Đau thắt lưng (đau lưng dưới): Triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị, chăm sóc
Đau thắt lưng: Triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị
Đau thắt lưng: Triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị - Ảnh: BookingCare

Đau thắt lưng (đau lưng dưới): Triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị, chăm sóc

Tác giả: - Xuất bản: 18/07/2023 - Cập nhật lần cuối: 22/11/2023
Đau thắt lưng có thể biểu hiện với các hình thái và mức độ khác nhau: từ nhẹ chỉ là đau mỏi, cho tới đau liên tục, đau cơn, đau dữ dội, không thể di chuyển cử động được, có thể kèm theo dấu hiệu đau lan xuống mặt sau mông, đùi và cẳng chân.

Đau thắt lưng hay còn gọi là đau lưng dưới là một trong những bệnh phổ biến và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhiều người trên toàn thế giới. Do đau thắt lưng khá phổ biến thế nên nhiều người khi gặp tình trạng này chưa có những ý thức thăm khám, điều chỉnh chế độ sinh hoạt một cách hợp lý.

Do vậy, trong bài viết dưới đây, BookingCare cung cấp thêm tới bạn đọc những thông tin cụ thể về triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị của đau thắt lưng.

Bài viết được cố vấn và kiểm duyệt chuyên môn bởi TS.BS Cơ xương khớp Hoàng Ngọc Sơn.

Triệu chứng của đau thắt lưng (đau lưng dưới)

Đau thắt lưng là một tình trạng đau thường gặp ảnh hưởng đến phần dưới của cột sống. Đau lưng dưới có thể là cấp tính hoặc đau ê ẩm kéo dài (mạn tính). Đau thắt lưng thường xảy ra ở vị trí 1/3 dưới lưng nằm giữa 2 gai mào chậu. Vị trí đau có thể ở chính giữa cột sống thắt lưng hay hai bên cột sống thắt lưng. 

Đau có thể khu trú ở thắt lưng, đau lưng dưới gần mông hay lan dọc theo cột sống, hoặc lan xuống một hoặc hai chân. Đau có thể tăng lên do động tác như: Cúi, nghiêng, hoặc nâng vác, giảm đau khi nghỉ hoặc đau liên tục không liên quan đến động tác vận động của cột sống.

‎Tình trạng đau thắt lưng thường xuất hiện từ từ hoặc đột ngột, có thể đau dữ dội, đau như điện giật hoặc cảm giác đau nhức buốt, đau âm ỉ.

Nguyên nhân của đau thắt lưng (đau lưng dưới)

Nguyên nhân gây đau thắt lưng rất đa dạng và có thể chia thành các nhóm như sau:

  • Nguyên nhân cơ học: Thường gặp nhất là do chấn thương cột sống, đĩa đệm hoặc các mô mềm, làm việc sai tư thế, bê vác nặng. Thoát vị đĩa đệm là một dạng đau lưng sau chấn thương phổ biến, đặc biệt ở người cao tuổi. Mang thai cũng là một nguyên nhân cơ học gây ra đau lưng. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây đau lưng.

  • Đau thắt lưng cấp tính: Phát sinh do tổn thương nhẹ của cơ cạnh sống  và dây chằng lưng, thường sau khi thực hiện một hoạt động cường độ cao mà cơ lưng không được khởi động trước.

  • Đau thắt mạn tính: Là tình trạng đau lưng kéo dài và tái diễn thường xuyên, nguyên nhân có thể là do viêm cột sống, thoát vị đĩa đệm, loãng xương, viêm khớp, hoặc các vấn đề khác liên quan đến cột sống.

  • Ngoài ra, đau lưng dưới diễn ra còn có thể do đau quặn mật, sỏi thận, viêm phổi, phình tách động mạch chủ… Đây không phải là nguyên nhân thường gặp, song có thể nguy hiểm cho người bệnh, nên nếu nghi ngờ bác sĩ cần thăm khám và chỉ định thêm các xét nghiệm chẩn đoán để loại trừ.
Đau thắt lưng có thể xảy ra do mang vác vật nặng không đúng cách
Đau thắt lưng có thể xảy ra do mang vác vật nặng không đúng cách - Ảnh: freepik.com

Xét nghiệm chẩn đoán đau thắt lưng (đau lưng dưới)

Để chẩn đoán đau thắt lưng thường không dựa chỉ vào một loại xét nghiệm duy nhất, mà kết hợp của nhiều phương pháp chẩn đoán khác nhau nhằm tìm hiểu nguyên nhân gây ra đau lưng dưới và loại trừ các tình trạng khác có triệu chứng tương tự.

  • Xét nghiệm máu như công thức máu, máu lắng, sinh hóa máu, chất chỉ điểm u… có giá trị giúp chẩn đoán nguyên nhân đau thắt lưng do viêm nhiễm, ung thư, rối loạn chuyển hóa hoặc các bệnh toàn thân khác.
  • Chụp X-quang: Cho thấy được hình thái của xương và giúp phát hiện các dấu hiệu bất thường như viêm, gãy xương. 
  • Chụp MRI hoặc CT: Qua kết quả MRI hoặc CT, bác sĩ có thể phát hiện các vấn đề ở mô, cơ, dây thần kinh, mạch máu, dây chằng, xương…
  • Điện cơ: Đo xung điện do các dây thần kinh tạo ra, từ đó phát hiện tình trạng chèn ép dây thần kinh do thoát vị đĩa đệm hoặc hẹp ống sống…

Phương pháp điều trị đau thắt lưng (đau lưng dưới)

Đau thắt lưng có thể điều trị dựa trên nguyên tắc là điều trị giảm đau và điều trị nguyên nhân. Khó khăn nhất là điều trị đau thắt lưng do thoái hóa cột sống, đặc biệt là thoát vị đĩa đệm. Một số phương pháp điều trị chính bạn đọc có thể tham khảo là:

  • Sử dụng thuốc giãn cơ, giảm đau: Các thuốc thường được chỉ định là thuốc chống viêm không Steroid (NSAIDs), trường hợp đau mạn tính có thể được sử dụng thuốc chống trầm cảm, chống lo âu.
  • Vật lý trị liệu: Siêu âm trị liệu, chiếu laser, điều trị điện xung,…nhiệt trị liệu (thermotherapy),…
  • Điều trị ngoại khoa chỉ được chỉ định đối với các trường hợp đau thắt lưng do thoát vị đĩa đệm hoặc kèm trượt đốt sống đã được điều trị nội khoa tích cực trong ba tháng nhưng không đạt hiệu quả, đặc biệt đối với trường hợp đau nhiều, có dấu hiệu ép rễ nặng (teo cơ nhanh, rối loạn cơ tròn, rối loạn cảm giác).

Chăm sóc đau thắt lưng hiệu quả tại nhà

Đau lưng do căng cơ thường sẽ tự khỏi, nhưng bạn có thể thực hiện các lưu ý dưới đây để giảm cơn đau nhanh chóng và hiệu quả hơn:

  • Áp dụng chườm lạnh khi xuất hiện tình trạng đau mỏi thắt lưng kèm với sưng đau. Còn sau đó, có thể áp dụng chườm nóng  hoặc tắm nước ấm kết hợp với việc massage thường xuyên giúp kéo giãn cơ và dây chằng, đồng thời thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu, giảm đau nhức.

  • Khi nằm, hãy nằm nghiêng, sau đó co đầu gối lên và kẹp một chiếc gối giữa hai chân. Nếu cảm thấy nằm ngửa sẽ thoải mái hơn thì bệnh nhân hãy đặt một chiếc gối hoặc cuộn một cái khăn dưới đùi để hạn chế tạo áp lực lên lưng. 
Tư thế ngủ giúp giảm đau thắt lưng
Tư thế ngủ giúp giảm đau thắt lưng - Ảnh: Bright Side
  • Thực hành các bài tập hỗ trợ cho quá trình điều trị đau thắt lưng theo sự hướng dẫn của bác sĩ giúp đẩy nhanh quá trình cải thiện và ngăn ngừa nguy cơ tái phát hiệu quả. 

Sống chung với bệnh đau thắt lưng (đau lưng dưới)

Đau thắt lưng nói riêng và đau lưng nói chung đều cần có chế độ sống lành mạnh và những lưu ý trong sinh hoạt như:

  • Tránh nằm nghỉ quá nhiều trên giường. Nếu bạn bị đau lưng, hãy vận động đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ chấn thương chỉnh hình cho phù hợp với từng giai đoạn. Vận động giúp các cơ khoẻ, giảm được lắng đọng các chất đọng trong cơ, tuy nhiên khi đau cấp tính hoặc cơn đau cấp tính trên nền một tổn thương mãn tính thì không nên tập nhiều, mà nên nằm nghỉ ngơi.
  • Nên nằm trên nệm cứng không nằm trên nệm lún không tốt đối với cột sống.

Người đau thắt lưng không nên ngồi hay đứng quá lâu, nên thay đổi tư thế sau mỗi 60 phút, tập một vài động tác đơn giản để kéo giãn cột sống. Luôn chú ý điều chỉnh đúng tư thế trong sinh hoạt, lao động, chơi thể thao.

  • Tập thể dục đều đặn giúp lưng khỏe mạnh và giảm khả năng bị đau lưng. (Lưu ý các bài tập phải phù hợp cho từng giai đoạn đau lưng, hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình)
  • Một số thực phẩm tốt cho người bị đau thắt lưng bao gồm: Trái cây họ cam quýt cùng những thực phẩm có hàm lượng vitamin C cao, các loại hạt và quả hạch, nghệ, gừng, thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, dầu cá, hạnh nhân, hạt óc chó… Đồng thời, cần phải điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp, kiểm soát cân nặng, tránh thừa cân, béo phì. 

Như vậy, đau thắt lưng cấp tính sẽ ít nguy hiểm hơn đau thắt lưng mãn tính và có thể điều trị bằng cách nghỉ ngơi, thay đổi phong cách sống. Còn với các trường hợp đau thắt lưng mãn tính, bạn đọc nên chủ động thăm khám với bác sĩ cơ xương khớp để tìm ra nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết