Góc giải đáp: Phụ nữ mắc bệnh ung thư buồng trứng sống được bao lâu?
Góc giải đáp: Phụ nữ mắc bệnh ung thư buồng trứng sống được bao lâu?
Ung thư buồng trứng sống được bao lâu?
Ung thư buồng trứng sống được bao lâu? - Ảnh: BookingCare

Góc giải đáp: Phụ nữ mắc bệnh ung thư buồng trứng sống được bao lâu?

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 14/11/2023 | Cập nhật lần cuối: 14/11/2023
Phụ nữ mắc bệnh ung thư buồng trứng có thể sống thêm được bao nhiêu năm là câu hỏi cũng như nỗi lo của rất nhiều người. Cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây.

Khả năng sống sót cũng như tuổi thọ của một người mắc ung thư buồng trứng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm: giai đoạn của bệnh, phản ứng với điều trị và tình trạng sức khỏe tổng thể. Việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có thể cải thiện triển vọng sống của người bệnh một cách đáng kể.

Tỷ lệ sống sót và thời gian kéo dài sự sống của người bệnh ung thư buồng trứng là bao nhiêu?

Trên thực tế, tuổi thọ của một người mắc bệnh ung thư buồng trứng không thể dự đoán chính xác. Nó có thể ngắn hơn hoặc dài hơn so với dự đoán ban đầu. Tỷ lệ sống sót và tuổi thọ của người bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đôi khi là cả sự "kì tích". 

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra được khả năng sống sót trung bình của phụ nữ mắc bệnh ung thư buồng trứng qua nhiều năm nghiên cứu và phân tích. Dựa trên giai đoạn bệnh mà người bệnh mắc phải, tỷ lệ sống sót cũng như tuổi thọ sẽ có những chênh lệch đáng kể:

Ung thư buồng trứng giai đoạn 1

Trường hợp này, ung thư chỉ giới hạn ở buồng trứng hoặc ống dẫn trứng.

Hầu hết phụ nữ mắc bệnh ung thư giai đoạn 1 có tiên lượng tốt, với tỷ lệ sống sót trung bình sau 5 năm là 93%. Tuy nhiên, kết quả này không thể áp dụng cho tất cả các trường hợp bởi còn nhiều yếu tố khác có thể tác động khiến tiên lượng xấu hơn như: độ tuổi người bệnh, khả năng đáp ứng các phương pháp điều trị,...

Hầu hết phụ nữ mắc bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn 1 và phát hiện bệnh sớm trước tuổi 65 có khả năng điều trị khỏi bệnh là rất cao. Tuy nhiên trường hợp này rất ít bởi hầu hết chị em phát hiện bệnh khi bệnh đã phát triển những giai đoạn nặng hơn.

Ung thư buồng trứng giai đoạn 2

Ung thư ở một bên buồng trứng hoặc cả hai và đã lan sang các cơ quan khác trong khung chậu.

Ung thư buồng trứng giai đoạn 2 thường được coi là lây lan theo vùng, có tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm là khoảng 74%. 

Ung thư buồng trứng giai đoạn 3

Ung thư buồng trứng giai đoạn 3 là trường hợp các tế bào ung thư đã lan ra phúc mạc ngoài vùng chậu hoặc di căn đến hạch sau phúc mạc

Tỷ lệ sống sót trung bình 5 năm đối với ung thư buồng trứng giai đoạn 3 là 41%.

Ung thư buồng trứng giai đoạn 4 (Giai đoạn cuối)

Ở giai đoạn này, các tế bào ung thư đã di căn xa vào sâu bên trong các cơ quan như gan , phổi, lá lách… Tiên lượng là rất xấu. Các biện pháp điều trị chỉ có khả năng duy trì sự sống cho người bệnh.

Tỷ lệ sống sót tương đối trung bình sau 5 năm đối với những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng di căn xa, bao gồm ung thư buồng trứng giai đoạn 4, là khoảng 31%. 

Nhìn chung, hiệu quả điều trị và tiên lượng sống trên 5 năm sẽ giảm dần qua các giai đoạn bệnh. Do đó, chị em nên có thói quen thăm khám phụ khoa định kỳ 6 tháng 1 lần để có thể đảm bảo sức khỏe luôn trong tầm kiểm soát.

Bên cạnh sử dụng các phương pháp điều trị nhằm kéo dài sự sống, người bệnh cần đặc biệt lưu ý những thói quen hàng ngày như: chế độ ăn uống, sinh thoạt, thể dục thể thao. Tích cực điều trị và xây dựng tâm lý thoải mái, lạc quan cũng là yếu tố quan trọng quyết định sự sống.

Chị em cần đi khám ngay khi cơ thể xuất hiện những biểu hiện bất thường, tránh trường hợp phát hiện bệnh muộn màng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết