Gù cột sống: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 17/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 29/03/2024
Gù cột sống là một biến dạng cột sống
Gù cột sống - một biến dạng cột sống thường gặp - Ảnh: BookingCare 
Gù cột sống là bệnh như thế nào? Gù cột sống có nguy hiểm không? Cùng BookingCare tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Gù cột sống là bệnh lý xương khớp phổ biến và đang có xu hướng trẻ hoá độ tuổi mắc. Bệnh không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ. Cùng BookingCare tìm hiểu về bệnh gù cột sống qua bài viết dưới đây.

Gù cột sống là bệnh lý như thế nào?

Gù cột sống là một biến dạng của cột sống. Bình thường, cột sống ngực có độ cong tự nhiên từ 20 - 45 độ nhưng khi có bất thường về tư thế hoặc cấu trúc giải phẫu làm cột sống vùng ngực bị cong ra phía trước quá mức dẫn tới vùng lưng trên bị gù. 

Thông thường khi thăm khám, bác sĩ sẽ phát hiện đường cong sinh lý cột sống lớn hơn bình thường khoảng 50 độ thì đó được gọi là gù cột sống.  Và đường cong cột sống càng lớn thì tình trạng bệnh càng nặng.   

Gù cột sống có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng đang có xu hướng gia tăng ở tuổi thiếu niên. Phần lớn các trường hợp đều ít ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh và không cần điều trị. Tuy nhiên, một số trường hợp nặng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng và cần can thiệp phẫu thuật.

Phân loại gù cột sống

Gù cột sống được phân loại dựa trên các nguyên nhân gây bệnh. Dưới đây là ba loại gù cột sống phổ biến nhất hiện nay.

  • Gù cột sống tư thế là loại gù cột sống phổ biến nhất và thường gặp ở tuổi vị thành niên.
    • Bệnh được hình thành do tư thế sai khi sinh hoạt và không liên quan tới các bất thường cấu trúc giải phẫu. Loại gù này thường được gặp ở trẻ gái hơn so với trẻ trai.
    • Hầu như không ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Chúng phần lớn chỉ được phát hiện tình cơ khi thăm khám.
  • Gù cột sống của Scheuermann là do sự bất thường cấu trúc giải phẫu của cột sống nhưng rất khó phát hiện ở giai đoạn sớm.
    • Bệnh tiến triển và biểu hiện rõ ràng hơn trong những năm thiếu niên.
    • Gù cột sống Scheuermann có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là những bệnh nhân có thể trạng gầy. Vì vậy, bệnh cần được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm.
  • Gù cột sống bẩm sinh là tình trạng gù cột sống xuất hiện ngay từ lúc mới sinh.
    • Bệnh liên quan tới bất thường cấu trúc giải phẫu cột sống như một hoặc nhiều đốt sống dính với nhau, biến dạng xương,…
    • Người mắc bệnh gù cột sống bẩm sinh cần được chẩn đoán và phẫu thuật sớm để hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm. Bởi loại gù này thường đi kèm thêm các dị tật ở các bộ phận khác như tim, thận,…

Nguyên nhân gây gù cột sống

Cấu trúc giải phẫu bình thường của cột sống là các đốt xương được xếp chồng lên nhau theo một trật tự nhất định. Và khi nhìn ngang một bên, cột sống là một đường cong uốn lượn mềm mại từ cổ đến lưng, thắt lưng và vùng cùng – cụt. Vì vậy, các yếu tố tác động lên xương, đường cong sinh lý của cột sống đều có thể dẫn tới gù cột sống.

Dưới đây là những nguyên nhân gây gù cột sống thường gặp:

  • Thói quen sinh hoạt sai tư thế kéo dài nhiều ngày.
  • Bệnh lý loãng xương, thoái hoá đĩa đệm,…
  • Dị tật bẩm sinh.
  • Các bệnh lý như ung thư di căn xương.
  • Sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch kéo dài ngày như corticoid, thuốc điều trị bệnh lý ung thư,…

Triệu chứng của gù cột sống

Tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của gù cột sống mà cơ thể sẽ xuất hiện các triệu chứng khác nhau. Phần lớn gù cột sống được phát hiện tình cờ qua dáng đi, dáng ngồi hoặc thăm khám định kỳ.

Dưới đây là các triệu chứng gù cột sống phổ biến:

  • Vùng cột sống bị biến dạng như vai trò, bướu gù có thể nhìn thấy ở vùng lưng.
  • Đau mỏi vùng vùng cột sống lưng
  • Chiều cao bị giảm.
  • Tư thế đi có sự thay đổi rõ rệt. Người bệnh có xu hướng khom người về phía trước và hơi cúi người khi bước đi.
  • Một số các triệu chứng xuất hiện khi gù nặng như tê bì chân tay do chèn ép các dây thần kinh, khó thở do rối loạn cơ hô hấp,…
Cột sống bị biến dạng là triệu chứng thường gặp của bệnh gù cột sống - Ảnh freepik

Chẩn đoán bệnh gù cột sống

Ngày nay y học phát triển, gù cột sống được chẩn đoán sớm qua các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu. Tuy nhiên để chẩn đoán xác định bệnh các bác sĩ cần thăm khám lâm sàng kỹ càng.

Đầu tiên bác sĩ sẽ đánh giá đường cong sinh lý bằng cách kiểm tra chiều cao và một vài động tác như cúi người về phía trước, gập người,... để quan sát những dấu hiệu bất thường.

Sau khi đã khám toàn trạng bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm cần thiết như chụp X quang cột sống thắt lưng, chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tinh,... để đánh giá chuyên sâu về tình trạng cột sống, từ đó chẩn đoán chính xác bệnh lý.

Phương pháp điều trị gù cột sống

Gù cột sống có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm. Tuỳ thuộc vào tuổi, thể gù và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị thích hợp.

Dưới đây là các phương pháp điều trị gù cột sống.

  • Điều trị không phẫu thuật được áp dụng chủ yếu ở bệnh nhân bị gù cột sống tư thế và gù cột sống của Scheuermann mức độ nhẹ (bệnh nhân có đường cong cột sống dưới 75 độ). Ưu điểm của phương pháp này là đơn giản, dễ thực hiện, chi phí thấp và hiệu quả cao. Tuy nhiên đòi hỏi sự kiên trì của người bệnh và thời gian điều trị kéo dài. Các phương pháp thường được áp dụng như:
    • Các bài tập vật lý trị liệu.
    • Dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Aspirin, ibuprofen, naproxen để giảm đau.
    • Mặc áo nẹp thường được khuyến cáo dùng cho tới khi hệ thống xương của trẻ phát triển hoàn chỉnh.
  • Điều trị phẫu thuật được chỉ định ở những bệnh nhân mắc gù cột sống bẩm sinh, gù cột sống của Scheuermann mức độ nặng hoặc không đáp ứng với những điều trị khác. Ưu điểm của phương pháp này là hiệu quả cao nhưng nhược điểm là chi phí cao, có các rủi ro liên quan phẫu thuật (đau, mất máu, nhiễm trùng…), cần được theo dõi và tập phục hồi chức năng sau mổ kéo dài.

Có thể thấy, gù cột sống nếu được phát triển, chẩn đoán sớm, phần lớn người bệnh có thể điều trị thành công mà không cần phẫu thuật. Vì vậy đối với người người bệnh bị cong vẹo cột sống hoặc có nguy cơ mắc gù cột sống cần phải đi khám định kỳ để theo dõi tình trạng và có hướng xử trí kịp thời.