Ngoài làm nhiệm vụ như một tấm màn ngăn cách tai giữa với tai ngoài, màng nhĩ còn là nơi tiếp nhận âm thanh của con người. Khi âm thanh đi qua ống tai ngoài đến màng nhĩ, màng nhĩ sẽ tiếp nhận những sóng âm này để dẫn truyền những tín hiệu lên não bộ, giúp chúng ta có thể phân tích, xử lý và cảm nhận âm thanh.
Đến đây, chúng ta đã có thể đoán được rằng khi màng nhĩ bị tổn thương (bị rách, hay thủng), khả năng nghe sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.
Tùy thuộc vào kích thước lỗ thủng màng nhĩ mà mỗi người bệnh sẽ có những biểu hiện giảm thính lực khác nhau như: ù tai, nghe kém, không nghe rõ âm thanh bên ngoài,...
Tuy nhiên, nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách, màng nhĩ có thể lành lại sau 3 tuần cho đến 2 tháng và thính lực của người bệnh cũng sẽ khôi phục lại như bình thường.
Dù thủng màng nhĩ là một bệnh lý đơn giản và có tiên lượng tốt, các biến chứng không mong muốn vẫn có thể xảy ra và gây tác động đến sức khỏe của người bệnh.
Thủng màng nhĩ có thể là nguy cơ dẫn đến viêm tai giữa mãn tính. Khi nhiễm trùng ăn mòn vào các xương nhỏ của tai giữa, hoặc sâu hơn đến tai trong, thính giác sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí bệnh nhân có thể bị mất thính giác thần kinh vĩnh viễn.
Theo một nghiên cứu trên 529 bệnh nhân bị thủng màng nhĩ ở một bệnh viện hạng III ở Nigeria cho thấy: biến chứng thường gặp nhất là giảm thính lực (xảy ra ở 52,6% bệnh nhân). Trong số những trường hợp đó, hầu hết các bệnh nhân gặp tình trạng giảm thính lực ở mức độ nhẹ đến trung bình.
Cholesteatoma cũng là một trong những biến chứng có thể xảy ra do thủng màng nhĩ. Nếu không được điều trị kịp thời, nó sẽ phá hủy xương tai giữa theo thời gian và dần ăn mòn vào tai trong, dẫn đến mất thính lực hoàn toàn (không còn khả năng nghe bất cứ âm thành nào xung quanh).
Tóm lại, thủng màng nhĩ có thể dẫn đến giảm thính lực nhưng tình trạng này sẽ có thể cải thiện khi bệnh được chữa khỏi. Tuy nhiên, để tránh các biến chứng gây ảnh hưởng xấu đến thính lực, người bị thủng màng nhĩ không nên chủ quan. Cần chú ý lựa chọn cơ sở y tế uy tín để điều trị cũng như cẩn trọng trong vấn đề chăm sóc, vệ sinh tai trong suốt quá trình điều trị.