Viêm tai giữa cấp tính: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán
Viêm tai giữa cấp tính: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán
Viêm tai giữa cấp tính: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán - Ảnh: BookingCare

Viêm tai giữa cấp tính: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán

Tác giả: - Xuất bản: 04/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 20/02/2024
Viêm tai giữa cấp tính là tình trạng nhiễm trùng tai giữa và là chẩn đoán nhi khoa phổ biến thứ hai tại khoa cấp cứu sau nhiễm trùng đường hô hấp trên. Mặc dù, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là ở độ từ 6 đến 24 tháng tuổi.

Viêm tai giữa cấp tính là bệnh thường gặp ở độ tuổi từ 6 đến 24 tháng. Khoảng 80% trẻ em sẽ mắc bệnh viêm tai giữa trong suốt cuộc đời và từ 80% đến 90% trẻ em sẽ bị viêm tai giữa tràn dịch trước tuổi đi học. Cùng tìm hiểu kĩ hơn về bệnh lý viêm tai giữa cấp trong bài viết dưới đây.

Viêm tai giữa cấp tính là gì?

Viêm tai giữa cấp tính tình trạng tai giữa bị nhiễm trùng khởi phát đột ngột và gây đau tai.  Viêm tai giữa cấp tính được phân loại gồm viêm tai giữa cấp tính (AOM), viêm tai giữa mủ mãn tính (CSOM) và viêm tai giữa  ứ dịch (OME).

Viêm tai giữa cấp tính ở trẻ em

Tỷ lệ trẻ nhỏ bị viêm tai giữa cao hơn người lớn. Lý do là vì vòi nhĩ nối từ tai giữa xuống vùng mũi họng của trẻ em chưa hoàn thiện còn ngắn, hẹp, nhỏ hơn và nằm ngang hơn so với người lớn. Vì vậy nên trẻ thường bị mắc viêm tai giữa đồng thời hoặc sau khi bị những bệnh viêm đường hô hấp trên như: viêm VA, viêm mũi xoang, viêm mũi dị ứng,... Cha mẹ có thể để ý đến những dấu hiệu bất thường của trẻ như quấy khóc nhiều, nghiêng đầu về một bên, đưa tay dụi tai,...

Viêm tai giữa cấp tính ở người lớn

Viêm tai giữa ở thường xuất hiện ở trẻ nhỏ nhưng người lớn vẫn có thể mắc phải. Tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng bệnh gây cảm giác khó chịu cho người bệnh. Người bệnh cần đi khám bác sĩ khi có các biểu hiện viêm tai giữa cấp để điều trị sớm, kịp thời.

Viêm tai giữa cấp tính có mủ

Bệnh viêm tai giữa cấp tính có mủ có nguyên nhân xuất hiện sau các bệnh cúm, sởi, viêm xoang, u vòm họng, viêm nhiễm cấp tính ở họng hay  nhiễm khuẩn tai giữa sau chấn thương làm thủng màng nhĩ. Nếu không được xử lý kịp thời sẽ diễn biến nặng như thủng màng nhĩ, giảm thính lực, viêm tai giữa mủ mạn tính, viêm xương chũm, liệt mặt… rất khó điều trị và cần điều trị lâu dài.

Nguyên nhân viêm tai giữa cấp tính

Nguyên nhân gây viêm tai giữa cấp là do vi khuẩn hoặc do virus.

  • Có nhiều vi khuẩn gây viêm tai giữa. Trong đó, những vi khuẩn thường gặp gây viêm tai giữa là: Streptococcus pneumoniae, Haemophilus Influenzae và Moraxella catarrhalis (chiếm 95% những trường hợp viêm tai giữa cấp).
  • Tác nhân viêm tai giữa do virus phải kể đến những virus như: virus cúm, á cúm, virus hợp bào hô hấp, rhinovirus…

Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ làm gia tăng nguy cơ bị viêm tai giữa như:

  • Trẻ bú bình thay vì bú sữa mẹ
  • Hút thuốc lá thụ động
  • Trẻ bị dị ứng
  • Trẻ đi mẫu giáo

Triệu chứng viêm tai giữa cấp tính

Các triệu chứng xuất hiện khi mắc bệnh viêm tai giữa cấp tính:

Ở trẻ em

Trẻ nhỏ chưa biết nói nên các triệu chứng cơ năng thường khó đánh giá. Một số biểu hiện của viêm tai giữa ở trẻ nhỏ như: sốt, dụi tai, quấy khóc, ăn uống giảm. Ở trẻ lớn hơn, trẻ có thể kêu đau tai, khó chịu ở tai, ù tai, nghe giảm hoặc cảm giác mất cân bằng. Ngoài ra, ở giai đoạn vỡ mủ, có thể thấy mủ chảy từ trong ống tai ra ngoài.

Ở người lớn

Triệu chứng viêm tai giữa hay gặp ở người lớn gồm: đau tai, cảm giác tức nặng trong tai, ù tai và nghe giảm (giảm thính lực).  

Khi có các biểu hiện kể trên, người bệnh cần đi gặp bác sĩ để khám và điều trị. Nếu không điều trị sẽ dẫn đến thủng màng nhĩ, giảm thính lực, viêm tai giữa mạn tính hoặc những biến chứng nặng nề khác.

Chẩn đoán viêm tai giữa cấp

Chẩn đoán xác định

Dựa vào các biểu hiện lâm sàng trên, cùng cận lâm sàng dưới đây giúp chẩn đoán bệnh: 

  • Nội soi tai: hình ảnh màng nhĩ xung huyết, căng phồng, hòm nhĩ có mức dịch kèm bóng khí, hòm nhĩ ứ mủ...
  • Thính lực đồ: nghe kém. 
  • X quang (tư thế Schuller): Dùng chủ yếu để chẩn đoán phân biệt.

Chẩn đoán phân biệt

Viêm tai giữa cấp được chẩn đoán phân biệt với một số bệnh viêm tai khác như:

  • Viêm màng nhĩ đơn thuần: bệnh nhân nghe bình thường, khám thấy màng nhĩ sưng đỏ. 
  • Nhọt  ống tai ngoài.
  • Viêm ống tai ngoài đơn thuần.
  • Viêm tai giữa mạn tính: bệnh nhân có tiền sử bệnh, triệu chứng đau, chảy mủ, viêm hay lặp lại. 

Bài viết này đã khái quát về bệnh lý viêm tai giữa cấp. Người bệnh cần chú ý theo dõi để phát hiện ngay khi có triệu chứng bất thường, để có thể đi khám càng sớm càng tốt. Cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín, bác sĩ sẽ giúp xác định nguyên nhân viêm tai giữa và có hướng điều trị phù hợp. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết