Giãn dây chằng cột sống lưng: Nguyên nhân, biểu hiện của bệnh gì, cách điều trị
Giãn dây chằng lưng: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị
Giãn dây chằng lưng: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị - Ảnh: BookingCare

Giãn dây chằng cột sống lưng: Nguyên nhân, biểu hiện của bệnh gì, cách điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 21/07/2023 - Cập nhật lần cuối: 23/03/2024
Nếu bạn hoặc người thân đang gặp những vấn đề với giãn dây chằng cột sống thắt lưng thì đừng bỏ qua bài viết này. Theo dõi bài viết để cập nhật những kiến thức y khoa về giãn dây chằng thắt lưng.

Dây chằng ở sống lưng là dải cơ bao quanh các đốt xương cột sống giúp cột sống được vững chắc chịu được sức nặng của cơ thể và linh hoạt khi vận động.

Giãn dây chằng ở lưng thường gây đau lưng vì mất hoặc giảm độ vững cột sống. Để bù lại, các cơ cạnh sống và cơ xung quanh phải co cứng, là nguyên nhân gây nên đau cột sống. Bên cạnh đó, giãn dây chằng cột sống do chấn thương gây nên bong chỗ bám dây chằng ở cột sống gây nên đau giống như bong gân ở các khớp khác.

Cùng BookingCare tìm hiểu chi tiết về giãn dây chằng lưng cùng những nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị trong bài viết dưới đây.

Triệu chứng giãn dây chằng lưng

Người bệnh có thể đau và nhức mỏi đột ngột ở vùng cột sống thắt lưng. Đặc biệt nếu người bệnh càng vận động mạnh, ngồi lâu hay làm việc quá sức có thể khiến cơn đau tăng mạnh, gây khó khăn khi khom lưng, xoay người. Gọi là đau lưng cấp tính.

Cơn đau có thể nhẹ, âm ỉ , cũng có đợt đau tăng do vận động sai tư thế đó là đau mãn tính. Đau thường xuất hiện khi thay đổi tư thế, vận động, mang vác hay thực hiện các thao tác ảnh hưởng đến vùng lưng. Giãn dây chằng lưng có thể gây hạn chế trong quá trình vận động của bệnh nhân khi xoay người hay cúi gập đặc biệt là vào buổi sáng.

Khi thời tiết thay đổi, nhất là khi trời lạnh, những cơn đau nhức, tê buốt xương khớp càng nặng hơn và tần suất xuất hiện cũng tăng lên. Người bệnh thường thấy mệt mỏi, đau nhức, khó chịu toàn thân.

Nguyên nhân giãn dây chằng lưng

Giãn dây chằng lưng là một tình trạng tổn thương phổ biến trong đau lưng nói chung. Có một số nguyên nhân gây ra giãn dây chằng lưng, bao gồm:

  • Tác động vật lý: Giãn dây chằng lưng thường xảy ra khi có tác động mạnh, bất ngờ lên vùng lưng hoặc do chấn thương khi chơi thể thao, tai nạn giao thông, tai nạn lao động,...
  • Nặng đồ và nâng vật nặng: Nâng đồ nặng cũng có thể là nguyên nhân gây ra giãn dây chằng lưng. Những công việc hoặc hoạt động thường xuyên liên quan đến nâng vật nặng không đúng cách có thể tạo áp lực lên vùng lưng, dẫn đến tổn thương.
  • Tư thế sai lệch: Ngồi hoặc đứng lâu, đặc biệt là khi tư thế không đúng hoặc không được hỗ trợ đầy đủ, có thể làm gia tăng áp lực và căng thẳng lên cơ bắp và dây chằng lưng, gây ra giãn dây chằng.
  • Mang thai: Khi mang thai, cơ thể người mẹ tiết ra hormone relaxin nhằm hỗ trợ khung chậu giãn nở để thích nghi với quá trình lớn lên của tử cung trong bụng. Nếu các cơ và dây chằng không đủ sức đảm bảo sự giãn nở có thể gây nên tình trạng căng cơ làm giãn dây chằng lưng.
  • Béo phì, thừa cân làm tăng áp lực cột sống thắt lưng khiến dây chằng ở vùng này bị kéo giãn.
  • Tuổi tác: Lớn tuổi có thể làm giảm độ đàn hồi của dây chằng và khiến chúng dễ bị giãn khi tác động vật lý.
  • Các yếu tố bệnh lý: Một số bệnh lý về cột sống như thoái hóa đĩa đệm, thoái hóa đốt sống, viêm xương khớp,... có thể làm cho dây chằng lưng dễ bị tổn thương hơn.

Xét nghiệm chẩn đoán giãn dây chằng lưng

Thông thường, dựa vào các triệu chứng đau hoặc khai thác tiền sử bệnh lý và sinh hoạt hàng ngày các bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán ban đầu. Để chính xác, người bệnh sẽ được chỉ định một số xét nghiệm hoặc chụp chiếu như:

  • Chụp X-quang: Tìm kiếm các nguyên nhân gây tổn thương xương: gãy xương, hoặc các tổn thương dây chằng gián tiếp thông qua mảnh xương nhỏ bong ra từ vị trí bám của dây chằng.,...
  • Chụp Cộng hưởng từ (MRI): thấy được vị trí tủy sống, rễ thần kinh và các vùng xung quanh để xác định cụ thể nguyên nhân

Phương pháp điều trị giãn dây chằng lưng

Giãn dây chằng lưng nếu không được điều trị sớm và đúng tình trạng bệnh sẽ càng tiến triển xấu hơn, rất khó chữa.

Thông thường ở mức độ nhẹ, giãn dây chằng lưng có thể tự khỏi sau 1 đến 2 tuần khi áp dụng các chế độ ăn uống, tập luyện, nghỉ ngơi phù hợp. Ở một số bệnh nhân bị tổn thương nặng, thì cần sự can thiệp của các bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp.  Tùy thuộc vào tình trạng giãn dây chằng mà các bác sĩ áp dụng các phương pháp trị liệu khác nhau, thời gian hồi phục có thể mất 1 - 2 tháng theo phương pháp kinh điển, nhưng cũng có thể là 3 - 4 buổi nắn chỉnh Judo hoặc Chiropratic.

Phương pháp điều trị giãn dây chằng lưng như thế nào sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng bệnh, thể trạng của bệnh nhân,... Tuy nhiên, phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị nội khoa nếu dây chằng chỉ giãn ở mức độ nhẹ, có thể phục hồi. 

Can thiệp ngoại khoa trong giãn dây chằng lưng rất hiếm, ngay cả khi đã biết có bong dây chằng trước sống hoặc dây chằng liên gai. Chỉ định mổ trong chấn thương chỉ đặt ra khi cột sống mất vững. Còn đa số sẽ chỉ định mổ khi đau mãn tính nhiều năm lúc đó các giãn dây chằng đã thành cố tật, gây nên hẹp lỗ tiếp hợp hoặc thoát vị đĩa đệm,...

Ngoài ra bệnh nhân có thể tham khảo một số liệu pháp điều trị khác như kéo giãn cột sống, đeo đai hỗ trợ vùng thắt lưng, chiếu đèn hồng ngoại hoặc điều trị điện xung, kết hợp châm cứu,... để điều trị đau lưng do giãn hoặc đứt dây chằng thắt lưng.  Đặc biệt gần đây phương pháp tác động vào cột sống như nắn chỉnh theo phương pháp Judo của Nhật, hoặc Chiropratic của Mỹ rất hiệu quả với các tổn thương cấp tính hoặc đợt cấp trong tổn thương giãn dây chằng mãn tính.

Chăm sóc giãn dây chằng lưng hiệu quả tại nhà

Bệnh nhân cần hạn chế vận động mạnh mà hãy nghỉ ngơi thư giãn để giảm bớt tổn thương đến dây chằng, giảm được cơn đau. Tuy nhiên không nên nằm im một chỗ, ngồi quá lâu mà cũng cần đi lại, xoa bóp nhẹ các khớp. Nếu nằm nhiều thì các mạch máu, cơ và dây chằng bị chèn ép sẽ gây đau nhiều hơn.

Chườm lạnh: Sử dụng nước đá ở 4 độ C, chườm vào vị trí đau khoảng 30 phút, giúp co cơ và dây chằng, đồng thời có tác dụng giảm đau nhanh. Không nên chườm trực tiếp, nên chườm qua tấm vải mỏng hoặc khăn mặt. Chườm lạnh chỉ nên dùng sau chấn thương.

Ngoài uống thuốc, khi chữa giãn dây chằng lưng, bạn nên kết hợp với phương pháp xoa bóp, massage. Theo y học cổ truyền, phương pháp này sẽ giúp điều hòa khí huyết, tăng cường lưu thông máu, giảm tắc nghẽn hiệu quả. Nhờ đó mà giảm đau do giãn dây chằng lưng rất tốt.

Yoga là liệu pháp tập luyện rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là điều trị giãn dây chằng cột sống lưng. Đối với những người bị đau lưng, tập yoga sẽ giúp cải thiện cơ bắp, thư giãn xương khớp và dây chằng, giúp cơ thể linh hoạt và dẻo dai. Từ đó cải thiện tình trạng giãn dây chằng ở lưng. Chỉ luyện tập sau khi đã hết đau hoàn toàn và có ý kiến của bác sĩ chỉ định.

Phương pháp nắn chỉnh Judo (Nhật) và Chiropractic (Mỹ) rất có hiệu quả trong đau lưng cấp tính. 

Tập yoga giúp cải thiện đáng kể cơn đau do giãn dây chằng lưng
Tập yoga giúp cải thiện đáng kể cơn đau do giãn dây chằng lưng - Ảnh: Canva

Sống chung với giãn dây chằng lưng hiệu quả

  • Giữ đúng tư thế khi ngồi và đứng, không vận động xoay vặn người đột ngột.
  • Không mang vác vật nặng quá sức, Nên có sự trợ giúp khi nâng vật nặng. Khi nhấc vật nặng khỏi mặt đất cần chọn tư thế phù hợp, không cúi người, khom lưng khi nhấc vật nặng vì dễ làm dây chằng cột sống bị tổn thương.
  • Thường xuyên tập thể dục, các bài tập tăng cường giúp cột sống ổn định như bơi lội, đạp xe, đi bộ nhanh không gây căng thẳng cho lưng.
  • Duy trì cân nặng hợp lý, bổ sung chế độ ăn giàu dinh dưỡng, nhiều rau xanh, các thực phẩm giàu canxi, vitamin C, D, K, E.
  • Từ bỏ thói quen hút thuốc bởi đây là một trong những yếu tố nguy cơ gây xơ cứng khớp, gây đau thắt lưng dưới và rối loạn thoái hóa đĩa đệm.
  • Tránh các tình huống căng thẳng, giữ tinh thần thoải mái.

Như vậy trên đây là những thông tin cần biết về giãn dây chằng lưng. Hy vọng bài viết đã đem đến những thông tin hữu ích, hỗ trợ bạn đọc trong quá trình điều trị.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết