Đừng bỏ qua các triệu chứng của hội chứng đuôi ngựa
Đừng bỏ qua các triệu chứng của hội chứng đuôi ngựa
Các triệu chứng của hội chứng đuôi ngựa
Hội chứng đuôi ngựa gây ra nhiều triệu chứng trên lâm sàng - Ảnh: BookingCare

Đừng bỏ qua các triệu chứng của hội chứng đuôi ngựa

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 25/03/2024 | Cập nhật lần cuối: 25/03/2024
Hội chứng đuôi ngựa hay Hội chứng chùm đuôi ngựa là bệnh lý nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vậy nhận biết hội chứng này qua các triệu chứng nào? Hãy cùng BookingCare tìm hiểu rõ hơn qua bài viết dưới đây.

Các tổn thương thần kinh trong hội chứng đuôi ngựa có thể xuất hiện từ từ hoặc đột ngột nhưng người bệnh cần được chẩn đoán kịp thời để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Cùng tìm hiểu kỹ hơn triệu chứng của hội chứng đuôi ngựa để kịp thời thăm khám khi cần thiết.

Triệu chứng của hội chứng đuôi ngựa?

Các triệu chứng lâm sàng của hội chứng đuôi ngựa xuất hiện đột ngột hoặc từ từ tăng dần và thường phối hợp với nhau ở các mức độ khác nhau.

Người bệnh có thể có yếu tố nguy cơ như:

  • Tuổi càng cao càng dễ mắc các bệnh lý về cột sống: thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, loãng xương,...
  • Tiền sử chấn thương vùng cột sống thắt lưng do tai nạn, sinh hoạt, chơi thể thao,...
  • Sau các phẫu thuật vùng cột sống.
  • Tính chất công việc có ảnh hưởng đến tư thế cột sống: lao động nặng, không được trang bị bảo hộ lao động,...

Thời gian khởi phát các triệu chứng là rất quan trọng để chẩn đoán hội chứng đuôi ngựa.  Đừng bỏ qua hội chứng đuôi ngựa khi bạn có các triệu chứng như sau:

Đau vùng cột sống thắt lưng

  • Thường do nguyên nhân thoát vị đĩa đệm cột sống hoặc do khối u chèn ép vào tủy sống.
  • Đau khu trú một bên hoặc hai bên, cột sống có thể giảm hoặc mất đường cong sinh lý,  hạn chế vận động.
  • Đau âm ỉ liên tục hoặc dữ dội ở giai đoạn muộn.
  • Đau tăng lên khi gắng sức (ho, hắt hơi, rặn khi đi vệ sinh,...) và khi thay đổi tư thế, đau giảm khi nằm nghỉ ngơi.

Rối loạn cảm giác nông, sâu

  • Có thể ở một chi hoặc hai chi
  • Có thể rối loạn cảm giác hậu môn sinh dục (rối loạn cảm giác kiểu yên ngựa): tê bì, ngứa, giảm hoặc mất cảm giác mặt trong đùi, bẹn, cơ quan sinh dục ngoài, hậu môn.

Rối loạn vận động

  • Thường gặp ở một hoặc hai chi dưới.
  • Kèm theo giảm hoặc mất phản xạ gân xương (gân bánh chè, gân gót), giảm sức cơ, giảm trương lực cơ.
  • Có thể mất phản xạ ở hậu môn, phản xạ da bìu.

Rối loạn cơ tròn hậu môn sinh dục

  • Tổn thương chùm đuôi ngựa khiến cơ tròn bàng quang và hậu môn giảm trương lực.
  • Đại tiểu tiện không tự chủ (đại, tiểu tiện dầm dề hay bí đại tiểu tiện) hoặc có thể táo bón kéo dài.
  • Bệnh nhân giảm ham muốn tình dục: liệt dương ở nam và lãnh cảm ở nữ.

Rối loạn dinh dưỡng

  • Có thể có loét da do tỳ đè khi người bệnh không được chăm sóc hằng ngày.
  • Teo cơ đặc biệt ở những nhóm cơ vận động nhiều.

Ngoài ra tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra hội chứng đuôi ngựa mà người bệnh có thể xuất hiện thêm các triệu chứng đi kèm khác như:

  • Sút cân trong ung thư.
  • Chấn thương gãy xương cột sống.
  • Biểu hiện nhiễm trùng ở các bệnh lý viêm, nhiễm khuẩn.

Khi nào cần thăm khám hội chứng đuôi ngựa?

Hội chứng đuôi ngựa mặc dù nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời nhưng đa phần người bệnh dễ bị nhầm lẫn bởi các bệnh lý khác bởi các triệu chứng tương tự nên dễ bỏ sót.

Bạn nên đến bệnh viện, các phòng khám chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám kỹ khi có các biểu hiện triệu chứng trên đặc biệt khi có đau lưng dữ dội, yếu liệt chi dưới, rối loạn cơ tròn bàng quang, hậu môn khiến rối loạn đại tiểu tiện.

Bên cạnh đó khi xuất hiện các triệu chứng khác bạn cũng không nên quá chủ quan mà cũng cần thăm khám để tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Hội chứng đuôi ngựa là một bệnh lý cấp cứu thần kinh cần được chẩn đoán và điều trị sớm. Việc nắm rõ các triệu chứng điển hình hay đi kèm của hội chứng này là rất cần thiết. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích về bệnh lý này.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết