- Xuất bản: 30/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 30/10/2023
Ung thư cổ tử cung: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị - Ảnh: BookingCare
Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã nặng. Phát hiện sớm triệu chứng ung thư cổ tử cung giúp điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh lí ác tính nữ giới hay gặp phải, chiếm khoảng 12% của tất cả các loại ung thư nữ giới. Vào năm 2020, Việt Nam ghi nhận 9.000 ca mắc mới và 3.000 ca tử vong vì ung thư cổ tử cung. Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã nặng. Phát hiện sớm triệu chứng ung thư cổ tử cung giúp điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Triệu chứng thường gặp của ung thư cổ tử cung
Ở giai đoạn đầu, ung thư cổ tử cung thường không có triệu chứng nên khó phát hiện. Các triệu chứng thường bắt đầu sau khi ung thư đã lan rộng. Các triệu chứng của ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu:
Chảy máu âm đạo sau khi quan hệ.
Chảy máu âm đạo sau mãn kinh.
Chảy máu âm đạo giữa các kỳ kinh hoặc các chảy máu nặng hơn hoặc dài hơn bình thường.
Dịch âm đạo chảy nước và có mùi nồng hoặc có chứa máu.
Đau vùng chậu hoặc đau khi quan hệ tình dục.
Các triệu chứng của ung thư cổ tử cung tiến triển (ung thư đã lan ra ngoài cổ tử cung đến các bộ phận khác của cơ thể) có thể bao gồm các triệu chứng của ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu và các triệu chứng ở cơ quan ung thư lan tràn hay di căn tới:
Đi tiêu khó khăn hoặc đau đớn hoặc chảy máu từ trực tràng khi đi tiêu.
Đi tiểu khó khăn hoặc đau đớn hoặc có máu trong nước tiểu.
Đau lưng âm ỉ.
Sưng chân.
Đau bụng.
Cảm thấy mệt mỏi.
Những triệu chứng này có thể được gây ra bởi nhiều tình trạng khác ngoài ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào bạn cũng nên thăm khám với bác sĩ.
Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung
Nhiễm HPV là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung, với 90% - 100% số ca ung thư cổ tử cung do HPV gây ra. Nhiễm HPV nguy cơ cao kéo dài nhiều năm có thể dẫn tới những thay đổi trong tế bào cổ tử cung, dẫn đến tổn thương tiền ung thư. Tổn thương tiền ung thư không được phát hiện và điều trị, có thể phát triển thành ung thư cổ tử cung.
Những phụ nữ quan hệ tình dục khi còn trẻ, đặc biệt là trước 18 tuổi hoặc có nhiều bạn tình có nhiều khả năng bị nhiễm HPV nguy cơ cao.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ gây ung thư cổ tử cung như:
Hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc thụ động
Hệ miễn dịch suy yếu
Yếu tố di truyền
Sinh nở nhiều
Chẩn đoán ung thư cổ tử cung như nào?
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và thực hiện cận lâm sàng để xác định tình trạng bệnh:
Sinh thiết: Nếu khám lâm sàng thấy sang thương nghi ngờ, bác sĩ sẽ lấy mẫu mô ra khỏi cổ tử cung để kiểm tra. Kết quả thu được từ sinh thiết giúp chẩn đoán và quyết định điều trị bệnh.
Xét nghiệm tế bào học (Pap test): Là phương tiện chính dùng để tầm soát ung thư cổ tử cung. Các tế bào niêm mạc cổ tử cung của những bệnh nhân ngoài kỳ kinh để phát hiện các bất thường ở mức độ tế bào.
Xét nghiệm HPV: Xét nghiệm tìm ADN hoặc mRNA của virus HPV gây ung thư cổ tử cung. Đây là xét nghiệm có độ nhạy và đặc hiệu cao trong tầm soát ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm được ứng dụng ngày càng phổ biến và là tiêu chuẩn hàng đầu trong chiến lược tầm soát ung thư cổ tử cung.
Soi cổ tử cung: Bác sĩ sẽ đưa mỏ vịt vào để nhẹ nhàng mở âm đạo và xem cổ tử cung, sau đó dùng máy soi cổ tử cung để quan sát cổ tử cung, phát hiện những vùng bất thường. Soi cổ tử cung thường được thực hiện nếu như Pap test hay HPV có bất thường.
Siêu âm: là biện pháp quan trọng để chẩn đoán giai đoạn ung thư cổ tử cung. Siêu âm giúp phát hiện các di căn. Siêu âm qua đường âm đạo hay đường trực tràng giúp nhìn rõ kích thước của tổn thương, dịch ổ bụng.
Chụp cộng hưởng từ (MRI), Chụp cắt lớp vi tính (CT): để đánh giá tổn thương di căn ngoài cổ tử cung.
Phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung
Kế hoạch điều trị sẽ phụ thuộc vào giai đoạn ung thư, sức khỏe người bệnh.
Phẫu thuật: Là phương pháp chính để điều trị ung thư giai đoạn sớm. Phẫu thuật có nhiều mức độ tùy thuộc mức độ và giai đoạn bệnh. Từ khoét chóp cổ tử cung, áp lạnh cổ tử cung đến phẫu thuật cắt tử cung tận gốc.
Xạ trị: Xạ trị sử dụng tia X năng lượng cao hoặc các loại bức xạ khác để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chúng phát triển bằng cách làm hỏng DNA của chúng. Hai loại xạ trị chính là xạ trị ngoài và xạ trị trong (còn gọi là xạ trị áp sát).
Hóa trị: Hóa trị là sử dụng thuốc để ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư, bằng cách tiêu diệt tế bào hoặc ngăn chặn chúng phân chia. Hóa trị có thể được thực hiện một mình hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác.
Liệu pháp nhắm trúng mục tiêu (Targeted therapy): Liệu pháp nhắm mục tiêu sử dụng thuốc hoặc các chất khác để ngăn chặn hoạt động của các enzym , protein cụ thể hoặc các phân tử khác liên quan đến sự phát triển và lan rộng của tế bào ung thư.
Liệu pháp miễn dịch: Liệu pháp miễn dịch giúp hệ thống miễn dịch chống lại ung thư. Các xét nghiệm dấu ấn sinh học có thể được sử dụng để giúp dự đoán phản ứng của người bệnh với một số loại thuốc trị liệu miễn dịch.
Xét nghiệm theo dõi trong và sau điều trị: Một số cận lâm sàng được thực hiện để chẩn đoán ung thư cổ tử cung hoặc để tìm ra giai đoạn ung thư có thể được lặp lại trong quá trình điều trị để đánh giá hiệu quả điều trị. Quyết định về việc tiếp tục, thay đổi hay ngừng điều trị có thể dựa trên kết quả của các cận lâm sàng này.
Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào sau đây, điều đó có thể là ung thư đã quay trở lại:
Chảy máu âm đạo hoặc tiết dịch
Đau ở bụng, lưng hoặc chân
Sưng đau ở chân
Tiểu khó
Thay đổi thói quen đi tiêu
Ho kéo dài
Mệt mỏi kéo dài
Ung thư cổ tử cung nên ăn gì
Một số thực phẩm có thể được khuyến khích để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung (UTCTC):
Flavonoid để giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung: Flavonoid là các hợp chất hóa học trong trái cây và rau quả được cho là nguồn bảo vệ hàng đầu chống lại bệnh ung thư. Một số thực phẩm như: Táo, Măng tây, Đậu đen, Bông cải xanh….
Các nghiên cứu cho thấy thực phẩm giàu folate (vitamin B tan trong nước) làm giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung ở những người bị nhiễm vi-rút.
Carotenoids, một nguồn vitamin A cũng hữu ích trong việc ngăn ngừa nguy cơ ung thư cổ tử cung.
Ung thư cổ tử cung là căn bệnh phổ biến ở nữ giới, tuổi trung bình của nhóm phụ nữ bị ung thư cổ tử cung là từ 48 tuổi đến 52 tuổi. Hãy tầm soát ung thư cổ tử cung và thăm khám phụ khoa định kỳ 6 tháng - 1 năm một lần để phát hiện sớm các tế bào ung thư giúp phát hiện sớm và điều trị hiệu quả.