Đừng bỏ qua các triệu chứng của thoát vị bẹn
Thoát vị bẹn gây đau và xuất hiện khối vùng bẹn
Thoát vị bẹn gây đau, căng tức vùng bẹn - Ảnh: BookingCare

Đừng bỏ qua các triệu chứng của thoát vị bẹn

Tác giả: - Xuất bản: 15/04/2024 - Cập nhật lần cuối: 20/04/2024
Khi mắc thoát vị bẹn, người bệnh thường xuất hiện khối phồng và có cảm giác tức nặng vùng bẹn. Tuy nhiên, một số bệnh lý khác cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự khó phân biệt. Bạn đọc có thể tìm hiểu các triệu chứng của bệnh lý thoát vị bẹn qua bài viết dưới đây.

Nếu thoát vị bẹn không được phát hiện sớm, người bệnh có thể đối mặt với những biến chứng nguy hiểm như thoát vị bẹn nghẹt. Bởi vậy việc nhận biết triệu chứng là rất quan trọng. Hãy cùng BookingCare tìm hiểu kỹ hơn các triệu chứng của bệnh lý này để kịp thời thăm khám bác sĩ.

Triệu chứng thoát vị bẹn

Triệu chứng tại chỗ

  • Đau tức vùng bẹn: Đau tức vùng bẹn bìu là triệu chứng thường xuất hiện đầu tiên, từ từ tăng dần, đau tức có thể âm ỉ hoặc dữ dội từng cơn tùy theo tạng bị thoát vị và mức độ thoát vị. Đôi khi bệnh nhân chỉ có cảm giác khó chịu mơ hồ vùng bẹn.
  • Xuất hiện khối vùng bẹn:
    • Giai đoạn đầu, khối thoát vị có thể khó quan sát, chỉ quan sát thấy khi áp lực ổ bụng tăng khi bê vác vật nặng, tập luyện thể dục, khi rặn, ho,... và có thể biến mất khi nằm xuống.
    • Càng về sau, khối thoát vị càng lớn có thể xuất hiện thường xuyên khi đứng và có thể biến mất khi nằm hoặc bệnh nhân tự đẩy khối thoát vị lên.
    • Khi tạng thoát vị xuống đến bìu có thể thấy bìu to bất thường.
    • Nếu khối thoát vị quá to hoặc xuất hiện biến chứng kẹt, nghẹt thì khối thoát vị không thể đẩy lên ổ bụng được nữa. Khi đó có thể gây ra cơn đau quặn bụng dữ dội kèm buồn nôn hoặc nôn. Khối thoát vị có thể sưng, nóng, đỏ đau. Nếu không điều trị kịp thời sẽ gây hoại tử tạng thoát vị.

Triệu chứng toàn thân hoặc cơ quan khác

Nếu tạng thoát vị bẹn là quai ruột, khi quai ruột sa xuống nhiều có thể gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón, buồn nôn, nôn,…)

Thông thường thoát vị bẹn không gây nên các triệu chứng toàn thân. Tuy nhiên, trong bệnh cảnh thoát vị bẹn nghẹt có thể xuất hiện các dấu hiệu toàn thân như: mệt mỏi, chán ăn, sốt (khi tạng thoát vị hoại tử, vỡ gây viêm phúc mạc hoặc các cấu trúc xung quanh).

Trên lâm sàng, có thể gặp các dấu hiệu của các bệnh lý là yếu tố nguy cơ/ nguyên nhân gây thoát vị bẹn:

  • Khối u trong ổ bụng: gầy sút cân, đau bụng, táo bón, sờ thấy u qua thành bụng,…
  • Bệnh lý hô hấp mạn: ho dai dẳng, khó thở, tức ngực
  • Bệnh lý gan: vàng da, thiếu máu, tràn dịch ổ bụng,...
  • Bệnh lý tim mạch: suy tim, tràn dịch màng tim,...
  • Bệnh lý phì đại tiền liệt tuyến: đái khó, tia tiểu yếu, sờ thấy tiền liệt tuyến to…

Các triệu chứng  của thoát vị bẹn đôi khi không điển hình mà có thể giống với triệu chứng của một số bệnh như xoắn tinh hoàn, tràn dịch tinh hoàn, giãn tĩnh mạch tinh,... nên người bệnh không nên chủ quan mà cần đến thăm khám kỹ tại bệnh viện để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.

Ai dễ mắc thoát vị bẹn?

  • Thoát vị bẹn thường xảy ra phổ biến hơn ở nam giới do cấu trúc giải phẫu vùng bẹn của nam giới có điểm yếu tự nhiên.  
  • Có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào kể cả người lớn hoặc trẻ em. Bệnh dễ mắc phải ở người lớn tuổi có cơ thành bụng yếu. Ở trẻ em đẻ non dễ mắc thoát vị bẹn hơn.
  • Người bệnh có những yếu tố thuận lợi sau cũng có thể dẫn tới thoát vị bẹn do gây tăng áp lực ổ bụng kéo dài:
    • Táo bón mạn tính 
    • Tiểu khó do u  tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo,…
    • Viêm phế quản mạn tính gây ho kéo dài.
    • Phụ nữ có thai hoặc trẻ sinh non.
    • Người lớn tuổi, suy kiệt cơ thành bụng suy yếu.
    • Có tiền sử thoát vị bẹn trước đó
    • Bệnh lý gan, tim mạch gây tràn dịch làm tăng áp lực ổ bụng hoặc có khối u lớn trong ổ bụng.
    • Một số ngành nghề đòi hỏi phải đứng trong thời gian dài hoặc công việc lao động nặng thường xuyên, kéo dài

Trên đây là những triệu chứng thường gặp của bệnh thoát vị bẹn, ở giai đoạn đầu các triệu chứng có thể mơ hồ và không điển hình. Tuy nhiên, khi có dấu hiệu bất thường, mọi người không nên chủ quan mà nên kiểm tra sức khỏe  để được bác sĩ thăm khám và tư vấn về tình trạng thoát vị bẹn cũng như các bệnh lý liên quan.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết