Giải đáp: Điều trị ung thư tiền liệt tuyến có được không?
Điều trị ung thư tiền liệt tuyến có được không?
Điều trị ung thư tiền liệt tuyến có được không? - Ảnh: BookingCare

Giải đáp: Điều trị ung thư tiền liệt tuyến có được không?

Tác giả: - Xuất bản: 03/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 01/03/2024
Điều trị ung thư tiền liệt tuyến có khỏi được không và có ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào đang là câu hỏi đang được nhiều người bệnh đặt ra khi được chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến.

Điều trị ung thư tiền liệt tuyến như thế nào đang là vấn đề được đặt ra với các  bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định bệnh. Hiện nay bộ y tế đã đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng trường hợp bệnh nhân cụ thể. Cùng BookingCare tìm hiểu cách điều trị ung thư tiền liệt tuyến dưới đây.

Phát hiện sớm ung thư tiền liệt tuyến như thế nào?

Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những loại ung thư thường gặp ở nam giới. Theo thống kê của Globocan năm 2020, ung thư Tuyến tiền liệt đứng thứ 3 trong các loại ung thư phổ biến với 1.414.259 ca mắc mới và tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 8 trong các loại bệnh ung thư. Tại Việt Nam, năm 2020 có 6.248 ca mắc mới và có tới 2.628 ca tử vong do ung thư Tuyến tiền liệt.

Khám trực tràng

Bác sĩ dùng ngón tay mang găng, bôi dầu trơn, đưa vào trực tràng để khám tuyến tiền liệt, nằm sát trực tràng để đánh giá kích thước và cảm giác có khối u hoặc bất thường ở tuyến tiền liệt

Thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng

Xét nghiệm PSA: Lấy máu tĩnh mạch để phân tích PSA, một chất do TTL tiết ra một lượng nhỏ vào máu. Lượng PSA cao hơn bình thường có thể do nhiễm trùng, viêm, hoặc ung thư. 

Siêu âm tuyến tiền liệt, Chụp cộng hưởng từ tiểu khung, chụp cắt lớp vi tính,... Trong đó sinh thiết tuyến tiền liệt làm giải phẫu bệnh là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến.

Xét nghiệm PSA - Ảnh: Freepik
Xét nghiệm PSA - Ảnh: Freepik

Điều trị ung thư tiền liệt tuyến như thế nào?

Việc điều trị ung thư tuyến tiền liệt phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: giai đoạn bệnh tại thời điểm chẩn đoán, ước tính thời gian sống thêm của người bệnh, phân nhóm nguy cơ, thể trạng của người bệnh … để từ đó lựa chọn các phương pháp điều trị phù hợp cho người bệnh 

Phẫu thuật

Cắt tuyến tiền liệt tận gốc và nạo vét hạch là phương pháp điều trị tối ưu đối với ung thư tuyến. Đây là phương pháp lấy bỏ hoàn toàn tuyến, lớp mô bao quanh và lấy các hạch lympho lân cận. 

Phương pháp này áp dụng tối ưu ở các bệnh nhân ung thư giai đoạn khu trú, thời gian kỳ vọng sống thêm ≥ 10 năm, không có bệnh kèm theo như tim mạch, đái tháo đường, di chứng tai biến mạch máu não, chưa di căn hạch, điểm Gleason ≤ 8 và PSA < 20 ng/ml.

Ngoài ra, nếu không còn chỉ định điều trị tối ưu, bác sỹ có thể áp dụng phương pháp điều trị tạm thời là cắt u nội soi qua đường niệu đạo hoặc dẫn lưu bàng quang, kèm cắt tinh hoàn. Đối với những trường hợp ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn muộn khi đã có tái phát và di căn xa không còn khả năng điều trị triệt căn, bác sĩ có thể áp dụng phương pháp điều trị nội tiết hoặc xạ trị.

Cắt tuyến tiền liệt tận gốc - Ảnh: NXB TPHCM

Cắt tuyến tiền liệt tận gốc - Ảnh: NXB TPHCM

Xạ trị 

Là phương pháp dùng chùm tia phóng xạ năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Xạ trị ngoài là chiếu tia (tia X hoặc prôton) thẳng vào tuyến tiền liệt, 5 ngày mỗi tuần, trong vài tuần. 

Xạ trị trong là đặt vào mô tuyến tiền liệt các hạt phóng xạ phát tia liều thấp trong thời gian dài. Xạ trị có khi gây khó chịu như tiểu đau, tiểu nhiều lần và mót tiểu, đi vệ sinh đau,.... 

Liệu pháp nội tiết

Hormone testosterone kích hoạt các tế bào ung thư tăng trưởng. Có thể ngăn chặn sự tiết testosterone bằng loại hormon LHRH như Leuprolide (Lupron), Goserelin (Zoladex), Triptorelin (Trelstar) và Histrelin (Vantas). 

Có thuốc ngăn không để testosterone đến các tế bào ung thư, gọi là kháng androgen như Bicalutamide (Casodex), Flutamide (Eulexin) và Flutamide (Nilandron) - Mổ cắt hai tinh hoàn làm giảm lượng testosterone máu hơn các thuốc trên. 

Liệu pháp nội tiết được dùng làm xẹp khối u. Đối với ung thư giai đoạn sớm có thể dùng liệu pháp này để làm teo khối bướu trước xạ trị. Liệu pháp nội tiết cũng dùng sau mổ hoặc sau xạ để diệt ung thư sót lại. Có các tác dụng phụ gây rối loạn dương cương, cơn bừng nóng, xương yếu, giảm ham muốn tình dục và lên cân. 

Hóa trị 

Phương pháp này được áp dụng dùng cho người bệnh ung thư di căn và ung thư không đáp ứng với liệu pháp nội tiết. 

Hiện nay có nhiều thuốc mới dành cho ung thư tiến triển và di căn. Có thuốc miễn dịch Provenge dành cho ung thư tái phát và tiến triển. Thuốc rất đắt và cần kiểm tra nhiều lần trong điều trị. 

Các trường hợp ung thư tuyến tiền liệt khu trú thường có  tỉ lệ sống trên 5 năm gần 99%, trên 10 năm khoảng 98%. Còn các trường hợp khi đã có ng thư di căn xa thì tỉ lệ này giảm xuống.. 

Ung thư tiền liệt tuyến có thể được điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Vì vậy hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu bạn cảm thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường để được chẩn đoán và điều trị đúng nhất.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết