Ung thư máu là bệnh lý ác tính xuất phát từ tủy xương - cơ quan tạo máu của cơ thể. Bệnh gây ra những biểu hiện lâm sàng như hội chứng thiếu máu không hồi phục, hội chứng xuất huyết, hội chứng nhiễm trùng và các triệu chứng gan, lách, hạch to… ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe người bệnh.
Ung thư máu được chia thành 3 loại chính là bệnh bạch cầu, U lympho, Myeloma (Bệnh u tủy hoặc bệnh u tân sinh tương bào). Mặc dù hai yếu tố nguy cơ chính của bệnh ung thư máu là đột biến gen di truyền và môi trường xung quanh, nhưng vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào xác nhận ung thư máu có di truyền.
Ung thư máu có di truyền không?
Ung thư máu có thể liên quan đến các đột biến gen di truyền hoặc các biến đổi gen trong quá trình sống. Các dạng ung thư máu có thể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong một gia đình. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người mang gen di truyền của ung thư máu đều mắc bệnh, và nhiều trường hợp xuất hiện ung thư máu không liên quan đến di truyền.
Một số loại ung thư máu như leukemia có thể phát triển do đột biến gen khi tế bào máu đang phát triển. Các yếu tố môi trường, như chất độc hại, cũng có thể đóng vai trò trong việc gây ung thư máu.
Thông thường, DNA trong cơ thể con người có trách nhiệm xây dựng các đặc điểm không thể thay đổi, ví dụ như màu tóc và màu mắt, nó cũng góp phần vào sự tăng trưởng, phát triển liên tục của máu, da và một số tế bào khác.
Trong một vài trường hợp hiếm gặp, các bệnh nhân bị ung thư máu có thể là do đột biến DNA của tế bào tủy xương. Một số đột biến gen bao gồm:
- CEBPA: Đột biến này gây ra số lượng bạch cầu thấp, làm tăng khả năng bị nhiễm trùng. Kéo theo đó, số lượng hồng cầu cũng giảm gây ra sự mệt mỏi, suy nhược cơ thể.
- DDX41: Đột biến trong gen này làm gián đoạn khả năng ức chế khối u. Những người có khiếm khuyết này sẽ có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cấp tính thể tủy cao hơn.
- RUNX1: Đột biến gen RUNX1 khiến cho cơ thể bị giảm số lượng tiểu cầu, ảnh hưởng đến quá trình đông máu. Những người mang đột biến gen này có nguy cơ cao phải đối mặt với bệnh bạch cầu tủy cấp tính.
Ngoài ra, một số vấn đề về đột biến gen di truyền hoặc các tình trạng sức khỏe liên quan đến di truyền có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư máu, như hội chứng Li-fraumeni, hội chứng down, hội chứng Noonan, U sợi thần kinh loại I, suy giảm hệ miễn dịch…
Nếu trong gia đình bạn có người mắc ung thư máu, có thể tư vấn với bác sĩ hoặc chuyên gia di truyền để hiểu rõ hơn về rủi ro di truyền và xác định liệu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư máu hay không. Điều này có thể giúp đưa ra quyết định về theo dõi sức khỏe, kiểm tra di truyền, hoặc các biện pháp phòng tránh khác phù hợp với nguy cơ mắc bệnh của mỗi người.