Trật khớp vai: Nguyên nhân, dấu hiệu và biến chứng
Nắn trật khớp vai
Tìm hiểu trật khớp vai là gì, dấu hiệu, biến chứng - Ảnh: BookingCare

Trật khớp vai: Nguyên nhân, dấu hiệu và biến chứng

Tác giả: - Xuất bản: 19/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 19/12/2023
Nếu bạn hoặc người thân đang gặp/đang điều trị tình trạng trật khớp vai có thể tìm hiểu thêm thông tin về trật khớp vai là gì, dấu hiệu, chẩn đoán,... trong bài viết dưới đây.

Vai là một khớp không ổn định do cấu tạo là một ổ chảo nông khớp với chỏm xương cánh tay, biên độ vận động của khớp lớn nên khớp vai là khớp thường xuyên bị trật nhất trong cơ thể. Vai có thể trật về phía trước, phía sau hoặc trật xuống dưới. Tìm hiểu trật khớp vai là gì, dấu hiệu trật khớp vai, nguyên nhân, biến chứng cần lưu ý,... trong bài viết dưới đây. 

Trật khớp vai là gì và dấu hiệu trật khớp vai

Trật khớp vai là tình trạng chỏm xương cánh tay bị trật khỏi ổ chảo xương bả vai. Thông thường, trật khớp vai ra trước chiếm hơn một nửa số ca trật khớp, chỏm xương cánh tay bị trật ra phía trước ổ chảo.

Người bệnh có thể cảm nhận, quan sát các biểu hiện của trật khớp vai, bao gồm:

  • Đau đột ngột vùng vai bị chấn thương 
  • Sưng nề hoặc bầm tím
  • Bất lực hoàn toàn hoặc hạn chế khả năng di chuyển khớp
  • Vai bị biến dạng rõ ràng hoặc bị lệch vị trí. Mỏm cùng vai sẽ nhô lên và khuỷu tay thường tư thế dạng ngoài. Nhìn thấy vai bên trật ngắn hơn, bờ vai vuông (dấu hiệu gù vai)

Ngay sau khi gặp chấn thương, người bệnh cần sự trợ giúp y tế, điều trị trật khớp vai. Trong lúc đó có thể xử trí ban đầu:

  • Không di chuyển khớp: Nẹp hoặc treo khớp vai ở đúng vị trí. Đừng cố gắng di chuyển vai hoặc tự nắn chỉnh để vai trở lại vị trí cũ. Điều này có thể làm hỏng khớp vai và các cơ, dây chằng, dây thần kinh hoặc mạch máu xung quanh.
  • Chườm lạnh: Chườm đá lên vai để giúp giảm đau và sưng.

Nguyên nhân trật khớp vai

Cần phải có một lực rất mạnh tác động vào vai thì xương mới có thể bị lệch khỏi vị trí. Trong một số trường hợp dưới đây có thể nguyên nhân gây trật khớp vai: 

  • Các chấn thương trong thể thao: Trật khớp vai là chấn thương phổ biến trong các môn thể thao như bóng đá và khúc côn cầu, trượt tuyết xuống dốc, thể dục dụng cụ và bóng chuyền.
  • Tai nạn giao thông, tai nạn lao động: một tác động mạnh vào vai trong một vụ tai nạn xe giao thông, tai nạn lao động có thể gây trật khớp.
  • Ngã:
    • Tiếp đất một cách lúng túng sau khi ngã đập vai, chẳng hạn như ngã chống bàn tay hoặc chống khuỷu xuống nền cứng có thể làm trật khớp vai.
    • Tùy tư thế chống tay mà có kiểu trật khác nhau: tư thế tay dạng, đưa ra sau và xoay ngoài gây trật khớp ra trước hoặc ngược lại ngã chống bàn tay xuống đất trong tư thế tay khép, đưa ra trước gây thể trật khớp vai thể ra sau.

Nhìn chung, bất cứ ai cũng có thể bị trật khớp vai. Tuy nhiên, trật khớp vai xảy ra thường xuyên nhất ở những người trẻ, độ tuổi 20 - 40, đặc biệt là các vận động viên tham gia các môn thể thao tiếp xúc.

Chẩn đoán trật khớp vai

Chẩn đoán trật khớp vai thường được thực hiện thông qua một loạt các phương pháp, bao gồm:

  • Kiểm tra lâm sàng
  • Chụp X-quang: Cần chụp X quang để xác định thể trật và tổn thương kèm theo như gãy mấu động lớn, gãy cổ phẫu thuật xương cánh tay.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) (nếu cần)
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) (nếu cần)

Kiểm tra lâm sàng sẽ tập trung vào việc kiểm tra tính linh hoạt và sự ổn định của khớp vai, đánh giá các tổn thương về thần kinh, mạch máu có thể xảy ra. Trong khi chẩn đoán hình ảnh có thể cung cấp hình ảnh chi tiết về cấu trúc và các vấn đề liên quan đến trật khớp vai. Người bệnh nên thăm khám với bác sĩ Cơ xương khớp để có chỉ định cụ thể. 

Biến chứng trật khớp vai

Tình trạng trật khớp vai nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách sẽ dẫn đến tổn thương xương và các mô xung quanh vai. Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:

  • Gãy xương kèm theo như gãy đầu trên xương cánh tay, vỡ bờ ổ chảo,...
  • Tổn thương thần kinh: 15% có biến chứng thương tổn thần kinh, điển hình nhất là liệt dây thần kinh mũ, biểu hiện là việc mất cảm giác vùng cơ bả vai và không dạng được cánh tay sau khi nắn khớp.
  • Tổn thương mạch máu
  • Căng cơ, bong gân và dây chằng

Một số người bị trật khớp vai sẽ bị tổn thương Hill-Sachs . Tổn thương Hill-Sachs giống như một vết lõm ở phần đầu trên xương cánh tay (biến dạng chỏm xương cánh tay). Tổn thương Hill-Sachs thường xảy ra trong một chấn thương trật khớp vai trước, thường với vai ở tư thế dạng và xoay ngoài.

Người bị trật khớp vai nếu được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ nhanh chóng phục hồi. Tuy nhiên, nếu hoạt động sai tư thế hoặc bị tổn thương bên trong khớp vai, có khả năng tình trạng trật khớp sẽ tái diễn nhiều lần.

Thực tế, những bệnh nhân đã từng bị trật khớp vai trước đó sẽ dễ bị tái trật khớp hơn. Nguyên nhân tái phát xảy ra do mô không lành lại đúng cách hoặc trở nên lỏng lẻo. Những bệnh nhân trẻ tuổi có tần suất tái phát trật khớp vai cao hơn. 

Nhìn chung, bị trật khớp vai có thể làm tăng nguy cơ tái diễn trong tương lai. Để tránh tái phát, người bệnh nên tập thể dục thường xuyên để duy trì sức mạnh và sự linh hoạt của khớp và cơ. Lưu ý lựa chọn môn thể thao phù hợp với thể lực, lứa tuổi. Ngay từ lần trật khớp vai đầu tiên cần được điều trị đúng cách: nắn trật, bất động đủ thời gian, tập phục hồi chức năng,...

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết