Ho khan là một phản ứng tự nhiên của cơ thể khi tiếp xúc với các chất kích thích, đây cũng là cơ chế tự bảo vệ của phổi nhằm loại bỏ các tác nhân gây bệnh như: khói bụi, virus, vi khuẩn, dị vật... Tuy nhiên, ho kéo dài rất có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang mắc bệnh.
Ho khan kéo dài không khỏi có thể báo hiệu điều gì?
Khác với ho có đờm, ho khan là tình trạng người bệnh ho không khạc ra đờm hoặc chất nhầy mặc dù ho nhiều và dữ dội. Hiện tượng này có thể xảy ra ở mọi độ tuổi.
Ho kéo dài được chia thành các dạng khác nhau dựa trên thời gian bệnh khởi phát:
- Ho kéo dài là những trường hợp ho kéo dài > 3 tuần và chia thành:
- Ho bán cấp: kéo dài từ 3 - 8 tuần
- Ho mãn tính: ho kéo dài trên 8 tuần.
Ho lâu ngày không khỏi từ 8 tuần trở lên có thể là do các yếu tố kích thích từ môi trường bên ngoài hoặc những bệnh lý hô hấp tiềm ẩn bên trong cơ thể. Người bệnh cần đi khám ngay vì đây rất có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm như:
- Hen suyễn
- Tắc nghẽn phổi mãn tính
- Giãn phế quản
- Trào ngược dạ dày
- Viêm phế quản mãn tính
- Ung thư phổi
- Lao phổi
- Nhiễm trùng đường hô hấp
- Trào ngược dạ dày thực quản, viêm mũi xoang mạn tính…
- Bệnh lý xơ phổi vô căn
- Bệnh phổi do nhiễm ký sinh trùng…
- Bệnh lý tim mạch như suy tim, tăng huyết áp, dị dạng mạch máu phổi….
- Do thuốc ức chế men chuyển như Captopril, Coversyl…khi điều trị tăng huyết áp, tim mạch.
Ho kéo dài ảnh hưởng đến người bệnh như thế nào?
Ho kéo dài gây ra nhiều ảnh hưởng xấu cho người bệnh cả về sức khỏe lẫn chất lượng cuộc sống. Một số vấn đề có thể dễ dàng nhận thấy như:
- Gián đoạn giấc ngủ: Một số người thường bị ho nhiều khi ngủ, đặc biệt là vào ban đêm. Điều này khiến giấc ngủ bị gián đoạn, khó ngủ, ngủ không ngon giấc, ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần và sức khỏe người bệnh.
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Nôn mửa
- Đổ mồ hôi
- Tiểu không tự chủ
- Xuất huyết dưới kết mạc
- Ảnh hưởng đến sinh hoạt và làm việc của bệnh nhân, làm mất sự tự tin, ảnh hưởng đến tâm lý…
Các biện pháp phòng ngừa ho khan kéo dài
Kho khan kéo dài có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau nên việc xác định được biện pháp phòng ngừa chính xác là rất khó.
Dưới đây là một số lời khuyên từ chuyên gia giúp mọi người giảm thiểu rủi ro mắc bệnh ho khan kéo dài cũng như những bệnh lý hô hấp khác:
- Tránh xa thuốc lá: Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng ho mãn tính và cũng là kẻ đứng sau hàng loạt các căn bệnh hô hấp nguy hiểm bao gồm: xơ phổi, ung thư phổi, tắc nghẽn phổi mãn tính,...
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh viêm phổi, viêm phế quản,... vì một số nguyên nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus có thể lây lan nhanh qua đường hô hấp.
- Đeo khẩu trang khi phải ra ngoài, tránh tụ tập nơi đông người hoặc động chạm không cần thiết vào những đồ dùng, đồ vật nơi công cộng không đảm bảo vệ sinh.
- Rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát trùng, không đưa tay bẩn lên mặt.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, rèn luyện thể thao thường xuyên nhằm tăng cường sức đề kháng, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
Ho khan kéo dài có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau. Nhiều người thường chủ quan bỏ qua biểu hiện này vì cho rằng chúng sẽ tự biến mất.
Ngay khi nhận thấy tình trạng ho khan kéo dài không khỏi, ho dai dẳng, dữ dội và không thuyên giảm ngay cả khi đã uống thuốc, hãy đến bệnh viện kiểm tra để được chẩn đoán và điều trị chính xác nhất.