Nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung và các yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung
Nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung và yếu tố nguy cơ - Ảnh: BookingCare

Nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung và các yếu tố nguy cơ

Tác giả: - Xuất bản: 30/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 30/10/2023
Ung thư cổ tử cung thường diễn tiến từ từ qua nhiều giai đoạn và trong thời gian dài. Vậy nguyên nhân dẫn tới ung thư cổ tử cung là gì?

Thay đổi bắt đầu trên biểu mô bề mặt cổ tử cung, khi các tế bào trên biểu mô cổ tử cung bắt đầu thay đổi cấu trúc, những tế bào bất thường phân chia không kiểm soát và tiến triển thành tổn thương tiền ung thư và ung thư. Ung thư cổ tử cung thường diễn ra từ từ, diễn tiến bệnh chậm chạp qua nhiều giai đoạn và trong thời gian dài. Vậy nguyên nhân dẫn tới ung thư cổ tử cung là gì?

Nguyên nhân nào gây ung thư cổ tử cung?

Lây nhiễm virus HPV

Hầu hết ung thư cổ tử cung là do virus HPV type nguy cơ cao gây ra. Virus HPV lây truyền qua quan hệ tình dục (hậu môn, miệng hoặc âm đạo) và tiếp xúc. Nhiễm HPV thường không có triệu chứng, phần lớn bệnh nhân có thể đào thải được virus, chỉ một số ít trường hợp người bệnh nhiễm type HPV nguy cơ cao, cơ thể không đào thải được và lâu dài diễn tiến thành tổn thương tiền ung thư và ung thư.

Có hơn 100 loại HPV và trong đó khoảng 15 loại (high risk type) có thể dẫn đến ung thư. HPV không chỉ là nguyên nhân dẫn đến ung thư cổ tử cung, mà còn là nguyên nhân gây ra mụn cóc ở bàn tay, bàn chân và sùi mào gà ở bộ phận sinh dục, hậu môn. Các sang thương lành tính này gây ra bởi các type HPV nguy cơ thấp.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung

  • Quan hệ tình dục sớm, quan hệ bừa bãi: Virus HPV được lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục và tiếp xúc. Việc quan hệ tình dục sớm và có nhiều bạn tình khiến nguy cơ nhiễm HPV cao hơn.
  • Hút thuốc lá hoặc hít khói thuốc lá thụ động: khói thuốc lá tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, trong đó có ung thư cổ tử cung.
  • Hệ thống miễn dịch yếu: hệ thống miễn dịch yếu khiến cơ thể không thể chống lại virus. Theo các chuyên gia, HPV luôn sẵn sàng để tấn công những người có hệ miễn dịch yếu.
  • Yếu tố di truyền: khoa học cho thấy phụ nữ thừa hưởng một số cấu trúc gen di truyền đặc biệt từ thế hệ trước dễ mắc ung thư cổ tử cung hơn những người khác.
  • Căng thẳng kéo dài: các nhà khoa học chứng minh rằng những phụ nữ thường bị căng thẳng kéo dài, ức chế thần kinh có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Sinh con trước 17 tuổi: Việc sinh con sớm khi ở độ tuổi này cơ quan sinh dục, sinh sản chưa được hoàn thiện cũng như thiếu kiến thức vệ sinh đúng cách cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư cổ tử cung.
  • Sinh đẻ nhiều: Các bà mẹ có 3 con trở lên có tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung cao hơn bình thường.
  • Sử dụng thuốc tránh thai đường uống dài hạn, phụ nữ có tiền sử mắc bệnh lây qua đường tình dục như Chlamydia cũng tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung.

Ung thư cổ tử cung là căn bệnh nguy hiểm, phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Chị em nên chủ động tiêm vắc xin phòng ngừa, khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư cổ tử cung đều đặn, sinh hoạt tình dục lành mạnh để sống khỏe hơn, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết