Hiểu rõ về tác dụng phụ (tác hại) của thuốc trầm cảm
Hiểu rõ về tác dụng phụ (tác hại) của thuốc trầm cảm
Tác dụng phụ khi dùng thuốc điều trị trầm cảm
Tác dụng phụ khi dùng thuốc điều trị trầm cảm

Hiểu rõ về tác dụng phụ (tác hại) của thuốc trầm cảm

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 09/04/2021 | Cập nhật lần cuối: 15/01/2024
Thuốc điều trị trầm cảm là loại thuốc dùng lâu dài nhưng người bệnh lại thường nôn nóng khi dùng thuốc, muốn dừng thuốc ngay khi các triệu chứng được cải thiện mà không biết có nhiều trường hợp phải dùng thuốc suốt đời. 

Trầm cảm là một rối loạn cảm xúc được đặc trưng bởi các triệu chứng buồn chán, bồn chồn, lo lắng, vô cảm, suy nghĩ tiêu cực, không tập trung, thậm chí có thể có cả hoang tưởng bị tội, bi quan về tương lại hoặc có ý tưởng và hành vi tự sát; về thể chất là rối loạn giấc ngủ, chậm chạp, rối loạn ăn uống, suy giảm hoạt động, suy giảm tình dục.

Nhiều người lo lắng và nghi ngại trong việc dùng thuốc trầm cảm vì lo sợ tác dụng phụ của thuốc. Thực hư "tin đồn" này là như thế nào, cùng tham khảo bài viết sau đây. 

Dùng thuốc điều trị trầm cảm cần kiên trì 

Có rất nhiều loại thuốc chống trầm cảm khác nhau, mỗi loại đều có các tác dụng điều trị phù hợp với từng thể bệnh, tuy nhiên cũng có các tác dụng phụ. Thuốc điều trị trầm cảm là loại thuốc dùng lâu dài nhưng người bệnh lại thường nôn nóng khi dùng thuốc, muốn dừng thuốc ngay khi các triệu chứng được cải thiện mà không biết có nhiều trường hợp phải dùng thuốc suốt đời. 

Theo các chuyên gia, thuốc điều trị gồm giai đoạn tấn công và điều trị duy trì. Hiệu quả của thuốc chống trầm cảm thường xuất hiện sau khoảng 2 tuần điều trị. Thời gian điều trị tấn công thường kéo dài từ 6 - 12 tuần để có thể đạt được hiệu quả điều trị hoàn toàn, sau đó phải tiếp tục điều trị duy trì khi những triệu chứng của trầm cảm đã hết, trong thời gian từ 16 - 20 tuần.

6 tháng là thời gian ít nhất cho mỗi đợt điều trị bệnh. Thường chỉ sau 15 ngày điều trị, bệnh nhân trầm cảm sẽ thấy sức khỏe tốt hơn. 2 tháng sau điều trị, bệnh nhân có cảm giác trở lại trạng thái trước khi mắc bệnh.

Tuy nhiên, nếu bệnh nhân dừng thuốc ngay khi các triệu chứng bệnh vừa mới thuyên giảm thì đây là một sai lầm nghiêm trọng. Kết quả điều trị sẽ là số 0 hoặc số âm, khả năng tái phát cao. Tùy theo tình trạng của người bệnh, mà bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp. 

Việc điều trị trầm cảm cần phải kéo dài trong nhiều tháng sau đó ngay cả khi bệnh nhân cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh. Mục đích của việc điều trị duy trì là nhằm ngăn chặn tái phát bệnh và phòng tránh những đợt trầm cảm tái diễn tiếp theo, đặc biệt là trên những đối tượng có các yếu tố nguy cơ cao. 

Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu bệnh nhân bỏ thuốc không tiếp tục điều trị đến hết liệu trình (ít nhất là 6 tháng) thì tỷ lệ tái phát sẽ là 25% trong vòng 2 tháng đầu và những bệnh nhân nào tiếp tục được điều trị duy trì trong thời gian 2 năm thì tỷ lệ tái phát sẽ thấp hơn so với những bệnh nhân bỏ thuốc sớm.

Nếu cảm thấy tình trạng ổn hơn và muốn dừng thuốc, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa Tâm bệnh để đảm bảo không tái phát triệu chứng.

Tác dụng phụ của thuốc trầm cảm 

Người bệnh trầm cảm thường có tâm lý mặc cảm, không đến khám tại chuyên khoa tâm thần mà tự mua thuốc dùng hay chỉ khám tại các cơ sở y tế không chuyên khoa. Để đảm bảo chẩn đoán đúng bệnh, dùng đúng thuốc, khi có các biểu hiện bất thường về tâm thần, cần phải khám tại chuyên khoa tâm thần.

Việc điều trị bằng thuốc cần có sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh không được tự mua thuốc và điều trị tại nhà. 

Các thuốc được sử dụng phổ biến hiện nay là loại thuốc chống trầm cảm ba vòng, loại thuốc tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI), thuốc chống trầm cảm kép, thuốc tái hấp thu serotonine - norepinephrine (SNRI)... Thuốc thường phát huy tác dụng chậm, thường là sau khoảng 2 tuần mới có tác dụng, trừ một số loại nhanh là sau một tuần. 

Vì vậy, điều trị trầm cảm bằng thuốc phải kiên trì, đặc biệt là trong 1, 2 tuần đầu. Rất nhiều người bệnh khi thấy uống thuốc khoảng một tuần mà các triệu chứng chưa được cải thiện hoặc gặp phải tác dụng phụ, nên bỏ thuốc và không điều trị tiếp, chính điều này khiến bệnh không khỏi và diễn biến bệnh phức tạp hơn.

Tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc chống trầm cảm ba vòng là có thể gây rối loạn nhịp tim, khô miệng, táo bón, bí tiểu, và người bệnh có thể có xuất hiện biểu hiện nhìn mờ. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng an dịu, gây ngủ. Đây là một tác dụng phụ nhưng lại có lợi vì hầu hết bệnh nhân trầm cảm bị mất ngủ. 

Thuốc chống trầm cảm SSRI là một loại thuốc mới, rất được các bác sĩ trên thế giới sử dụng cho bệnh nhân trầm cảm vì hiệu quả điều trị cao và ít tác dụng phụ trên hệ tim mạch ở liều hợp lý. Tuy nhiên cũng có những tác dụng phụ hay gặp cần phải lưu ý như rối loạn tình dục…

Thuốc tác dụng trên tình dục, làm giảm khả năng cương cứng, làm giảm ham muốn tình dục đối với cả bệnh nhân nam và nữ. Đây cũng là nguyên nhân khiến bệnh nhân thường không tuân thủ điều trị. Khi gặp các tác dụng phụ này, người bệnh phải đến bác sĩ điều trị khám lại và sẽ được bác sĩ hướng dẫn cách xử lý tác dụng phụ này.

Hiện nay có nhiều loại thuốc chữa bệnh trầm cảm khác nhau, trong đó các loại thuốc an dịu cũng giúp người bệnh giảm nguy cơ bị xúc động, căng thẳng. Tuy nhiên, bệnh nhân phải đến đúng chuyên khoa tâm thần để bác sĩ khám và kê đơn thuốc phù hợp với tình trạng bệnh lý cụ thể, sẽ giúp việc sử dụng thuốc an toàn và hạn chế các tác dụng không mong muốn.

Những lưu ý khi dùng thuốc chữa trầm cảm

Để đảm bảo việc điều trị trầm cảm bằng thuốc được hiệu quả, người bệnh cần lưu ý một số điều sau:

  • Tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng và dùng đủ thời gian để đảm bảo bệnh thuyên giảm, hạn chế thấp nhất nguy cơ tái phát.
  • Để đạt được mục đích điều trị, cần dùng thuốc liên tục từ 4 - 6 tháng. Tái khám theo lịch hẹn và chỉ ngừng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Khi ngừng thuốc phải giảm từ từ tránh bệnh tái phát. Điều này sẽ được bác sĩ hướng dẫn cách giảm liều.
  • Cần thay đổi lối sống, giảm căng thẳng trong công việc.
  • Người thân và những người xung quanh cần luôn quan tâm chia sẻ và động viên bệnh nhân. Không kỳ thị với các bệnh lý về tâm thần thì mới có thể chăm sóc sức khỏe tâm thần cho tốt được.

Vì sao khỏi bệnh vẫn phải dùng thuốc? 

Đối với những loại thuốc thông thường khi triệu chứng không còn, người bệnh có thể ngừng thuốc để hạn chế những tác dụng không mong muốn. Nhưng với bệnh trầm cảm, dù các triệu chứng đã mất đi nhưng nguyên nhân vẫn còn, chỉ cần ngưng thuốc, bệnh sẽ nhanh chóng tái phát.

Phần lớn nguyên nhân làm cho bệnh trầm cảm tái phát là do bệnh nhân ngưng thuốc quá sớm. Một thuốc chống trầm cảm phải sử dụng từ 2 - 4 tuần mới có hiệu quả và người bệnh phải tiếp tục dùng thêm trong từ 6 - 9 tháng sau khi hết bệnh. Nếu một loại thuốc có tác dụng tốt mà ngưng quá sớm thì thuốc mất cơ hội chữa bệnh. Khi bệnh tái phát, thời gian điều trị sẽ lâu và tốn kém hơn nhiều.

Mỗi người nên cố gắng có một cuộc sống cân bằng, vui vẻ và hài hòa, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi, năng tập thể thao hàng ngày... Kết hợp với dùng thuốc theo đúng chỉ định thì bệnh mới nhanh được đẩy lùi.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết