Trật khớp vai cần là tình trạng cần được xử lý khẩn trương, đưa khớp về đúng vị trí. Người bị trật khớp vai nếu được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ nhanh chóng phục hồi. Dưới đây là một số cách điều trị có thể được áp dụng trong điều trị trật khớp vai.
Điều trị trật khớp vai như thế nào?
Nắn trật khớp vai
Có nhiều phương pháp nắn chỉnh khớp vai khác nhau như kỹ thuật Cunningham, kỹ thuật xoay ngoài Hennepin, kỹ thuật tự điều chỉnh Davos, kỹ thuật Stimson (treo lơ lửng),...
Kỹ thuật nắn trật thường sử dụng lực kéo theo trục và/hoặc xoay ngoài. Không có kỹ thuật nào là tốt nhất trong nắn trật khớp vai. Quan trọng nhất là người bệnh cần được thăm khám, đánh giá tình trạng trật khớp vai và thực hiện kỹ thuật phù hợp nhất.
Lưu ý không tự mình nắn chỉnh vai bị trật trở lại vị trí cũ có thể khiến chấn thương trở nên nghiêm trọng hơn và làm tổn thương các mô xung quanh vai.
Cố định khớp
Sau khi nắn chỉnh khớp vai, người bệnh sẽ cần đeo nẹp hoặc dây treo để giữ cố định vai bị thương, giảm căng thẳng và hỗ trợ việc điều trị. Hầu hết mọi người cần cố định khớp vai trong vài tuần, cụ thể khoảng 2 - 4 tuần. Khuyến khích cử động sớm trong phạm vi vận động để giúp ngăn ngừa các biến chứng, ví dụ vai bị đông cứng.
Sử dụng thuốc
Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc giảm đau hay thuốc giãn cơ để người bệnh bớt đau.
Phẫu thuật trật khớp vai
Trong trường hợp nắn chỉnh thất bại, hoặc trật khớp vai có biến chứng mạch máu thần kinh, trật khớp vai kèm gãy xương cánh tay, ổ chảo,... có thể phải thực hiện phẫu thuật.
Tập phục hồi chức năng
Người bệnh cần bắt đầu tập vật lý trị liệu sớm, ngay từ khi còn mang đai bất động hoặc ngay sau phẫu thuật, phù hợp với từng giai đoạn điều trị, để giúp vai sớm lấy lại sức và khả năng vận động. Hầu hết mọi người cần tập vật lý trị liệu vài tháng sau khi bị trật khớp vai.
Lúc đầu, có thể bạn sẽ được hướng dẫn những bài tập gồng cơ đẳng trường chống teo cơ, tập vận động khớp khuỷu, cổ tay ngay khi còn mang đai, nẹp. Kế đó sẽ tập vận động nhẹ nhàng để giảm độ cứng.
Sau khi dây chằng vai bắt đầu lành lại, có thể tập các bài tập giãn cơ, nới lỏng vai, đảm bảo vai không quá cứng chặt. Cuối cùng, người bệnh sẽ được hướng dẫn các bài tập để tăng cường sức mạnh cơ vai. Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ trật khớp trong tương lai.
Thời gian phục hồi khi bị trật khớp vai là bao lâu?
Thường phải mất vài tháng để hồi phục sau khi bị trật khớp vai. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn mốc thời gian cần nghỉ ngơi trước khi tiếp tục các hoạt động thể chất. Nếu bạn quay lại chơi thể thao hoặc tập thể dục trước khi vai lành hoàn toàn sẽ có nguy cơ tái phát chấn thương cao hơn - bao gồm cả trật khớp tái diễn.
Phòng ngừa trật khớp vai tái diễn
Người bệnh trật khớp vai có nhiều khả năng bị trật khớp vai tái phát, dễ bị trật khớp vai trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Thực hiện một số lưu ý dưới đây có thể hỗ trợ phòng ngừa trật khớp vai tái diễn:
- Cần điều trị đúng cách, tuân thủ việc điều trị ngay từ lần trật khớp vai đầu tiên: nắn trật, bất động đủ thời gian, tập vật lý trị liệu và từng bước trở lại vận động bình thường.
- Lựa chọn môn thể thao phù hợp với lứa tuổi, thể lực, thực hiện các bài tập tăng sức mạnh và sự dẻo dai của khớp vai.
- Khởi động kỹ khi chơi thể thao.
Nhìn chung, việc điều trị trật khớp vai cần được thực hiện càng sớm càng tốt, tùy vào độ tuổi và mức độ di lệch bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp.