Góc giải đáp: Đái tháo đường tuýp 1 là nặng hay nhẹ
Góc giải đáp: Đái tháo đường tuýp 1 là nặng hay nhẹ
Tiểu đường tuýp 1 nặng hay nhẹ - Ảnh: BookingCare
Tiểu đừng tuýp 1 nặng hay nhẹ - Ảnh: BookingCare

Góc giải đáp: Đái tháo đường tuýp 1 là nặng hay nhẹ

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 25/08/2023 | Cập nhật lần cuối: 03/10/2023
Rất nhiều ý kiến so sánh giữa đái tháo đường tuýp 1 và tuýp 2, bệnh nào nặng hơn, bệnh nào nhẹ hơn,đái tháo đường tuýp 1 là nặng hay nhẹ. Hãy cùng tham khảo ý kiến của chuyên gia xoay quanh chủ đề này.

Theo thống kê, chỉ có 10% người bệnh đái tháo đường được chẩn đoán là đái tháo đường tuýp 1. Bệnh lý này thường xuất hiện ở độ tuổi trẻ thanh thiếu niên và có diễn biến rất nhanh. Do đó, khá nhiều người nghĩ rằng đái tháo đường tuýp 1 nặng hơn so với bệnh đái tháo đường tuýp 2. Để giải đáp thắc mắc này, cũng như câu hỏi đái tháo đường tuýp 1 nặng hay nhẹ,  hãy cùng tham khảo bài viết sau đây của BookingCare.

Đái tháo đường tuýp 1 là nặng hay nhẹ? đái tháo đường tuýp 1 có nặng hơn đái tháo đường tuýp 2 không?

Đái tháo đường tuýp 1 là tình trạng tuyến tụy không có khả năng sản xuất insulin, dẫn đến cơ thể không thể tự điều chỉnh đường huyết. Người mắc đái tháo đường tuýp 1 phải tiêm insulin hàng ngày và tuân thủ chặt chẽ chế độ ăn uống và luyện tập để kiểm soát đường huyết.

Chính vì đái tháo đường tuýp 1 cần can thiệp bằng cách tiêm bổ sung insulin liên tục, nên rất nhiều người cho rằng đái tháo đường tuýp 1 nặng hơn đái tháo đường tuýp 2. Tuy nhiên, các bác sĩ nội tiết cho rằng, việc xem xét liệu đái tháo đường tuýp 1 hay tuýp 2 nặng hơn không nên chỉ phụ thuộc vào loại đái tháo đường mà còn dựa vào cách mà bệnh được quản lý và cách ứng phó của từng người mắc bệnh, thời gian mắc bệnh, bệnh kèm theo, chỉ số khối cơ thể. Mục tiêu quan trọng là duy trì mức đường huyết ổn định và hạn chế nguy cơ biến chứng của đái tháo đường. Trong một nghiên cứu ở Bulgaria, cho thấy tuổi thọ của bệnh nhân đái tháo đường loại 2 dài hơn bệnh nhân đái tháo đường loại 1, nhưng tuổi thọ tổng thể của bệnh nhân đái tháo đường nói chung tương đương với dân số không đái tháo đường. Bên cạnh đó, đái tháo đường loại 1 có nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng cao hơn, nhưng tỷ lệ biến chứng lại thấp hơn đái tháo đường loại 2.

Những biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường tuýp 1

Ngoài các biến chứng liên quan đến mắt, thận, tim mạch, thần kinh, đái tháo đường tuýp 1 còn gây ra các biến chứng cấp tính, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, bao gồm:

  • Hạ đường huyết cấp tính: Người bệnh đái tháo đường  do sử dụng insulin quá liều hoặc ăn quá ít, bỏ bữa,  lạm dụng rượu bia (ảnh hưởng chức năng gan),... khiến đường máu xuống thấp, dưới 70 mg/dL (hay 3,9 mmol/L) dẫn đến xuất hiện các triệu chứng tim đập nhanh, đánh trống ngực, đau đầu, choáng váng,... nghiêm trọng hơn, đường huyết hạ đột ngột còn gây hôn mê, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Thậm chí, đường huyết cao thườn xuyên do kiểm soát kém vẫn không làm giảm tỷ lệ bệnh nhân hạ đường huyết nặng
  • Nhiễm toan ceton: Thường gặp ở nữ giới hơn nam giới và ở những bệnh nhân có mức HbA1c cao. Tình trạng này xảy ra do sự tích tụy axit trong cơ thể khi glucose dư thừa trong máu mà không được chuyển hóa thành năng lượng. Một số biểu hiện khi người bệnh đái tháo đường tuýp 1 nhiễm toan ceton như: khó thở, không thể tập trung, đau đầu, đau bụng, hơi thở mùi trái cây,... Trường hợp nặng, biến chứng này có thể dẫn đến các hiện tượng phù não, hôn mê, ngưng tim, thậm chí là tử vong

Cách phòng ngừa biến chứng nghiêm trọng của bệnh đái tháo đường tuýp 1

Dưới đây là một số cách giúp ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng trong trường hợp đái tháo đường tuýp 1:

  • Chế độ ăn uống cân đối: Hạn chế tinh bột, đường và thực phẩm chứa nhiều chất béo. Tập trung vào việc ăn thực phẩm giàu chất xơ, rau xanh, trái cây và thực phẩm giàu protein. Điều này giúp kiểm soát mức đường huyết và tránh tăng đột ngột. Tuy nhiên, hạn chế không có nghĩa là bài trừ tuyệt đối, bạn vẫn cần một lượng carbohydrate tối thiểu để duy trì năng lượng hoạt động.
  • Theo dõi đường huyết thường xuyên: Sử dụng máy đo đường huyết để kiểm tra đường huyết hàng ngày hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Theo dõi đường huyết giúp bạn nhận biết sớm các biến đổi và điều chỉnh chế độ ăn uống hoặc liều insulin nếu cần
  • Tiêm Insulin đúng liều: Nếu bạn sử dụng insulin, tuân thủ đúng liều và lịch trình tiêm insulin do bác sĩ chỉ định. Điều này giúp duy trì mức đường huyết ổn định và tránh tình trạng biến đổi đường huyết đột ngột
  • Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, kiểm soát cân nặng và tăng cường sự nhạy bén của cơ thể với insulin. Tuy nhiên, hãy thảo luận với bác sĩ về loại và mức độ tập luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn
  • Quản lý áp lực tâm lý: Stress có thể ảnh hưởng đến mức đường huyết. Học cách quản lý stress và thực hiện các hoạt động giảm căng thẳng như yoga, thiền, hay tập thể dục nhẹ nhàng
  • Thực hiện thăm khám định kỳ: Thăm khám bác sĩ định kỳ để kiểm tra tình trạng sức khỏe và điều chỉnh kế hoạch điều trị nếu cần

Rất khó để đi đến kết luận đái tháo đường tuýp 1 là nặng hay nhẹ hay đái tháo đường tuýp 1 nặng hơn so với đái tháo đường tuýp 2 vì mỗi trường hợp đều phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của từng người, thời gian mắc bệnh và cách kiểm soát bệnh. Điều quan trọng nhất là người bệnh đái tháo đường cần phải chủ động kiểm soát đường huyết, tránh trường hợp đường huyết tăng cao, gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare