- Xuất bản: 27/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 17/01/2024
Những điều bạn cần biết về ung thư máu - Ảnh: BookingCare
Ung thư máu là bệnh lý ác tính bắt đầu từ tủy xương - mô xốp bên trong xương và là cơ quan tạo máu trong cơ thể. Ung thư máu là loại bệnh lý khá phổ biến trong các loại ung thư và hay được gọi tên là bệnh bạch cầu.
Ung thư máu ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của người bệnh. Bệnh chỉ thường phát hiện ra khi đã chuyển sang giai đoạn muộn. Giai đoạn sớm của bệnh thường được biểu hiện bằng những triệu chứng giống như những bệnh cảnh thông thường khiến chúng ta thường chủ quan và dễ dàng bỏ qua.
Ung thư máu là gì?
Ung thư máu là căn bệnh nguy hiểm của cơ quan tạo máu (tủy xương), nơi tế bào máu được sản sinh và biệt hóa thành hồng cầu, bạch cầu hoặc tiểu cầu.
Các tế bào máu tham gia vào quá trình vận chuyển oxy trong cơ thể (hồng cầu), chống lại nhiễm trùng (bạch cầu) và cầm máu (tiểu cầu). Khi bị ung thư máu, các tế bào máu không phát triển và biệt hóa như bình thường dẫn đến không thể hoạt động đúng với chức năng vốn có.
Ung thư máu có thể xảy ra ở cả trẻ em lẫn người lớn và là loại ung thư phổ biến với hơn 40.000 người được chẩn đoán mắc bệnh mỗi năm chỉ tính riêng ở Anh và chiếm 10% trong các loại ung thư được chẩn đoán ở Hoa Kỳ.
Có ba loại ung thư máu chính:
Bệnh bạch cầu (Leukemia): Là loại ung thư máu phổ biến nhất xuất phát từ tế bào gốc trong tủy xương và dẫn đến sự tăng trưởng không kiểm soát của tế bào bạch cầu (WBC). Tế bào bạch cầu đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch. Trong bệnh bạch cầu, các tế bào bạch cầu chưa trưởng thành nhân lên với số lượng lớn, chúng hoạt động kém và gây mất cân bằng trong hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, do số lượng nhân lên rất lớn nên chúng lấn át các hồng cầu dẫn đến tình trạng thiếu hồng cầu.
U lympho (Lymphoma): Bệnh xuất phát từ tế bào lympho trong hệ thống miễn dịch của cơ thể. Những tế bào này sẽ lưu thông khắp cơ thể thông qua hệ bạch huyết để thực hiện chức năng miễn dịch. U lympho là tình trạng các tế bào lympho gia tăng bất thường về số lượng, chúng tạo thành các khối u làm suy yếu khả năng miễn dịch và ảnh hưởng đến chức năng của tủy xương, hệ bạch huyết và lách. Có hai dạng chính: Hodgkin lymphoma (U Lympho Hodgkin) và Non-Hodgkin lymphoma (U Lympho không Hodgkin).
Myeloma (Bệnh u tủy hoặc bệnh u tân sinh tương bào): Bệnh lý xuất phát từ các tế bào plasma trong tủy xương, gây ảnh hưởng đến sự sản xuất các tế bào máu khác và làm suy yếu cấu trúc xương. Trong bệnh Myeloma, tế bào plasma ung thư trong tủy xương nhân lên với số lượng lớn bất thường, lấn át các tế bào khỏe mạnh làm suy yếu khả năng miễn dịch cũng như khả năng tạo tế bào máu của tủy xương.
Nguyên nhân gây ung thư máu là gì?
Nguyên nhân của ung thư máu hiện nay chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra các yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh. Trong đó thường liên quan đến sự biến đổi gen và tế bào trong hệ thống máu:
Chủng tộc
Tác động của tia x, chất phóng xạ và hóa chất
Sau dùng thuốc hoá chất
Tác động của yếu tố miễn dịch
Yếu tố tuổi tác
Các bệnh lý máu: rối loạn sinh tủy,...
Yếu tố huyết áp cao
Yếu tố hormone cũng là một trong những nguyên nhân gây ung thư máu.
Loại ung thư máu thường gặp nhất là bệnh máu ác tính của dòng bạch cầu mà trên biểu hiện lâm sàng là những hội chứng điển hình như hội chứng thiếu máu không hồi phục, hội chứng xuất huyết, hội chứng nhiễm trùng và các triệu chứng gan, lách, hạch to.
Dấu hiệu ung thư máu giai đoạn sớm bệnh thường diễn tiến âm thầm. Các triệu chứng thường gặp trong ung thư máu thường biểu hiện ở giai đoạn muộn bao gồm:
Thiếu máu: mệt mỏi, chóng mặt, da xanh, khó thở.
Xuất huyết: vết bầm tím trên da, chấm đỏ bất thường trên da, chảy máu chân răng, chảy máu cam, chảy máu kinh nguyệt nhiều,...
Hội chứng thâm nhiễm: Gan, lách, hạch to, phì đại lợi, thâm nhiễm da, thâm nhiễm thần kinh trung ương, đau xương, đau cơ,...
Có thể gặp triệu chứng tắc mạch do tăng bạch cầu.
Biểu hiện toàn thân do bệnh lý ác tính: Mệt mỏi, gầy sút, suy sụp nhanh.
Chẩn đoán ung thư máu như thế nào?
Để chẩn đoán phát hiện ung thư máu cần khai thác từ triệu chứng lâm sàng như biểu hiện, tiền sử gia đình và tính chất công việc. Cùng với đó là thực hiện các xét nghiệm từ cơ bản đến chuyên sâu thì mới có thể xác định đúng bệnh, loại ung thư máu và giai đoạn của bệnh. Bác sĩ sẽ khai thác các triệu chứng của người bệnh sau đó chỉ định các xét nghiệm như:
Xét nghiệm huyết học
Huyết đồ (Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, làm tiêu bản máu ngoại vi nhuộm Giemsa): Thấy có tình trạng thiếu máu, số lượng tiểu cầu giảm, các chỉ số dòng bạch cầu rối loạn, hình thái và giai đoạn các tế bào máu bất thường.
Tủy đồ: Được chỉ định khi thấy xét nghiệm huyết đồ có bất thường cần khảo sát cơ quan tạo máu: Thấy tủy tăng sinh nhiều bạch cầu non đầu dòng với số lượng lớn lấn át dòng hồng cầu và tiểu cầu… Sinh thiết tuỷ xương được chỉ định trong trường hợp chọc hút tuỷ không chẩn đoán xác định được do tủy nghèo tế bào, khi đó trên bệnh phẩm sinh thiết thấy ổ tế bào blast (tế bào non trong tuỷ xương).
Xét nghiệm hóa sinh - miễn dịch
Chức năng gan thận, điện giải đồ, calci, phospho, LDH, aicd uric để phát hiện hội chứng tiêu khối u.
Xét nghiệm miễn dịch phát hiện dấu ấn của tế bào non - ác tính:
Nhuộm hóa học tế bào: sử dụng dịch hút tủy xương (Peroxidase, sudan đen, PAS).
Phân tích biểu hiện kháng nguyên trên bề mặt tế bào blast (CD) bằng kỹ thuật đếm tế bào dòng chảy (flow cytometry)...
Xét nghiệm HLA: Cho bệnh nhân để tìm nguồn tế bào gốc phù hợp cho ghép tế bào gốc đồng loài.
Các xét nghiệm về chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng
X-quang, siêu âm ổ bụng và/hoặc CT scanner bụng, để phát hiện lách và gan to.
Chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ sọ não: Nếu có triệu chứng thần kinh
Điện tâm đồ và siêu âm tim: Đánh giá chức năng tâm thu thất trái (đặc biệt với với các bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch hoặc sẽ điều trị bằng nhóm thuốc anthracycline hoặc tia xạ vùng ngực)…
Điều trị ung thư máu như thế nào?
Hiện nay, điều trị ung thư máu đã có những tiến bộ đáng kể và tỷ lệ sống sót của bệnh nhân đã cải thiện. Việc lựa chọn phương pháp điều trị ung thư máu phụ thuộc vào giai đoạn, mức độ tiến triển của bệnh, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, mục tiêu điều trị…
Đối với bệnh ung thư máu, có thể áp dụng theo một hoặc một số trong 4 phương pháp điều trị sau đây:
Hóa trị: Phương pháp này là việc ngăn chặn sự tăng trưởng của tế bào ung thư bạch cầu bằng cách uống, tiêm, truyền các loại thuốc hóa học vào cơ thể.
Điều trị sinh học: Đây là liệu trình có tác dụng tiêu diệt hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư và cải thiện sức đề kháng tự nhiên của cơ thể bằng cách truyền vào người chất kháng thể đơn dòng.
Xạ trị: Là cách sử dụng các chùm tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư.
Thay tủy: Đây là phương pháp vô cùng phức tạp. Tủy sống sẽ được lấy từ người tương thích với người bệnh và cấy vào thay thế cho tủy cũ.
Ung thư máu là một bệnh lý nguy hiểm và rất khó điều trị vì bệnh xuất phát từ tủy xương - cơ quan tạo máu chính trong cơ thể. Bệnh thường chỉ phát hiện ra vào giai đoạn muộn khi có những triệu chứng biểu hiện rõ rệt. Vì vậy cần khám sức khỏe định kỳ và khi thấy bất kỳ dấu hiệu nào bất thường về sức khỏe cần tới ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.