Xem ngay: Các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán ung thư buồng trứng
Xét nghiệm chẩn đoán ung thư buồng trứng
Xét nghiệm chẩn đoán ung thư buồng trứng - Ảnh: BookingCare

Xem ngay: Các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán ung thư buồng trứng

Tác giả: - Xuất bản: 21/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 21/11/2023
Bệnh ung thư buồng trứng được phát hiện bằng những phương pháp nào là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây.

Bên cạnh ung thư vú và ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở nữ giới với tỷ lệ tử vong rất lớn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.Trung bình cứ 73 người phụ nữ sẽ có 1 người mắc ung thư buồng trứng. 

Nguyên nhân gây ung thư buồng trứng

Cho đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra căn bệnh này. 

Tuy nhiên, một vài nghiên cứu đã chỉ ra yếu tố di truyền có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng ở một người. Tuy nhiên tỷ lệ liên quan đến di truyền cũng không cao chỉ khoảng 5%

Ung thư buồng trứng xuất hiện khi có những thay đổi (đột biến) trong vật chất di truyền (DNA). Phụ nữ thường bị ung thư buồng trứng do đột biến gen ( BRCA1 hoặc BRCA2 ) hoặc hội chứng Lynch.

Một người có nguy cơ cao bị ung thư buồng trứng nếu trong gia đình có mẹ hoặc bà ngoại cũng mắc căn bệnh này.

Nguyên nhân chính xác của những đột biến di truyền này vẫn chưa được biết rõ.

Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng cao hơn

Phụ nữ rơi vào một hoặc một vài trường hợp sau đây có nguy cơ cao bị bệnh ung thư buồng trứng:

  • Tuổi tác: Ung thư buồng trứng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, xảy ra nhiều hơn ở lứa tuổi 55-60 tuổi. 
  • Di truyền: Người có chị gái hoặc mẹ cũng bị ung thư buồng trứng hoặc trong gia đình có người mắc ung thư vú, ung thư đại tràng cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng.
  • Phụ nữ đã ít sinh đẻ: Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ đã từng mang thai và sinh con thì nguy cơ thấp hơn nhiều so với phụ nữ chưa từng sinh con. Đặc biệt, sinh con càng nhiều thì nguy cơ mắc bệnh càng thấp.Tương tự những phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày  cũng giảm nguy cơ mắc ung thư buồng trứng.  
  • Cân nặng cơ thể: Phụ nữ thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Cơ thể mắc bệnh nền: tiền sử mắc ung thư vú, ung thư đại trực tràng cũng sẽ có nguy cơ bị ung thư buồng trứng.
  • Sử dụng thuốc kích thích phóng noãn: Có thể làm tăng nhẹ nguy cơ mắc ung thư buồng trứng. Tuy nhiên là vẫn còn đang trong quá trình nghiên cứu.
  • Điều trị hormon thay thế: Điều trị hormon thay thế sau khi mãn kinh tăng nguy cơ.
  • Bột talc: Phụ nữ sử dụng bột talc nhiều ở cơ quan sinh dục làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng.

Ung thư buồng trứng là một căn bệnh nguy hiểm, các triệu chứng của bệnh có thể không rõ ràng ở giai đoạn đầu khiến nhiều chị em phải chữa trị muộn màng. Thăm khám phụ khoa định kỳ là yếu tố quan trọng giúp chị em theo dõi sức khỏe hiệu quả và chủ động bảo vệ bản thân khỏi những rủi ro mắc bệnh.

XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN UNG THƯ BUỒNG TRỨNG

Xét nghiệm chẩn đoán ung thư buồng trứng là yếu tố quan trọng giúp chị em phát hiện sớm các tế bào ung thư khi cơ thể chưa có những biểu hiện bệnh rõ rệt. Giúp tăng khả năng điều trị thành công, bảo vệ sức khỏe sinh sản và ít để lại di chứng nhất có thể.

Phương pháp xét nghiệm chẩn đoán ung thư buồng trứng

Trong quá trình chẩn đoán ung thư buồng trứng, các xét nghiệm đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm, xác định loại và giai đoạn của bệnh. 

Ung thư buồng trứng là một căn bệnh nguy hiểm và khó phát hiện ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, bác sĩ có thể phát hiện sớm phần nào căn bệnh này bằng cách kiểm tra các triệu chứng của người bệnh và thực hiện các xét nghiệm bổ sung.

Dưới đây là một số phương pháp xét nghiệm chẩn đoán ung thư buồng trứng phổ biến:

Thăm khám lâm sàng

Trước khi tiến hành các xét nghiệm tầm soát, bác sĩ sẽ thực hiện việc hỏi bệnh sử của người bệnh, gia đình và các yếu tố nguy cơ. Bác sĩ cũng sẽ tìm hiểu các dấu hiệu bất thường, thời gian và tần suất của chúng.Các thao tác thăm khám qua sờ thành bụng có thể phát hiện các khối u tuy nhiên với kích thước lớn, thường khi đó giai đoạn cũng muốn, hoặc phát hiện các triệu chứng di căn như khối ở cơ quan khác, dịch ổ bụng,... Nếu có những dấu hiệu nghi ngờ về bệnh ung thư buồng trứng, bác sĩ sẽ yêu cầu các xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh và y học hạt nhân để xác định chính xác liệu bạn có mắc bệnh ung thư buồng trứng hay không.

Xét nghiệm hình ảnh

  • Siêu âm đầu dò âm đạo ( đầu dò bụng nếu bệnh nhân chưa quan hệ) 

Đây là một phương pháp được sử dụng phổ biến, đầu tay để kiểm tra các vấn đề bất thường ở buồng trứng nói riêng hoặc tử cung phần phụ nói chung. Phương pháp này giúp bác sĩ nhìn thấy kích thước, hình dạng và cấu trúc của buồng trứng.

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI):

Phương pháp này sử dụng sóng điện từ và từ tính để tạo ra hình ảnh chi tiết của buồng trứng, giúp xác định kích thước, vị trí và tính chất của khối u bất thường nếu có.

  • Chụp cắt lớp vi tính (Chụp CT):

Phương pháp này sử dụng máy tính và tia X, tạo ra một loạt hình ảnh chi tiết của buồng trứng và các bộ phận liên quan khác. Nó có thể xác định kích thước, hình dạng và cấu trúc của khối u.

  • Chụp PET (Chụp cắt lớp phát xạ Positron):

Xét nghiệm này hữu ích để xác định mức độ di căn của ung thư khi cơ quan bị ảnh hưởng chưa được xác định. Tuy nhiên, chụp PET không phổ biến trong việc phát hiện ung thư buồng trứng.

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu trong chẩn đoán ung thư buồng trứng giúp xác định mức độ CA-125 có trong máu. Nồng độ CA-125 trong máu cao có thể là dấu hiệu của ung thư. Tuy nhiên, mức độ CA-125 có thể vẫn bình thường, ngay cả khi người bệnh bị ung thư và cao hơn trong nhiều trạng thái không phải là ung thư.

Do đó, các bác sĩ thường sử dụng phương pháp xét nghiệm máu này để tiên lượng nhiều hơn là chẩn đoán xác định. 

Xét nghiệm sinh thiết

Cách duy nhất để xác định khối u có phải là ung thư hay không là thông qua xét nghiệm mô bệnh học, còn gọi là phương pháp sinh thiết Sau khi loại bỏ khối u bằng phẫu thuật, một phần của khối u sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để tiến hành xét nghiệm mô bệnh học.

Trong một số trường hợp, sinh thiết có thể được thực hiện ngay trong lúc siêu âm hoặc chụp CT. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được thực hiện đối với những trường hợp ung thư buồng trứng ở giai đoạn muộn hoặc kèm theo các bệnh lý nghiêm trọng khác, vì có nguy cơ sinh thiết ung thư buồng trứng có thể làm ung thư lan rộng.

Xét nghiệm chẩn đoán ung thư buồng trứng là một trong những phương pháp quan trọng giúp phát hiện bệnh sớm và ngăn ngừa những rủi ro biến chứng đáng tiếc. Ngay khi nhận thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường hoặc nghi ngờ mắc bệnh, chị em nên thăm khám sớm để được hỗ trợ kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết