Giải đáp: Điều trị đại tiện không tự chủ liệu có khó?

Tác giả: - Xuất bản: 22/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 02/02/2024
Đại tiện không tự chủ có thể điều trị bằng phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa
Đại tiện không tự chủ có thể điều trị bằng phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa - Ảnh: BookingCare
Điều trị đại tiện không tự chủ có thể đối mặt với các mức độ khó khăn khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể và mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Người bệnh cần kiên trì và tuân thủ các phương pháp được bác sĩ đưa ra mới có thể cải thiện tình trạng sức khỏe của mình.

Đại tiện không tự chủ là một vấn đề sức khỏe nhạy cảm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhiều người. Vì vậy việc có những phương pháp điều trị phù hợp để cải thiện tình trạng  này rất quan trọng. Cùng tìm hiểu cách chữa đại tiện không tự chủ qua bài viết dưới đây.

Các phương pháp điều trị đại tiện không tự chủ

Đối với điều trị đại tiện không tự chủ, việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Bệnh có thể được điều trị bằng các phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa. Tuy nhiên đối với một số trường hợp đặc biệt có thể kết hợp cả hai hình thức điều trị này để cải thiện nhanh tình trạng cho người bệnh.

Điều trị nội khoa

Điều trị thuốc

Một số thuốc có thể được sử dụng trong điều trị đại tiện không tự chủ như: 

  • Thuốc điều trị tiêu chảy: loperamid (Imodium), bismuth subsalicylate (Pepto-Bismol, Kaopectate)
  • Thuốc trị táo bón: thuốc nhuận tràng, thuốc làm mềm phân, thực phẩm bổ sung chất xơ (Metamucil or Citrucel)
  • Trong trường hợp các thuốc thông thường trên không đỡ, bạn cần thông báo lại với bác sĩ để có thể chuyển sang các nhóm thuốc khác phù hợp hơn, trong đó có các thuốc điều trị các bệnh lý mạn tính khác (hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn, viêm loét đại trực tràng chảy máu)

Thay đổi chế độ ăn

Theo dõi chế độ ăn hàng ngày giúp bạn phát hiện các loại thực phẩm làm khởi phát hoặc là nguyên nhân của chứng đại tiện mất kiểm soát, từ đó có sự điều chỉnh cho phù hợp. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để có sự điều chỉnh chế độ ăn phù hợp

Tạo thói quen đại tiện mỗi ngày

Luyện tập và kiên trì để giúp cơ thể có phản xạ đi đại tiện vào một giờ cố định sẽ giúp bạn kiểm soát tốt hơn hoạt động đại tiện. Để làm được việc đó, bạn cũng cần điều chỉnh giờ ăn cho phù hợp vào một thời điểm cố định. 

Việc điều chỉnh thói quen đại tiện vào giờ cố định có thể sẽ mang lại hiệu quả tốt với chứng đại tiện mất kiểm soát sau vài tuần đến vài tháng.

Phương pháp tăng cường sức mạnh của cơ sàn chậu: chuyên gia về vật lý trị liệu có thể đưa ra các bài tập giúp tăng cường sức mạnh của cơ sàn chậu, (bài tập Kegel), từ đó giúp cải thiện triệu chứng của đại tiện mất kiểm soát

Điều trị ngoại khoa

Phẫu thuật là phương pháp điều trị ngoại khoa thường chỉ được khuyến cáo nếu điều trị nội khoa không có hiệu quả. Một số thủ thuật như phẫu thuật tạo hình cơ vòng hậu môn hoặc cơ vòng nhân tạo.

Có các phương pháp phẫu thuật điều trị đại tiện không tự chủ như sau:

  • Phẫu thuật tạo hình cơ thắt hậu môn (sphincteroplasty): giúp tái tạo lại chức năng của cơ thắt hậu môn (nhóm cơ phụ trách kiểm soát đường ra của phân, hơi) do bị tổn thương từ các nguyên nhân khác nhau.
  • Các phẫu thuật điều trị bệnh lý khác: sa trực tràng,…

Chăm sóc người trong quá trình điều trị

Không có công thức chung trong việc điều trị và chăm sóc với chứng đại tiện không tự chủ. Điều khó nhất là tìm ra giải pháp phù hợp nhất đối với từng trường hợp. 

Để có được thông tin đầy đủ và có giải pháp phù hợp nhất đối với vấn đề bạn đang gặp phải, bạn nên trao đổi với nhân viên y tế ngay khi có những dấu hiệu bất thường về tình trạng của mình cũng như những thay đổi trong quá trình điều trị. 

Chế độ sinh hoạt

Trong trường hợp không thể khỏi dứt điểm hoặc đang trong thời gian điều trị, những lời khuyên sau sẽ giúp cuộc sống của bạn dễ chịu hơn khi đang mắc chứng đại tiện mất kiểm soát:

Kiên trì tuân thủ kế hoạch đại tiện và ăn uống cố định theo giờ trong ngày. Nếu bạn phải ra khỏi nhà, bạn nên đại tiện trước khi đi và mang theo bên mình những vật dụng cần thiết: thuốc, giấy vệ sinh/miếng lót/bỉm, chất khử mùi phân và quần áo dự phòng

Cảm giác ẩm ướt, ngứa, kích thích gây khó chịu vùng hậu môn thường xuất hiện và khá phổ biến. Dưới đây là một số biện pháp giúp bạn giảm bớt các khó chịu này 

  • Rửa sạch vùng hậu môn hoặc dùng khăn lau dành cho trẻ em sau mỗi lần đại tiện
  • Sử dụng kem chống ẩm vùng hậu môn, sử dụng miếng gạc đệm hoặc đồ lót dùng một lần.
  • Thường xuyên thay đồ lót bẩn để giữ cho vùng hậu môn sạch sẽ và khô ráo.

Bạn cũng có thể trao đổi thông tin với những người khác cũng đang bị mắc chứng bệnh giống mình để học hỏi lẫn nhau. Một số lời khuyên sau sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng của mình:

  • Hạn chế uống đồ uống chứa caffein, tránh đồ uống có cồn, tránh uống nước chanh
  • Tránh các sản phẩm vệ sinh có thể gây kích ứng cho bạn (xà phòng thơm, nước thơm, phấn khô, khăn giấy ướt có cồn). Phụ nữ nên tránh dùng thuốc xịt rửa phụ khoa hoặc thuốc đặt âm đạo không kê đơn.
  • Khuyến khích hoặc giúp người bệnh chăm sóc vùng tầng sinh môn một cách thích hợp sau khi đại tiện. Sử dụng nước ấm và giữ cho cho vùng đó luôn được khô ráo.
  • Giúp người bệnh ghi lại các loại thực phẩm hoặc đồ uống cụ thể có thể ảnh hưởng đến xấu đến tần suất bệnh nhân đi vệ sinh.
  • Động viên, giúp đỡ người bệnh duy trì kế hoạch đi đại tiện theo giờ cố định
  • Khuyến khích người bệnh tập thể dục hàng ngày và thường xuyên.

Đối mặt với đại tiện không tự chủ không chỉ là một thách thức về sức khỏe mà còn là thách thức về tâm lý. Tuy nhiên, với chiến lược điều trị đa chiều và sự hỗ trợ của đội ngũ y tế, bệnh nhân có thể tìm thấy phương pháp điều trị đại tiện không tự chủ phù hợp với trình trạng của mình, từ đô có thể tái lập được sự kiểm soát và nâng cao chất lượng cuộc sống