuật để thăm khám sớm, kịp thời điều trị.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare