- Xuất bản: 10/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 06/04/2024
Tìm hiểu các vấn đề xung quanh bệnh hẹp hậu môn - Ảnh:BookingCare
Hẹp hậu môn là tình trạng ống hậu môn bị hẹp lại dẫn đến khó khăn trong việc đại tiện. Do tình trạng khó khăn khi tống xuất phân, nếu kéo dài bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng có thể nguy hiểm đến người bệnh. Biết được triệu chứng, phân loại và điều trị bệnh hẹp hậu môn mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh.
Hẹp hậu môn là một tình trạng bệnh có thể gây ra bởi phẫu thuật vùng hậu môn, chấn thương, bệnh viêm ruột, xạ trị, bệnh hoa liễu, bệnh lao và lạm dụng thuốc nhuận tràng. Ngoài ra hẹp hậu môn là một dị tật chiếm tỷ lệ 25 - 39% ở trẻ sơ sinh. Trong bài viết này sẽ tập trung đề cập đến triệu chứng, phân loại và cách điều trị của hẹp hậu môn sau phẫu thuật.
Hẹp hậu môn là gì?
Hẹp hậu môn là sự thu hẹp về mặt giải phẫu hoặc chức năng của ống hậu môn. Hẹp hậu môn chức năng là kết quả của cơ thắt trong hậu môn tăng trương lực. Hẹp hậu môn giải phẫu liên quan đến hình thành mô sẹo xơ khiến ống hậu môn mất đàn hồi.
Triệu chứng của hẹp hậu môn?
Các triệu chứng hẹp hậu môn có thể khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chứng hẹp, bao gồm:
Táo bón
Đau khi đi đại tiện, khó đại tiện, mót rặn
Phân khó tống ra ngoài
Chảy máu ống hậu môn - trực tràng
Phân loại hẹp hậu môn
Phân loại hẹp hậu môn theo Milsom và Mazier:
Theo mức độ nghiêm trọng:
Nhẹ: có thể kiểm tra ống hậu môn bằng ngón trỏ được bôi trơn hoặc banh Hill Ferguson cỡ vừa
Trung bình: cần dùng lực mạnh để đưa ngón trỏ được bôi trơn hoặc banh Hill Ferguson cỡ vừa khi khám
Nặng: ngón út hoặc banh Ferguson nhỏ không thể đưa vào được trừ khi thực hiện với lực mạnh
Phân loại theo vị trí hẹp:
Thấp: ống hậu môn cách ít nhất 0,5 cm dưới đường lược
Giữa: trên dưới đường lược 0,5 cm
Cao: trên đường lược 0,5 cm
Lan tỏa hết ống hậu môn
Chẩn đoán hẹp hậu môn
Chẩn đoán hẹp hậu môn có thể dựa vào triệu chứng kể trên. Khó đi cầu hoặc đau rất thường khiến bệnh nhân phải phụ thuộc thuốc nhuận tràng hoặc thuốc thụt hàng ngày. Khả năng hẹp hậu môn càng tăng nếu người bệnh có tiền sử cắt trĩ, bệnh Crohn hoặc sử dụng thuốc nhuận tràng quá mức.
Khám trực quan ống hậu môn và da quanh hậu môn, cùng với thăm khám trực tràng bằng ngón tay, thường đủ để xác định sự hiện diện của chứng hẹp hậu môn. Trường hợp người bệnh quá lo lắng hoặc ống hậu môn quá đau cần gây mê để thực hiện kiểm tra ống hậu môn đúng cách.
Đo áp lực hậu môn trực tràng là một phương pháp khách quan để đánh giá trương lực cơ hậu môn, độ giãn nở và cảm giác hậu môn trực tràng.
Điều trị hẹp hậu môn như thế nào?
Điều trị hẹp hậu môn bảo tồn với thay đổi lối sống, sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc nong hậu môn được khuyến cáo đối với bệnh nhân có hẹp hậu môn ở mức độ nhẹ. Ngoài ra cắt cơ thắt trong một phần là một kỹ thuật phù hợp với những trường hợp hẹp nhẹ chức năng.
Bệnh nhân cần xây dựng một lối sống lành mạnh, chế độ ăn nhiều rau xanh và hoa quả để bổ sung chất xơ giúp cho việc đại tiện được dễ dàng hơn. Kết hợp uống nhiều nước và luyện tập thể dục thể thao thường xuyên để tăng cường nhu động ruột, chống táo bón.
Nong hậu môn giúp cho hậu môn được nới rộng một cách từ từ và dần trở về kích thước bình thường. Tuy nhiên cần tránh làm thủ thuật này nếu bệnh nhân có tình trạng áp xe hậu môn hay nứt kẽ hậu môn.
Đối với bệnh nhân có hẹp hậu môn từ trung bình đến nặng nên thực hiện phẫu thuật tạo hình. Nhiều loại vạt khác nhau đã được nghiên cứu như vạt tiến niêm mạc, vạt nhà, vạt kim cương, vạt VY/YV, vạt hình thoi… Việc lựa chọn vạt phụ thuộc vào lựa chọn của bác sĩ phẫu thuật, giải phẫu của bệnh nhân và da quanh hậu môn.
Chăm sóc sau phẫu thuật và biến chứng
Đối với các kỹ thuật đơn giản, người bệnh được bắt đầu chế độ ăn nhiều chất xơ, thuốc nhuận tràng trong một thời gian ngắn trong giai đoạn hậu phẫu. Nên xịt rửa hậu môn bằng nước để tạo sự thoải mái và đảm bảo vệ sinh.
Các vạt phức tạp hoặc tạo hình nhiều cần phải nhập viện để theo dõi. Bệnh nhân cần để ruột trống trong 3 đến 5 ngày sau đó mới bắt đầu chế độ ăn nhiều chất xơ.
Có nhiều biến chứng được báo cáo sau phẫu thuật tạo hình do hẹp hậu môn. Bao gồm hoại tử do vạt mất nguồn cung cấp mạch máu, vết khâu bị hở do đường khâu quá căng, co rút thiếu máu cục bộ ở mép vạt, ngứa, nhiễm trùng đường ruột sau viêm ruột do Clostridium difficile, đại tiện không tự chủ, táo bón, tắc nghẽn và lộ tuyến nếu vạt da bị đẩy quá xa và được khâu ở rìa hậu môn.
Hẹp hậu môn là một biến chứng hiếm gặp nhưng là một biến chứng gây phiền hà nhất của phẫu thuật vùng hậu môn trực tràng. Phẫu thuật cắt trĩ được thực hiện tốt là biện pháp phòng ngừa tốt nhất của bệnh.