- Xuất bản: 17/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 04/03/2024
Điều trị đa u tủy xương là vấn đề vô cùng quan trọng trong sự phục hồi của người bệnh - Ảnh: BookingCare
Bệnh đa u tủy xương có chữa được không? là câu hỏi được đặt ra đối với nhiều người khi được chẩn đoán hoặc có người thân mắc bệnh lý đa u tủy xương. Điều trị đa u tủy xương là vấn đề vô cùng quan trọng, mỗi giai đoạn, thể bệnh sẽ có phương pháp điều trị khác nhau.
Đa u tủy xương còn gọi là bệnh Kahler, đặc trưng bởi sự tăng sinh ác tính dòng tương bào (plasma cell) trong tuỷ xương, tiết ra hàng loạt protein đơn dòng trong huyết thanh và nước tiểu gây tổn thương các cơ quan đích.
Đây là một bệnh lý ác tính của cơ quan tạo máu, vì vậy việc điều trị vô cùng phức tạp, đòi hỏi sự hợp tác của cả đội ngũ y tế và bệnh nhân. Cùng BookingCare tìm hiểu về các phương pháp điều trị đa u tủy xương qua bài viết dưới đây.
Các phương pháp điều trị đa u tủy xương
Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn bệnh đa u tuỷ xương. Điều trị đa u tủy xương thường đòi hỏi một phương pháp kết hợp và được tùy chỉnh theo tình trạng sức khỏe cụ thể của từng bệnh nhân. Mỗi bệnh nhân sẽ có phương pháp điều trị khác nhau tùy vào từng giai đoạn và mức độ của bệnh.
Với các tiến bộ của phương pháp điều trị và các thuốc mới ra đời, người bệnh cao tuổi (70 – 80 tuổi hoặc hơn) vẫn có cơ hội điều trị tối ưu.
Điều trị ban đầu cho người bệnh mới chẩn đoán
Điều trị đa u tủy xương gồm hoá trị liệu kết hợp với thuốc:
Người bệnh <65 tuổi (tới 70 tuổi nếu thể trạng bệnh tốt) có thể điều trị bằng ghép tế bào gốc tự thân nhằm đạt lui bệnh kéo dài. Đánh giá ghép tế bào gốc ưu tiên căn cứ vào thể trạng của người bệnh hơn là về độ tuổi của người bệnh.
Đối với người có khả năng ghép tế bào gốc tự thân, sau 3-4 chu kỳ điều trị hoá trị liệu sẽ tiến hành thu thập tế bào gốc của chính người bệnh để ghép cho chính người bệnh đó.
Ở giai đoạn điều trị tấn công, tuỳ theo nhóm tiên lượng và khả năng có đủ các nhóm thuốc để có chiến lược lựa chọn phác đồ điều trị thích hợp. Các nhóm thuốc thường kết hợp gồm: nhóm thuốc ức chế proteasome, nhóm thuốc điều hoà miễn dịch, các kháng thể đơn dòng và corticoid.
Giai đoạn ghép tế bào gốc tự thân
Phác đồ điều kiện hoá chuẩn: Melphalan (200 mg/m2 tĩnh mạch). Liều Melphalan cần được điều chỉnh theo mức độ suy thận và tổng trạng chung của người bệnh.
Sử dụng nguồn tế bào gốc máu thu thập từ máu ngoại vi là chính. Có thể truyền tươi hoặc được bảo quản âm sâu -196 độ C.
Sau truyền tế bào gốc theo dõi mọc mảnh ghép và các biến chứng như nhiễm trùng, xuất huyết… Chăm sóc người bệnh theo chế độ chăm sóc cấp 1.
Điều trị bệnh tái phát và kháng thuốc
Nguyên tắc khi điều trị tái phát bằng thuốc gồm:
Khi tái phát và kháng thuốc cần xét nghiệm lại đánh giá yếu tố nguy cơ và tổng thể bilan bệnh như ban đầu chẩn đoán vì có thể có sự chuyển đổi dòng tương bào khác lúc chẩn đoán (clone) để có kế hoạch điều trị hiệu quả.
Lựa chọn điều trị trong bệnh cảnh tái phát phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tuổi, thể trạng người bệnh, các bệnh đi kèm, thể bệnh, hiệu quả và dung nạp của điều trị trước,...
Ở những người bệnh trẻ tuổi tái phát, chỉ định ghép tế bào gốc tự thân lần hai có thể là cần thiết.
Điều trị hỗ trợ
Điều trị hỗ trợ các biến chứng của đa u tủy xương như:
Thiếu máu: Sử dụng Erythropoietin tái tổ hợp, truyền hồng cầu lắng,...
Suy thận: Một số thuốc có nguy cơ gây độc đối với thận nên hạn chế dùng như: Kháng sinh nhóm aminoglycoside, thuốc chống viêm non-steroid, tránh sử dụng thuốc cản quang…
Dự phòng nhiễm trùng: Sử dụng Gammaglobulin khi nhiễm trùng tái diễn, nhiễm trùng nặng đe doạ tính mạng bệnh nhân. Tiêm phòng vắc xin phòng viêm phổi do cầu khuẩn, H.influenza,...
Tăng độ quánh máu: Chỉ định trao đổi huyết tương cho người bệnh có biểu hiện triệu chứng của tăng độ quánh máu như: Chảy máu niêm mạc, triệu chứng thần kinh (đau đầu, chóng mặt hoặc co giật, hôn mê)... hoặc độ quánh huyết tương tăng trên 4 CP (centipoise).
Phòng và điều trị huyết khối: Nguy cơ gặp biểu hiện huyết khối tĩnh mạch (VTE) hay gặp nhất trong giai đoạn 6 đến 12 tháng đầu điều trị, sau đó giảm hơn và thấp hơn ở những bệnh nhân tái phát so với những bệnh nhân chưa điều trị trước đó.
Quản lý các triệu chứng
Chăm sóc đau: cho người bệnh nghỉ ngơi, hạn chế vận động. Tuyệt đối không được xoa bóp, vận động mạnh các vị trí đau.
Phát hiện các dấu hiệu thiếu máu: hoa mắt, chóng mặt, da xanh, niêm mạc nhợt cần nghỉ ngơi tuyệt đối trên giường, báo lại với bác sĩ.
Phát hiện dấu hiệu xuất huyết: trên da xuất hiện các nốt xuất huyết nhỏ trên tay, chân hoặc toàn thân, cần nghỉ ngơi tuyệt đối trên giường bệnh, báo lại bác sĩ.
Phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng: người bệnh sốt từ 38 độ, môi khô, lưỡi bẩn,... cần báo lại bác sĩ.
Lưu ý cho bệnh nhân điều trị đa u tủy xương
Người bệnh ăn uống đầy đủ 4 nhóm thức ăn: chất bột, chất đường, chất đạm, chất béo, nhóm vitamin và muối khoáng để tăng cường sức khỏe và sức đề kháng. Người bệnh cần ăn chín uống sôi. Sử dụng thực phẩm như lưu ý đối với các nhóm bệnh ung thư khác, tránh sinh hoạt, ăn uống không lành mạnh.
Vệ sinh thân thể hàng ngày
Người bệnh nên hạn chế lao động nặng, vận động nhẹ nhàng, nghỉ ngơi tuyệt đối khi có dấu hiệu đau nhức nhiều
Khi ra viện, phải uống thuốc theo đơn đầy đủ
Khám lại, kiểm tra xét nghiệm theo hẹn, tuân thủ lịch trình điều trị của bác sĩ.
Người bệnh vừa điều trị xong tránh những va chạm mạnh, đi lại nhẹ nhàng trên một mặt bằng, tránh ngã để hạn chế tối đa biến chứng gãy xương.
Đa u tủy xương là bệnh lý cơ quan tạo máu nguy hiểm và chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Vì vậy khi thấy bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ bệnh lý đa u tủy xương cần tới ngay cơ sở y tế có chuyên môn để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.