Đông y điều trị nứt kẽ hậu môn có tốt không?

Tác giả: - Xuất bản: 01/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 08/03/2024
Điều trị nứt kẽ hậu môn theo đông y
Điều trị nứt kẽ hậu môn theo đông y giúp giảm đau, phục hồi vết nứt,... - Ảnh: BookingCare
Đông y điều trị nứt kẽ hậu môn phù hợp với các trường hợp bệnh nhẹ, bệnh chưa có biến chứng. Dưới đây là một số bài thuốc, vị thuốc giúp điều trị nứt kẽ hậu môn hiệu quả BookingCare giới thiệu đến bạn đọc.

Đông y điều trị nứt kẽ hậu môn có tác dụng giảm đau rát, sưng viêm ở hậu môn, thúc đẩy quá trình phục hồi niêm mạc, lành các vết nứt. Tuy nhiên, các phương pháp đông y chỉ phù hợp với các trường hợp bệnh ở giai đoạn cấp tính, chưa phát sinh biến chứng. 

Có nên điều trị nứt kẽ hậu môn bằng đông y? 

Nứt kẽ hậu môn là tình trạng những vết rách ở niêm mạc hậu môn gây đau đớn, chảy máu, đặc biệt là khi đi đại tiện. 

Theo các bác sĩ, nứt kẽ hậu môn là tình trạng vị trí này xuất hiện một vết rách trên lớp niêm mạc, làm lộ cơ xung quanh dẫn đến co thắt, về lâu dài kéo các mép vết nứt ra rộng hơn, tổn thương thường xuất hiện khi tình trạng táo bón và tiêu chảy kéo dài, đi đại tiện kèm phân cứng, kích thước lớn, gây đau và chảy máu.

Những người có cơ thắt hậu môn (cơ vòng hậu môn) chặt thường có nguy cơ mắc bệnh nứt kẽ hậu môn cao hơn. Tăng độ chặt cơ thắt hậu môn làm cho máu nuôi dưỡng vùng tổn thương kém, ảnh hưởng đến quá trình liền vết thương. 

Theo đông y, nứt kẽ hậu môn thường do huyết nhiệt và âm hư gây ứ trệ nhiệt, độc và táo ở giang môn (hậu môn), ngoại tà xâm nhập kinh lạc dẫn đến khí huyết không thông, từ đó gây ra viêm loét không khỏi . Từ đó khiến cho vùng này bị tổn thương, hình thành các vết nứt. 

Để điều trị chứng bệnh này, đông y thường áp dụng các bài thuốc, vị thuốc có tác dụng giải độc, thanh nhiệt nhằm trừ huyết ứ và nhiệt độc ở giang môn. 

Áp dụng các bài thuốc y học cổ truyền có thể giảm bớt các cơn đau, hạn chế táo bón, hỗ trợ phục hồi vết nứt, lành niêm mạc.

Tuy nhiên, các phương pháp điều trị y học cổ truyền chỉ phù hợp với những trường hợp bệnh nhẹ đến trung bình, bệnh cấp tính mà chưa có biến chứng. Nếu vết nứt ở hậu môn ăn sâu vào niêm mạc gây chảy máu kéo dài thì bạn nên đến các cơ sở y tế để được điều trị bằng các phương pháp chuyên sâu. 

nứt kẽ hậu môn
Vết rách ở niêm mạc hậu môn gây đau đớn, chảy máu - Ảnh: Freepik 

Đông y điều trị nứt kẽ hậu môn 

Bài thuốc điều trị nứt kẽ hậu môn 

Trong đông y, nứt kẽ hậu môn được chia thành nhiều thể bệnh với các biểu hiện khác nhau. Tuỳ vào từng thể bệnh mà có thể sử dụng các bài thuốc khác nhau. Dưới đây là một số bài thuốc tham khảo theo từng thể bệnh y học cổ truyền: 

Nứt kẽ hậu môn thể âm hư huyết nhiệt:

  • Biểu hiện: hậu môn nhiều vết nứt, có xu hướng chảy máu, đau nhiều. Người bệnh có táo bón mãn tính, mạch sác, rêu lưỡi khô, trắng. 
  • Bài thuốc: Tỳ bà diệp và đông qua nhân mỗi thứ 12g, hạnh nhân 6g, mạch môn và huyền sâm mỗi thứ 20g, ma nhân và sinh địa mỗi thứ 15g. Sắc uống ngày 1 thang. 

Nứt kẽ hậu môn thể táo nhiệt:

  • Biểu hiện: người bệnh táo bón, phân thường lẫn máu tươi, đại tiện khó, thường phải rặn, kèm theo mệt mỏi, rêu lưỡi vàng, chất lưỡi đỏ, miệng khô khát. 
  • Bài thuốc: Hòe hoa, mạch môn, huyền sâm, địa du, sinh địa và mang tiêu mỗi thứ 15g, đại hoàng 9g. Sắc uống ngày 1 thang.

Nứt kẽ hậu môn thể thấp độc:

  • Biểu hiện: đau rát hậu môn, khó khăn khi đi đại tiện, phân lẫn máu tươi nhưng không nhiều, nước tiểu màu vàng sẫm. 
  • Bài thuốc: Thương truật, liên kiều, địa phu tử, hoàng bá, kim ngân hoa, khổ sâm mỗi thứ 10g và ý dĩ 15g. Sắc uống ngày 1 thang.
bài thuốc đông y điều trị nứt kẽ hậu môn
Tuỳ vào từng thể bệnh mà có thể sử dụng các bài thuốc khác nhau - Ảnh: Freepik

Vị thuốc chữa nứt kẽ hậu môn tại nhà 

Khi bệnh mới xuất hiện, các triệu chứng thường ở mức độ nhẹ, bạn có thể áp dụng một số mẹo dân gian để nhanh chóng làm lành những tổn thương, vết nứt ở niêm mạc hậu môn như: 

  • Dầu dừa: thoa dầu dừa lên vùng da hậu môn đã được làm sạch giúp giảm viêm nhiễm, ngứa ngáy vùng hậu môn, giúp dưỡng ẩm, làm dịu da và giảm tình trạng nứt kẽ, đau đớn sau đi đại tiện,…
  • Lá mồng tơi: giã nát lá, thêm nước tạo thành hỗn hợp đắp ở vùng da quanh hậu môn từ 15 – 20 phút, sau đó rửa lại với nước và lau khô, giúp làm giảm triệu chứng của bệnh. Ngoài ra, sử dụng lá mồng tơi trong các bữa ăn còn cải thiện táo bón, giúp quá trình đại tiện dễ dàng hơn. 
  • Nha đam: lấy phần gel trong nha đam bôi lên vết nứt kẽ để giảm cảm giác nóng rát, khó chịu sau đại tiện. Nha đam còn có tác dụng giảm viêm, giảm đau, hồi phục tổn thương niêm mạc.
  • Xông hơi tỏi: tỏi có tác dụng kháng viêm hiệu quả. Chuẩn bị 1 – 2 củ tỏi giã nát, lấy bã cho vào nồi nước và đun sôi. Sau đó ngồi xông và rửa lại bằng nước sạch. 

Ngoài ra, có thể sử dụng thêm các loại như dầu oliu, ngâm nước muối pha loãng, sáp ong, mật ong,…

Lối sống phòng và hỗ trợ điều trị nứt kẽ hậu môn

Để quá trình chữa nứt kẽ hậu môn tại nhà tăng hiệu quả, người bệnh nên hình thành cho mình những thói quen lành mạnh dưới đây:  

  • Vệ sinh hậu môn sạch sẽ giúp giảm thiểu viêm sưng ở niêm mạc. Sau khi đại tiện, nên rửa hậu môn với nước ấm có pha loãng muối rồi dùng khăn mềm để lau khô. Không vệ sinh bằng những sản phẩm có mùi thơm, hóa chất..  
  • Uống nhiều nước, chế độ ăn giàu chất xơ, ăn ít thực phẩm động vật, đồng thời hạn chế bổ sung các loại gia vị vào món ăn như: muối, ớt,… để cải thiện tình trạng táo bón.  
  • Tập thể dục đều đặn mỗi ngày, vận động nhẹ nhàng để cải thiện chức năng tiêu hoá, giảm nguy cơ táo bón, tiêu chảy.  
  • Mặc áo quần rộng thoải mái, đặc biệt không mặc quần lót quá chật hoặc cứng gây tổn thương hậu môn.  
  • Đại tiện hàng ngày, đúng cách, không nhịn đi tiêu, không sử dụng điện thoại trong quá trình đi đại tiện, không cố gắng rặn mạnh.. 

Mong rằng những phương pháp điều trị nứt kẽ hậu môn tại nhà trên sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình điều trị. Mặc dù phương pháp đông y chữa nứt kẽ dễ thực hiện, chi phí thấp, nhưng chỉ giúp vết nứt lành lại tạm thời, chỉ phù hợp với những trường hợp bệnh nhẹ. Nếu vết nứt tái phát hoặc có biến chứng, bạn nên tìm gặp bác sĩ để có biện pháp điều trị kịp thời.