Giải đáp câu hỏi: Xơ gan sống được bao lâu?
Giải đáp câu hỏi: Xơ gan sống được bao lâu?
Xơ gan sống được bao lâu? 
Xơ gan sống được bao lâu? - Ảnh: BookingCare

Giải đáp câu hỏi: Xơ gan sống được bao lâu?

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 01/07/2024 | Cập nhật lần cuối: 05/09/2024
Xơ gan sống được bao lâu? Trên thực tế, tiên lượng và thời gian sống của xơ gan tuỳ thuộc vào từng giai đoạn của bệnh. Bệnh xơ gan được chia làm 4 giai đoạn từ nhẹ đến nặng, do đó thời gian sống cũng thay đổi khác nhau. 

Xơ gan là tình trạng các tế bào gan khỏe mạnh bị thay thế bởi các mô sẹo. Bệnh xơ gan làm giảm chức năng và hoạt động bình thường của gan, do đó là căn bệnh nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao. Vậy xơ gan sống được bao lâu? 

Xơ gan sống được bao lâu? 

Tuỳ thuộc vào mức độ tổn thương gan (giai đoạn bệnh) và các phương pháp điều trị, phòng ngừa mà người bệnh xơ gan có thể sống được từ vài tháng tới vài chục năm. Cụ thể: 

Xơ gan giai đoạn đầu 

Xơ gan giai đoạn đầu (hay còn gọi là xơ gan còn bù) là giai đoạn các tế bào gan mới bắt đầu có dấu hiệu tổn thương, xơ hoá ở mức độ nhẹ. Lúc này, các tế bào gan khỏe mạnh vẫn có khả năng bù trừ những tế bào hư hại và mất đi. 

Trong giai đoạn đầu, gan bị xơ nhẹ và chức năng chưa bị suy giảm nhiều, hoàn toàn có khả năng hồi phục nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, các triệu chứng bệnh khá mờ nhạt, dễ bị bỏ qua. Một số biểu hiện có thể gặp như mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, buồn nôn,… dễ bị nhầm lẫn với các bệnh tiêu hoá thông thường. 

Nếu người bệnh phát hiện kịp thời và có biện pháp ngăn ngừa xơ gan tiến triển, giảm mức độ tổn thương tế bào gan, người bệnh có thể yên tâm điều trị khỏi mà không ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống và tuổi thọ. 

xơ gan còn bù
Trong giai đoạn đầu, gan bị xơ nhẹ và chức năng chưa bị suy giảm nhiều - Ảnh: Freepik

Xơ gan giai đoạn hai

Xơ gan giai đoạn hai là tiến triển sau xơ gan giai đoạn đầu, vẫn thuộc giai đoạn xơ gan còn bù. Trong, giai đoạn này, quá trình xơ hoá gan trở nên mạnh hơn, các tế bào gan bị tổn thương tạo thành mô liên kết dư thừa và lây lan sang các khu vực khác của gan. Các triệu chứng bệnh giống giai đoạn 1 nhưng mức độ nặng hơn, kèm theo một số dấu hiệu khác như: vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu,…

Bệnh ở giai đoạn này điều trị cần phải loại bỏ nguyên nhân gây bệnh thì mới có thể tăng cơ hội khỏi bệnh. Nếu điều trị tích cực với phương pháp tốt, người bệnh có thể kéo dài tuổi thọ từ 10 – 20 năm. Tuy nhiên nếu không được điều trị, bệnh sẽ tiến triển rất nhanh và chuyển sang giai đoạn nặng hơn nhiều. 

Xơ gan giai đoạn ba 

Ở giai đoạn này, xơ gan đã mất đi khả năng bù trừ. Khả năng lọc thải chất độc của gan cũng suy giảm nghiêm trọng. Độc tố tích tụ trong cơ thể có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Người bệnh xuất hiện hiện tượng cổ chướng, vàng mắt, vàng da rõ rệt, sụt cân, cơ thể suy nhược, đau vùng gan,…

Chính vì thế, việc điều trị ở giai đoạn này trở nên vô cùng khó khăn, gần như không còn khả năng chữa khỏi hoàn toàn, ngoại trừ phương pháp cấy ghép gan. 

Bệnh xơ gan giai đoạn không bù trừ này tỉ lệ tử vong sau 02 năm là 43% (thang điểm đánh giá Child-Pugh). Nhưng nếu tìm được người hiến gan phù hợp để ghép tạng, lá gan sẽ có cơ hội phục hồi, sự sống có thể kéo dài hơn. 

Xơ gan giai đoạn cuối 

Xơ gan giai đoạn cuối (hay còn gọi là xơ gan cổ trướng – xơ gan mất bù) là giai đoạn cực kỳ nguy hiểm. Lúc này, các tế bào gan khỏe mạnh bị thay thế hoàn toàn bởi các mô xơ và sẹo. Gan mất toàn bộ chức năng. Người bệnh thậm chí có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hoá, hội chứng não gan, hội chứng gan thận, ung thư gan,…

xơ gan mất bù
Xơ gan giai đoạn cuối là giai đoạn cực kỳ nguy hiểm - Ảnh: Freepik

Thực tế cho thấy, người bị xơ gan giai đoạn cuối chỉ có thể kéo dài sự sống thêm 1 – 3 năm với sự hỗ trợ của các liệu trình điều trị phù hợp. Tuy nhiên, có đến khoảng một nửa số người bệnh xơ gan giai đoạn cuối qua đời trong vòng 1 năm sau đó. 

Thời gian sống của bệnh nhân xơ gan phụ thuộc nhiều vào giai đoạn bệnh, phương pháp phòng - điều trị bệnh. Chính vì vậy, ngay khi có những yếu tố nguy cơ (viêm gan virus, uống nhiều rượu bia,…) bạn hãy thường xuyên tầm soát và điều trị sớm để hạn chế nguy cơ tiến triển xơ gan. 

Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết