- Xuất bản: 16/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 19/12/2023
Những điều bạn cần biết về thủng màng nhĩ - Ảnh: BookingCare
Thủng màng nhĩ là tình trạng không hiếm gặp trong cộng đồng do rất nhiều nguyên nhân. Tùy từng trường hợp bệnh sẽ có các triệu chứng, cách điều trị, chăm sóc và nguy cơ biến chứng khác nhau. Cùng tìm hiểu ngay qua bài viết sau đây.
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng nghe thấy ít nhất một lần về bệnh lý thủng màng nhĩ này. Cũng có rất nhiều câu hỏi thắc mắc liên quan đến vấn đề này như: Nghe âm thanh quá lớn có gây thủng màng nhĩ không? Nếu bị thủng màng nhĩ thì phải làm gì?,... Cùng tìm hiểu ngay những thông tin về thủng màng nhĩ trong bài viết dưới đây!
Triệu chứng của thủng màng nhĩ
Màng nhĩ là một lớp màng mỏng ngăn cách giữa phần tai ngoài và tai giữa. Nó vừa đóng vai trò tiếp nhận âm thanh vừa có chức năng bảo vệ tai giữa khỏi các tác động bên ngoài (nước, vi khuẩn và các tác nhân gây hại khác).
Thủng màng nhĩ là khi màng nhĩ bị rách hoặc thủng lỗ do một nguyên nhân nào đó. Khi bị thủng màng nhĩ, người bệnh có thể có thêm các triệu chứng sau đây (thường là ở một bên tai):
Ù tai
Giảm thính lực (nghe kém hoặc đột ngột không nghe thấy gì)
Đau nhói ở trong tai
Cảm giác ngứa bên trong tai
Tai chảy dịch hoặc chảy mủ, chảy máu
Chóng mặt (có thể kèm theo cảm giác buồn nôn hoặc nôn)
Sốt
Nguyên nhân gây thủng màng nhĩ
Thủng màng nhĩ có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, có thể kể đến như:
Viêm tai giữa hoặc tai ngoài: Thủng màng nhĩ có thể là biến chứng của một số bệnh nhiễm trùng tai như viêm tai giữa cấp tính hay thứ phát sau viêm tai ngoài do nấm nhóm Aspergillus.
Thủng màng nhĩ do dị vật: Vệ sinh tai không cẩn thận có thể khiến tăm bông hay cây vệ sinh tai bằng kim loại đâm trực tiếp vào màng nhĩ và gây thủng. Một vài trường hợp các bé nhỏ nhét dị vật sắc nhọn vào ống tai ngoài gây ảnh hưởng đến màng nhĩ. Hoặc các trường hợp côn trùng chui vào tai và làm thủng màng nhĩ.
Chấn thương: Bị va đập mạnh vào tai hay một bên đầu có thể làm tổn thương đến cấu trúc của tai giữa và tai trong, bao gồm cả màng nhĩ.
Chấn thương khí áp: Sự thay đổi đột ngột áp suất không khí cũng có thể làm thủng màng nhĩ do chênh lệch giữa áp suất phía bên trong và bên ngoài màng nhĩ. Điều này có thể xảy ra khi bạn đi máy bay, lặn biển quá sâu, đi xe với tốc độ quá nhanh lên dốc hoặc xuống dốc.
Chấn thương âm thanh: Âm thanh vang lên đột ngột với âm lượng quá lớn như tiếng nổ cũng có thể khiến màng nhĩ rung quá mạnh và dẫn đến bị rách.
Điều trị thủng màng nhĩ như thế nào?
Khi phát hiện các dấu hiệu thủng màng nhĩ, bạn không nên tự ý nhỏ thuốc hay cho bất cứ thứ gì vào trong tai để tự điều trị vì có thể gây ảnh hưởng xấu đến tình trạng thủng màng nhĩ.
Hãy bình tĩnh và đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và tư vấn hướng điều trị.
Tùy vào nguyên nhân gây thủng màng nhĩ và mức độ nghiêm trọng của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp:
Để màng nhĩ tự phục hồi: Nếu chỉ bị rách nhẹ và không có tình trạng nhiễm trùng, màng nhĩ có thể tự lành lại mà không cần can thiệp điều trị bằng các thủ thuật y khoa. Điều bạn cần làm là tự chăm sóc tại nhà và đi tái khám đúng hẹn để bác sĩ kiểm tra tình trạng phục hồi của màng nhĩ.
Phẫu thuật vá nhĩ đơn thuần: Với các vết rách màng nhĩ kích thước nhỏ hoặc vừa nhưng không thể tự lành, không có tình trạng nhiễm trùng kèm theo, bác sĩ sẽ dùng mô tự thân của bệnh nhân hoặc một loại vật liệu thay thế để vá lại vết rách màng nhĩ. Bác sĩ có thể thực hiện tại phòng khám hoặc những lỗ thủng màng nhĩ phức tạp hơn, bác sĩ sẽ chỉ định mổ vá nhĩ có thể bằng nội soi hoặc qua đượng rạch sau tai
Thủng màng nhĩ có gây biến chứng không?
Nếu không được điều trị thích hợp, thủng màng nhĩ kéo dài có thể dẫn đến các biến chứng cho sức khỏe của người bệnh:
Giảm thính lực: Nếu vết thủng màng nhĩ to, không tự lành (do điều trị không đúng hay do chăm sóc tai không cẩn thận trong quá trình màng nhĩ hồi phục, hoặc vết thủng phức tạp) thì nguy cơ bị giảm thính lực có thể xảy ra.
Trong trường hợp bị thủng màng nhĩ nhẹ, bác sĩ sẽ dặn người bệnh tự chăm sóc tại nhà và để màng nhĩ tự phục hồi. Lúc này, bạn nên lưu ý thực hiện những điều sau để tạo điều điều kiện thuận lợi cho màng nhĩ được lành lại nhanh nhất:
Giữ tai khô ráo: Không đi bơi hay để tai bị ướt cho đến khi màng nhĩ lành lại. Nên sử dụng nút bịt tai không thấm nước hoặc bông gòn tẩm với sáp dầu khoáng khi tắm để ngăn nước vào tai.
Tránh xì mũi: Nếu có các vấn đề như nghẹt mũi hay viêm mũi dị ứng, bạn nên đi thăm khám ngay để tránh việc phải xì mũi. Xì mũi mạnh khi đang rách màng nhĩ có thể khiến màng nhĩ của bạn tiếp tục bị tổn thương khi chưa kịp lành.
Cẩn thận khi làm sạch tai: Tuyệt đối không nên dùng tăm bông hay các vật khác để ngoáy vào trong tai. Nếu muốn vệ sinh tai, bạn chỉ nên dùng khăn mềm quấn vào đầu ngón tay và vệ sinh nhẹ nhàng phía bên ngoài vành tai.
Tránh những âm thanh lớn: Nếu phải đến những nơi quá ồn ào, bạn nên sử dụng nút bịt tai để bảo vệ tai tránh khỏi tổn thương do những âm thanh quá lớn.
Tóm lại, thủng màng nhĩ không phải là một vấn đề quá nguy hiểm do màng nhĩ có cơ chế tự phục hồi trong các trường hợp nhẹ. Dù vậy, bạn không nên chủ quan. Nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường và nghi ngờ màng nhĩ bị thủng, bạn hãy đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và có phương pháp điều trị hợp lý, tránh để lâu gây ra biến chứng sau này. Hy vọng bài viết trên đây đã mang đến cho độc giả những thông tin hữu ích về bệnh thủng màng nhĩ.