Gãy xương đòn: Triệu chứng, cách điều trị, bao lâu thì lành?
Gãy xương đòn
Gãy xương đòn: Triệu chứng, cách điều trị, bao lâu thì lành? - Ảnh: BookingCare

Gãy xương đòn: Triệu chứng, cách điều trị, bao lâu thì lành?

Tác giả: - Xuất bản: 19/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 19/12/2023
Xương đòn là xương dễ lành khi gãy do vậy người bệnh có thể thực hiện điều trị bảo tồn. Trong một số trường hợp cần thực hiện phẫu thuật. Tìm hiểu chi tiết các thông tin về chủ đề này trong bài viết dưới đây.

Xương đòn hay còn gọi là xương quai xanh, nối xương bả vai với xương ức. Gãy xương đòn là chấn thương phổ biến, chiếm khoảng 5% tổng số ca gãy xương ở người trưởng thành.

Nội dung bài viết dưới đây sẽ giải đáp cho người bệnh, người nhà các câu hỏi về triệu chứng, cách điều trị gãy xương đòn cũng như đưa ra lưu ý trong quá trình điều trị giúp xương nhanh liền hơn.

Triệu chứng gãy xương đòn

Các triệu chứng của gãy xương đòn bao gồm:

  • Đau tại vùng vai bị chấn thương.
  • Sưng hoặc bầm tím.
  • Có tiếng rắc hoặc lạo xạo khi cử động vai.
  • Cứng khớp hoặc không thể cử động vai.
  • Vai rũ xuống hoặc đổ về phía trước do xương không còn nâng đỡ được. 

Điều trị gãy xương đòn như thế nào?

Điều trị bảo tồn

Hầu hết trường hợp gãy xương đòn không cần phẫu thuật. Nếu phần xương bị gãy ở vị trí tốt để lành lại, bác sĩ sẽ tư vấn, chỉ định các phương pháp: 

  • Bất động bằng đai số 8 kết hợp treo tay: Các trường hợp gãy ít di lệch có thể điều trị bằng cách đeo đai số 8 và treo tay trong 4 đến 6 tuần. Treo tay có thể giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn khi hồi phục cũng như giúp ngăn ngừa các phần xương bị gãy di chuyển.
  • Thuốc: Thuốc không kê đơn có thể giảm đau. Bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc mạnh hơn, chẳng hạn như opioid trong một khoảng thời gian rất ngắn. Tuy nhiên, những loại thuốc này có nguy cơ gây nghiện và chỉ nên sử dụng nếu thực sự cần thiết.
  • Vật lý trị liệu: Chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn  các bài tập giúp cải thiện chuyển động ở cánh tay, tăng cường sức mạnh cho vai và ngăn ngừa cứng khớp. 

Điều trị phẫu thuật

Người bệnh gãy xương đòn sẽ cần thực hiện phẫu thuật trong một số trường hợp:

  • Tổn thương mạch máu, tổn thương dây thần kinh kèm theo.
  • Tổn thương thủng màng phổi gây tràn khí, tràn máu màng phổi.
  • Điều trị bảo tồn nhưng có nguy cơ gây chọc thủng da hoặc màng phổi
  • Gãy xương hở.
  • Gãy xương mà hai đầu xương gãy di lệch xa nhau hoặc bị kẹt cơ ở giữa cản trở lành xương hoặc xương bị chồng ngắn nhiều > 2 cm.
  • Gãy nhiều xương, đặc biệt là gãy 2 xương đòn hoặc xương đòn và xương bả vai cùng bên gây mất vững nặng đai vai,…
  • Chỉ định mổ muộn khi điều trị bảo tồn thất bại, gây không liền xương hoặc khớp giả xương đòn có triệu chứng.
  • Có thể chỉ định mổ sớm trong trường bệnh nhân có nhu cầu phẫu thuật để quay trở lại vận động sinh hoạt sớm.

Hiện nay có 2 phương pháp phẫu thuật chính, bao gồm sử dụng đinh nội tủy và nẹp vít. Việc lựa chọn phương pháp nào tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh cùng với đánh giá của phẫu thuật viên.

Hầu hết các trường hợp gãy xương đòn sẽ lành sau 6 đến 8 tuần. Người bệnh có thể bắt đầu trở lại hoạt động bình thường hoàn toàn sau khoảng 3 tháng, nhưng quá trình hồi phục hoàn toàn có thể mất tới 6 đến 12 tháng.

Gãy xương đòn có nguy hiểm không?

Xương đòn khi gãy thường không quá nguy hiểm và tương đối nhanh lành, tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách, người bệnh có thể gặp phải các biến chứng: 

  • Tổn thương thần kinh hoặc mạch máu: Mặc dù hiếm khi nhưng phần đầu lởm chởm của xương đòn bị gãy có thể làm tổn thương các dây thần kinh và mạch máu gần đó. Thăm khám sớm khi có triệu chứng tê hoặc lạnh, dị cảm ở cánh tay hoặc bàn tay.
  • Xương đòn bị gãy nặng có thể lành chậm hoặc không lành hoàn toàn. Sự liên kết xương kém trong quá trình lành vết thương có thể làm xương ngắn lại.
  • Viêm xương khớp: Gãy xương liên quan đến các khớp nối xương đòn với xương bả vai hoặc xương ức có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp sau này ở khớp đó.

Lưu ý chăm sóc hồi phục sau gãy xương đòn

  • Chườm lạnh vào chấn thương trong 20 đến 30 phút sau vài giờ trong 2 đến 3 ngày đầu sau khi gãy xương đòn có thể giúp kiểm soát cơn đau và sưng tấy.

  • Trong thời gian nghỉ ngơi, chờ lành xương, không xách vật nặng vì xương đòn là phần nối giữa toàn bộ thân người và tay, khi xách vật nặng sẽ kéo phần vai xuống, dễ di lệch chỗ gãy hơn.
  • Nên tập khớp vai, tránh bị cứng khớp vai do lâu ngày không cử động (nhưng tránh dạng vai qua 90 độ trong thời gian đầu).
  • Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, bổ sung canxi để giữ xương chắc khỏe.

Gãy xương đòn dễ lành tuy nhiên người bệnh cần thăm khám, tuân thủ chỉ định điều trị từ bác sĩ chuyên khoa. Tránh trường hợp tự ý điều trị hoặc tự bó thuốc nam có thể gây nhiễm trùng hoặc các biến chứng khác do không được thăm khám, đánh giá đúng tình trạng ngay từ đầu. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết