Ghép tế bào gốc tạo máu - mũi nhọn trong điều trị các bệnh lý huyết học hiện nay
Ghép tế bào gốc tạo máu - mũi nhọn trong điều trị các bệnh lý huyết học hiện nay
Ghép tế bào gốc tạo máu
Ghép tế bào gốc tạo máu điều trị hiệu quả các bệnh lý huyết học, bệnh lý ác tính - Ảnh: BookingCare

Ghép tế bào gốc tạo máu - mũi nhọn trong điều trị các bệnh lý huyết học hiện nay

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 15/05/2024 | Cập nhật lần cuối: 03/06/2024
Hiện nay, ghép tế bào gốc tạo máu được xem là mũi nhọn trong điều trị các bệnh lý huyết học, bệnh lý ác tính khác,... mở ra cơ hội tìm lại sức khỏe cho nhiều bệnh nhân. Vậy ghép tế bào gốc tạo máu là gì? Thực hiện như thế nào? Cùng BookingCare tìm hiểu qua bài viết sau.

Ghép tế bào gốc tạo máu hiện đang là phương pháp điều trị triệt để các bệnh lý huyết học, bệnh lý ác tính. 

Trong những năm qua, ngành Y tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong ghép tế bào gốc tạo máu. Tháng 7/1995, dưới sự chủ trì của PGS.Trần Văn Bé tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM đã thực hiện thành công ghép tế bào gốc tủy xương đầu tiên tại Việt Nam.

Kết quả này đã đặt nền móng cho việc phát triển hoạt động ghép tế bào gốc máu ngoại vi, tế bào gốc máu cuống rốn trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, việc ghép tế bào gốc tạo máu ở Việt Nam đang gặp một số khó khăn như cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo cho việc áp dụng kỹ thuật này rộng rãi, chi phí thực hiện cao, bảo hiểm y tế mới đồng ý tham gia chi trả một phần.

Ghép tế bào gốc tạo máu là gì?

Ghép tế bào gốc là quá trình thay thế các tế bào máu gốc bất thường của bệnh nhân bằng những tế bào máu gốc khỏe mạnh từ người khác (người hiến tặng) hoặc của chính người bệnh. 

Phương pháp này cho phép người nhận có nguồn tế bào máu gốc sinh máu mới giúp cho quá trình tạo máu hiệu quả hơn. Bên cạnh hiệu quả điều trị, phương pháp này vẫn còn nhiều biến chứng và không phải bệnh nhân nào cũng phù hợp để được ghép tế bào gốc.

Tất cả các tế bào máu trong cơ thể (tế bào bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu) đều nguồn từ các tế bào gốc tạo máu. Tế bào gốc tạo máu là những tế bào đầu dòng chưa biệt hóa, chúng tập trung chủ yếu ở tủy xương. 

Tùy thuộc vào nhu cầu của cơ thể mà các tế bào này sẽ phát triển, khi trưởng thành các tế bào gốc tạo máu rời khỏi tủy xương và di chuyển vào máu, một lượng ít tế bào gốc chưa trưởng thành cũng đi vào máu. Chúng được gọi là các tế bào gốc máu ngoại vi.

Hiện nay, có 2 phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu:

  • Ghép tế bào gốc tự thân: tế bào gốc được lấy từ người bệnh và được ghép lại cho chính người bệnh đó.
  • Ghép tế bào gốc đồng loại: tế bào gốc có thể được lấy từ người thân của bệnh nhân, từ một người không cùng huyết thống hoặc từ máu cuống rốn được lưu trữ phù hợp kháng nguyên phù hợp mô (HLA) với người bệnh. 

Phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu có nhiều ứng dụng trong điều trị nhiều bệnh như: bệnh bạch cầu, suy tủy xương, hồng cầu hình liềm, bệnh Hodgkin, đa u tủy, rối loạn suy giảm miễn dịch và một số khối u rắn, một số loại ung thư,...

Cho đến nay, chỉ có ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp có hiệu quả và mang lại hy vọng chữa khỏi cho những bệnh nhân mắc nhóm bệnh này.

Các biến chứng thường gặp của ghép tế bào gốc

Mặc dù, ghép tế bào gốc mang lại hiệu quả điều trị to lớn cho bệnh nhân nhưng chúng cũng có nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Biến chứng nhiễm trùng: trong thời gian tế bào gốc của người cho chưa mọc, hệ miễn dịch của cơ thể người bệnh suy yếu, nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Bác sĩ sẽ dùng kháng sinh dự phòng và điều trị khi có nhiễm trùng.
  • Thiếu máu, xuất huyết: xảy ra khi mảnh ghép chưa mọc, cơ thể người bệnh không có sự tạo máu dẫn đến thiếu hồng cầu và tiểu cầu.
  • Bệnh mảnh ghép chống chủ: tế bào gốc của người cho xem cơ thể của người bệnh là vật lạ và tấn công các mô lành của người bệnh. Bệnh có thể xảy ra cấp hoặc mạn và biểu hiện trên rất nhiều: da, hệ tiêu hóa, hệ gan mật, hệ tiết niệu,… Người bệnh cần phải uống thuốc ức chế miễn dịch một thời gian dài sau ghép để ngừa biến chứng này.
  • Thải ghép: tế bào gốc của người cho không mọc được trong cơ thể người bệnh hoặc bị đào thải sau khi đã mọc mảnh ghép.
  • Tắc tĩnh mạch trên gan: là tình trạng các tĩnh mạch gan bị tắc nghẽn hoặc thu hẹp bởi cục máu đông, làm máu chảy ngược vào gan làm gan tăng kích thước gây tăng áp lực tĩnh mạch cửa, xơ gan, lách to.

Quy trình thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu

Kiểm tra bệnh nhân, các điều kiện trước ghép

Người bệnh sẽ được lấy máu xét nghiệm để bảo đảm đủ điều kiện để tiến hành ghép tế bào gốc, các xét nghiệm đó bao gồm:

  • Các xét nghiệm huyết học như: nhóm máu, lam máu ngoại vi, huyết  tủy đồ, sinh thiết tủy xương,…
  • Sinh hóa: chức năng gan, men gan AST, ALT, chức năng thận (nồng độ ure,creatinin), đường huyết, điện giải đồ,… 
  • Chức năng đông cầm máu
  • Các xét nghiệm siêu vi/ký sinh trùng: viêm gan B,C, virus HIV, giang mai, sốt rét,...
  • Chẩn đoán hình ảnh: X-quang tim phổi thẳng, siêu âm tim-bụng, điện tim (ECG) 
  • Tổng phân tích nước tiểu

Các xét nghiệm này sẽ được thực hiện ngay trước ngày ghép và tùy theo phác đồ có thể kéo dài từ 5 - 7 ngày.

Ghép tế bào gốc tạo máu

  • Sau khi người bệnh trải qua giai đoạn điều trị hóa chất được đánh giá là đạt lui bệnh hoàn toàn, các bác sĩ sẽ tiến hành truyền tế bào gốc vào cơ thể người bệnh sau phác đồ điều kiện hóa 12 - 24h.
  • Tế bào gốc đông lạnh để lưu trữ, chúng sẽ được rã đông trước khi truyền vào cơ thể bệnh nhân.
  • Quá trình truyền có thể kéo dài từ 30 phút đến vài giờ đồng hồ, tùy thể tích đơn vị tế bào gốc.
  • Phản ứng trong quá trình truyền tế bào gốc ít xảy ra. Tuy nhiên, một số khó chịu được ghi nhận như: đau bụng, rát họng,... chúng thường do độc tính của chất DMSO (chất bảo quản tế bào gốc). Các triệu chứng trên sẽ được theo dõi sát bởi các bác sĩ và điều dưỡng.

Quá trình mọc mảnh ghép

  • Tế bào gốc di chuyển đến tủy xương và phát triển thành các tế bào máu. Quá trình này gọi là mọc mảnh ghép.
  • Sau ghép, bác sĩ sẽ theo dõi công thức máu của bệnh nhân thường xuyên để xác định thời điểm mọc mảnh ghép.
  • Bệnh nhân sẽ được sử dụng thuốc kích thích tủy xương để thúc đẩy mọc mảnh ghép

Người bệnh sẽ được xét nghiệm kiểm tra tỷ lệ tế bào người cho trong cơ thể sau ghép, thường xét nghiệm này được thực hiện khoảng 1 tháng sau ghép.

quy trinh ghep tuy
Quy trình ghép tế bào gốc - Ảnh: BookingCare

Theo dõi và chăm sóc sau thực hiện ghép tế bào gốc

Để một ca ghép tế bào gốc tạo máu thành công không dừng lại ở kỹ thuật mà còn phụ thuộc nhiều vào việc theo dõi và chăm sóc sau thực hiện ghép.

Một số lưu ý theo dõi và chăm sóc sau thực hiện ghép tế bào gốc gồm:

  • Tránh nhiễm trùng: Tùy vào nguồn tế bào gốc, phác đồ ghép,... mà hệ thống miễn dịch của bệnh nhân thường cần khoảng 6 tháng hoặc hơn để phục hồi. Do đó, trong thời gian này, bệnh nhân cần tuân thủ một số việc sau đây để phòng tránh nhiễm trùng: 
    • Rửa tay đều đặn, vệ sinh răng miệng và tắm mỗi ngày.
    • Tránh ăn thức ăn không đảm bảo vệ sinh. Tốt nhất vẫn là ăn thức ăn nấu chín kỹ và uống nước đun sôi để nguội.
    • Tránh tiếp xúc với với những nguồn bệnh lây nhiễm khác như sởi, thủy đậu, cúm,…
    • Bệnh nhân sẽ được chỉ định tiêm ngừa nhằm chống lại một số tác nhân nhiễm, thường bắt đầu từ tháng thứ 6 khi giảm liều hoặc ngưng thuốc ức chế miễn dịch.
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, sẽ tăng nguy cơ của phản ứng mảnh ghép chống chủ.
  • Một số trường hợp mảnh ghép giảm về tỷ lệ thông qua xét nghiệm chimerism, bác sĩ sẽ chỉ định truyền tế bào gốc của người cho để đảm bảo tỷ lệ mảnh ghép tốt nhất.
  •  

Phần lớn bệnh nhân sau ghép tế bào gốc sẽ bị ảnh hưởng đến tâm lý. Vì vậy, cần giúp người bệnh an tâm bằng cách động viên, lắng nghe, chia sẻ tâm tư cùng người bệnh. Ngoài ra, người bệnh cần tái khám đúng theo lịch hẹn của bác sĩ, để được theo dõi sát và điều trị kịp thời khi có biến chứng sau ghép.

Mặc dù, ghép tế bào gốc hiện được xem như “cuộc cách mạng lớn” trong điều trị các bệnh lý huyết học, bệnh lý ác tính, kỹ thuật ghép tế bào gốc đem lại tia hy vọng sống, giúp bệnh nhân có cơ hội sống và chữa khỏi bệnh.

Tuy nhiên, thực tế triển khai ghép tế bào gốc vẫn còn nhiều khó khăn như: chi phí ghép tế bào gốc rất lớn, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, nguồn tế bào gốc,... nên kỹ thuật vẫn chưa được triển khai phổ biến trong điều trị.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết