Giải đáp: Chẩn đoán đa u tủy xương như thế nào?
Chẩn đoán chính xác bệnh lý đa u tủy xương rất quan trọng trong việc điều trị các bệnh máu ác tính - Ảnh: BookingCare
Chẩn đoán chính xác bệnh lý đa u tủy xương rất quan trọng trong việc điều trị các bệnh máu ác tính - Ảnh: BookingCare

Giải đáp: Chẩn đoán đa u tủy xương như thế nào?

Tác giả: - Xuất bản: 17/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 04/03/2024
Chẩn đoán đa u tủy xương hiện nay cần nhiều phương pháp. Các phương pháp hỗ trợ và kết hợp với nhau được áp dụng để có thể phát hiện sớm bệnh và chẩn đoán chính xác, không bị nhầm lẫn với các bệnh máu ác tính khác.

Đa u tủy xương còn gọi là bệnh Kahler, đặc trưng bởi sự tăng sinh ác tính dòng tương bào (plasma cell) trong tuỷ xương, tiết ra hàng loạt protein đơn dòng trong huyết thanh và nước tiểu gây tổn thương các cơ quan đích. Đây là một bệnh máu ác tính, vì vậy việc chẩn đoán và điều trị sớm là vô cùng quan trọng.

Cùng BookingCare trả lời cho câu hỏi Chẩn đoán đa u tủy xương như thế nào? qua bài viết dưới đây để hiểu thêm về bệnh lý này.

Tiêu chuẩn chẩn đoán

Hiệp hội đa u tủy xương quốc tế năm 2014 đưa ra tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh đa u tủy xương và các rối loạn dòng plasma ở bệnh nhân có một hay nhiều triệu chứng lâm sàng và

cận lâm sàng thành các thể bệnh gồm:

  • Bệnh lý gamma đơn dòng có ý nghĩa không xác định (monoclonal gammopathy of undetermined significance: MGUS).
  • Đa u tủy xương tiềm tàng (smouldering multiple myeloma: SMM).
  • Đa u tủy xương có triệu chứng (multiple myeloma: MM).
  • U tương bào đơn độc.
  • U tương bào đơn độc với tổn thương tối thiểu tuỷ xương.

Các phương pháp chẩn đoán bệnh đa u tủy xương

Một số phương pháp chẩn đoán bệnh lý đa u tủy xương gồm:

Chẩn đoán hình ảnh

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh trong bệnh lý đa u tủy xương được áp dụng gồm:

  • Chụp cắt lớp vi tính liều thấp toàn thân: Là kỹ thuật chuẩn đoán mới để phát hiện tổn thương tiêu xương;
  • Chụp X-quang xương (cột sống, xương chậu, xương sọ, xương sườn...): Chỉ định khi không thể chụp cắt lớp vi tính toàn thân liều thấp, phát hiện tổn thương tiêu xương;
  • Chụp cộng hưởng từ toàn thân: cần thiết trong những trường hợp có biểu hiện đau xương nhưng chụp X-quang không thấy tổn thương hoặc phát hiện tổn thương dạng u chèn ép tuỷ sống;
  • Chụp PET/CT: Phát hiện những tổn thương xương, tổn thương ngoài tủy.
Tổn thương hủy xương sọ và cánh tay điển hình trong bệnh lý đa u tủy xương - Ảnh: benhvienungbuounghean.vn

Tổn thương hủy xương sọ và cánh tay điển hình trong bệnh lý đa u tủy xương - Ảnh: benhvienungbuounghean.vn

Xét nghiệm tủy xương

Tủy đồ là một trong những xét nghiệm quan trọng được thực hiện để chẩn đoán chính xác đa u tủy xương.

Kết quả của tủy đồ cung cấp thông tin quan trọng về tỷ lệ tương bào trong tủy so với tế bào bình thường, cũng như về các biểu hiện tương bào trong tủy. Dựa vào kết quả này, bác sĩ có thể xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh và lên kế hoạch điều trị phù hợp cho người bệnh.

Chẩn đoán đa u tủy xương trong kết quả tủy đồ thấy:

  • Tăng tỷ lệ tế bào dòng plasma; có thể thấy tăng hủy cốt bào, giảm tạo cốt bào; hình ảnh rối loạn sinh tủy thứ phát…;
  • Xét nghiệm NST và FISH của mẫu hút tủy xương:: Phát hiện bất thường thiểu bội, đa bội, bất thường nhiễm sắc thể số 1, t(14;16), t(11;14), t(6;14), t(4;14), t(14;20) và del 13; del 17…;
  • Hoá mô miễn dịch (IHC) và/ hoặc phân tích dấu ấn miễn dịch (FC): xác định dấu ấn tế bào dòng plasma (để đánh giá chính xác tỷ lệ tế bào ác tính và chẩn đoán phân biệt).
  • Các dấu ấn (CD) tiêu chuẩn xác định plasma ác tính: CD38, CD138, CD56, CD19, CD45. Các CD giúp chẩn đoán phân biệt và làm kiểu hình miễn dịch cơ sở của tế bào myeloma (LAIPMAIP) để theo dõi MRD: CD27, CD81, light chain Kappa và Lambda, CD20, CD117;
  • Sinh thiết mô, nhuộm hóa mô miễn dịch để chẩn đoán u tương bào (khi có u);
  • Nhuộm đỏ Congo/ mô mỡ, tủy xương nếu cần phân biệt loại trừ với bệnh  Amyloid.
Hình ảnh tủy đồ trong bệnh lý đa u tủy xương: nhiều tương bào với các hình thái bất thường - Ảnh: Hoffbrand Essential Haematology

Hình ảnh tủy đồ trong bệnh lý đa u tủy xương: nhiều tương bào với các hình thái bất thường - Ảnh: Hoffbrand Essential Haematology

Điện di protein huyết thanh và nước tiểu/24h

Trong trường hợp đa u tủy xương (Multiple Myeloma), điện di protein huyết thanh và nước tiểu/24h có thể được sử dụng để chẩn đoán và đánh giá tình trạng của bệnh và ảnh hưởng của nó đến chức năng thận.

  • Điện di protein huyết thanh (Serum Protein Electrophoresis - STEP): SPE thường được thực hiện để đánh giá sự thay đổi của protein trong huyết thanh, đặc biệt là để phát hiện các bất thường liên quan đến protein như protein Monoclonal (protein M) mà tế bào đa u tủy sản xuất nhiều. M-Protein có thể được phát hiện thông qua SPE và là một trong những đặc điểm quan trọng để chẩn đoán đa u tủy xương.
  • Điện di protein nước tiểu/24h (24-Hour Urine Protein Electrophoresis): Xét nghiệm này thường được sử dụng để kiểm tra lượng protein bài tiết qua nước tiểu trong suốt 24 giờ. Trong trường hợp đa u tủy xương, nếu sản xuất ra  nhiều M-protein, chúng có thể xuất hiện trong nước tiểu và góp phần vào lượng protein tổng cộng.

Cả hai xét nghiệm trên đều giúp bác sĩ đánh giá mức độ và loại protein bất thường được sản xuất trong bệnh đa u tủy xương, đồng thời đánh giá tác động của nó đến chức năng thận. Nếu có lượng protein trong nước tiểu cao và sự xuất hiện của M protein, có thể là dấu hiệu của tổn thương thận và yêu cầu theo dõi và quản lý thích hợp.

Xét nghiệm sinh hoá máu

Một số chỉ số xét nghiệm sinh hóa máu thay đổi trong bệnh lý đa u tủy xương như:

  • Có thể tăng protein máu toàn phần; 
  • Giảm albumin; tăng globulin, β2-microglobulin, LDH, acid uric, men gan, ure/creatinine và canxi huyết thanh;
  • Định lượng globulin miễn dịch IgG, IgA, IgM và đo chuỗi nhẹ tự do (free light-chain: FLC) trong huyết thanh và nước tiểu/24h thấy thay đổi; tăng lượng protein niệu 24h.

Các xét nghiệm đánh giá tồn dư bệnh tối thiểu  (MRD)

Xét nghiệm đánh giá tồn dư bệnh tối thiểu (Minimal Residual Disease - MRD) trong đa u tủy xương là một phương pháp quan trọng để đo lường số lượng tế bào đa u tủy còn lại sau khi đã điều trị. 

Đối với đa u tủy xương, mục tiêu của điều trị thường là đạt được MRD âm, tức là không thể phát hiện được tế bào đa u tủy trong các mẫu tủy xương hoặc máu. Các xét nghiệm MRD gồm:

  • Đếm dòng chảy tế bào (Flow cytometry) 
  • Hoặc bằng phương pháp di truyền học phân tử (giải trình tự gen thế hệ mới - NGS)
  • Xét nghiệm đánh giá  tổn thương còn sót lại bằng PET/CT

Chẩn đoán phân biệt

Đa u tủy xương cần được chẩn đoán phân biệt với các bệnh sau:

  • U tế bào dòng plasma ngoài tuỷ: Khối u xương hay u phần mềm khu trú. Tăng sinh tế bào dòng plasma thể hiện trên sinh thiết tổn thương ở xương hay phần mềm, không có bằng chứng của tăng sinh tế bào dòng plasma trong tuỷ xương trên tuỷ đồ và sinh thiết. Không có tổn thương xương, ngoại trừ khối u xương đơn độc.
  • Lơ xê mi dòng plasma: Có thể nguyên phát hay thứ phát sau Đa u tủy xương, được chẩn đoán khi máu ngoại vi có tỷ lệ tế bào dòng plasma trên 20% hay số lượng tuyệt đối > 2 G/L.
  • Bệnh Waldenstrom: Tăng IgM > 3 g/dl, tăng sinh lympho và tế bào lympho dạng tế bào dòng plasma trong tuỷ xương. Không có tổn thương xương. Thường biểu hiện triệu chứng của tăng độ quánh máu; người bệnh hay có gan, lách và hạch to.

Chẩn đoán đa u tủy xương là một quá trình quan trọng để xác định tình trạng sức khỏe cụ thể của bệnh nhân và đặt ra kế hoạch điều trị phù hợp. Quá trình này thường đòi hỏi sự kết hợp của nhiều phương pháp xét nghiệm và hình ảnh y khoa để đưa ra một chẩn đoán chính xác. 

Đa u tủy xương là bệnh lý ác tính của cơ quan tạo máu nguy hiểm và chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn . Vì vậy khi thấy bát kỳ dấu hiệu nghi ngờ cần tới ngay cơ sở y tế có chuyên môn để được chẩn đoán và điều trị đa u tủy xương kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết