Hội chứng đau vùng đầu mặt: Nguyên nhân và phương pháp điều trị hiệu quả

Tác giả: - Xuất bản: 30/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 03/12/2024
Hội chứng đau nhức vùng đầu mặt: nguyên nhân và phương pháp điều trị hiệu quả
Hội chứng đau nhức vùng đầu mặt gây ảnh hưởng xấu đến tinh thần, cuộc sống - Ảnh: BookingCare.
Hội chứng đau vùng đầu mặt ( viết tắt là đau vùng đầu mặt) có thể xảy ra ở bệnh nhân vì nhiều lý do khác nhau, từ chấn thương và viêm xoang đến khối u và các vấn đề về răng miệng. Từ đó ảnh hưởng lên các dây thần kinh vùng mặt phổ biến nhất là dây thần kinh sinh ba.

Hội chứng đau nhức đầu mặt bao gồm một loạt các vấn đề gây ra cảm giác đau ở vùng sọ, đáy sọ và khuôn mặt. Đau ở các khu vực này có thể gây khó chịu đáng kể ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống sinh hoạt. Cho đến nay chẩn đoán và điều trị đau vùng đầu mặt vẫn là một vấn đề lớn với các chuyên gia thần kinh.

Bài viết dưới đây sẽ của BookingCare sẽ đề cập đến những vấn đề cơ bản nhất trong nguyên nhân và điều trị đau vùng đầu mặt.

Đau nhức vùng đầu mặt là gì?

Đau vùng đầu mặt bao gồm một loạt các vấn đề gây ra cảm giác đau ở vùng đầu và khuôn mặt.

Đau ở khu vực này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, thường liên quan đến các dây thần kinh quan trọng như dây thần kinh V (dây thần kinh sinh ba), IX ( dây thần kinh lưỡi hầu), X (dây thần kinh phế vị) trong vùng đầu mặt.

Nguyên nhân gây hội chứng đau nhức vùng mặt 

Trong lĩnh vực nghiên cứu về đau có chia làm 3 loại: đau thực thể, đau thần kinh, đau tâm lý.

Đau thực thể là tình trạng tổn thương mô, cơ quan gây giải phóng chất trung gian hóa học gây đau ví dụ như viêm, chấn thương,... Đau thần kinh là đau do tổn thương đường dẫn truyền thần kinh. 

  • Đau thực thể: một số nguyên nhân khác gây tổn thương mô, cơ quan mà không tổn thương thần kinh ở vùng mặt cũng gây ra đau đầu mặt như: 
    • Bệnh lý răng miệng: bệnh nha chu, viêm lợi, sâu răng.
    • Bệnh lý tuyến nước bọt: u, viêm tuyến nước bọt.
    • Bệnh lý mắt: nhiễm trùng, tổn thương, u vùng hốc mắt cũng gây đau đầu từng cơn.
    • Rối loạn khớp thái dương hàm.
    • Bệnh lý mũi xoang: Viêm mũi xoang cấp, mạn tính.
    • Đau sau chấn thương, phẫu thuật vùng hàm mặt. 
    • Đau do khối u: nhiều khối u ở vùng đầu mặt gây ra các triệu chứng đau mơ hồ âm ỉ, có khi đau dữ dội.
    • Đau do viêm động mạch thái dương: đau vùng hốc mắt, thái dương kèm theo giảm thị lực, thường gặp ở những người trung niên.
  • Đau thần kinh: xảy ra do tổn thương đường dẫn truyền của dây thần kinh chi phối cảm giác cho vùng đầu mặt: thường gặp nhất là dây thần kinh tam thoa (dây V), dây IX, X, dây thần kinh tai lớn, nhánh của rễ thần kinh chẩm:
    • Đau dây thần kinh sinh ba (dây V) thường gặp do đau sau zona, sau phẫu thuật, sau chấn thương, đau do xung đột mạch máu thần kinh, đau vô căn. Biểu hiện đau bỏng buốt vùng trên trán, dưới ổ mắt và hàm dưới.
    • Đau dây thần kinh thiệt hầu (dây IX): là một chứng đau không phổ biến với đau vùng tai, hốc amidan, gốc lưỡi, dưới góc hàm.
    • Đau dây thần kinh tai lớn và tai thái dương: thường gặp đau vùng trước tai, thái dương và góc hàm, đau thường liên quan đến quay đầu, cử động hàm.
    • Đau dây thần kinh chẩm: thường do thoái hóa cột sống cổ gây chèn ép rễ thần kinh chẩm gây đau vùng chẩm, gáy, hai bên thái dương.
Viêm nướu, nhiễm trùng tai, viêm xoang là những nguyên nhân gây ra hội chứng đau nhức vùng sọ mặt - Ảnh: Canva.

Triệu chứng của hội chứng đau nhức vùng đầu mặt

Đau nhức vùng đầu mặt do dây thần kinh sinh ba (dây V)

Đau dây thần kinh sinh ba là dấu hiệu đặc trưng của hội chứng nhức vùng đầu mặt, đặc trưng bởi cơn đau kịch phát.

Các triệu chứng đau dây thần kinh sinh ba có thể bao gồm một hoặc nhiều kiểu sau:

  • Các cơn đau dữ dội hoặc đau nhói có thể khiến bạn cảm thấy như bị điện giật. Những cơn đau đột ngột hoặc đau đớn xảy ra khi chạm vào mặt, nhai, nói hoặc đánh răng.
  • Các cơn đau kéo dài từ vài giây đến vài phút.
  • Đau xảy ra kèm theo co thắt ở mặt.
  • Các cơn đau kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng hoặc lâu hơn. Một số người có thời kỳ mà họ không thấy đau.
  • Đau ở những vùng được chi phối bởi dây thần kinh sinh ba. Những khu vực này bao gồm má, hàm, răng, nướu hoặc môi. Ít thường xuyên hơn, mắt và trán có thể bị ảnh hưởng.
  • Cơn đau tập trung vào một chỗ. Hoặc nỗi đau có thể lan rộng theo mô hình rộng hơn.
  • Các cơn đau trở nên thường xuyên và dữ dội hơn theo thời gian.

Đau nhức vùng đầu mặt do dây thần kinh IX, X.

  • Cơn đau tương tự như đau dây thần kinh V, thường xảy ra theo cơn.
  • Thường xuất hiện ở một bên, thường là ở bên trái, gần với amidan, ống tai ngoài, đáy lưỡi và có thể lan tỏa về phía tai và góc hàm.
  • Dạng đau tập trung ở vùng tai có thể xuất phát từ viêm tai hoặc viêm màng nhĩ. Vùng khởi phát thường là niêm mạc họng và khu vực amidan, cảm thấy đau khi nuốt, hoặc xoay đầu, hiếm khi gặp đau khi nói, há miệng, và không bao giờ đau khi nhai như trong trường hợp đau dây mặt.
  • Cơn đau có thể đi kèm với ho, tăng tiết nước bọt, và có thể gây ra tình trạng loạn nhịp tim (ngất, tụt huyết áp).

Xét nghiệm chẩn đoán đau vùng mặt

Bệnh nhân đau vùng đầu mặt có thể cần làm một số xét nghiệm để xác định nguyên nhân như:

  • Xét nghiệm công thức, sinh hóa máu đánh giá tình trạng viêm nhiễm.
  • Chụp Xquang, siêu âm phần mềm tại những vị trí đau.
  • Các phương tiện chẩn đoán hiện đại hơn như chụp CT, MRI vùng đầu có hoặc không tiêm thuốc thường có khả năng phát hiện cao các khối u, áp xe, xung đột mạch máu thần kinh.

Điều trị hội chứng đau nhức vùng đầu mặt

Điều trị hội chứng đau nhức vùng đầu mặt là điều trị các nguyên nhân gây ra đau như nhiễm trùng, u , tai mũi họng,… Điều trị bao gồm cả nội khoa và ngoại khoa.

Tuy nhiên ở một số bệnh nhân không đáp ứng tốt điều trị nội khoa hoặc gặp tác dụng phụ. Vậy nên ở những nhóm người này nên khuyến nghị họ sử dựng phương pháp điều trị ngoại khoa.

Điều trị bằng thuốc

Đối với đau do tổn thương các tổ chức vùng mặt như viêm nhiễm, áp xe, u,… bệnh nhân cần được điều trị giải quyết nguyên nhân có thể bằng thuốc khác sinh, kháng viêm; kết hợp thuốc giảm đau như paracetamol, meloxicam,… để cải thiện triệu chứng.

Đối với đau dây thần kinh sinh ba phương pháp điều trị chính là dùng thuốc. Một số nhóm thuốc được sử dụng làm giảm bớt hoặc ngăn chặn các triệu chứng bao gồm:

  • Thuốc chống co giật: Nhóm Carbamazepine, Oxcarbazepine, Lamotrigine, Phenytoin, Gabapentin, Pregabalin. Tác dụng phụ có thể gặp bao gồm  chóng mặt,nổi mẩn da buồn ngủ, buồn nôn…
  • Những bệnh nhân đau mạn tính kèm theo lo lắng bệnh tật, mất ngủ có thể bổ sung thuốc chống trầm cảm, an thần vừa giúp giảm đau vừa cải thiện giấc ngủ.
  • Các thuốc giảm đau paracetamol có hoặc không có opioid giúp làm cải thiện triệu chứng, nhưng không nên lạm dụng opioid vì có thể gây nghiện.
  • Thuốc làm giãn cơ: Baclofen ngoài sử dụng điều trị một mình có thể kết hợp với nhóm Carbamazepine. Tác dụng phụ có thể gặp bao bào chóng mặt, buồn ngủ, buồn nôn…
  • Tiêm Botox:  Phần lớn mọi người đã nghe nói về Botox để xóa nếp nhăn, nhưng có thể chưa biết là nó cực kỳ hiệu quả trong việc điều trị chứng đau đầu và đau mặt. Botulinum Toxin (Botox) được tiêm vào các cơ của da đầu để làm tê liệt chúng, do đó giải phóng căng thẳng quá mức trên hộp sọ. 

Điều trị can thiệp bằng thủ thuật, phẫu thuật 

Tùy vào nguyên nhân gây đau mà có thể phải can thiệp phẫu thuật giải quyết nguyên nhân. Nếu là đau do nguyên nhân thần kinh thì sau khi dùng thuốc thất bại, cần phải can thiệp bằng phẫu thuật.

Các lựa chọn phẫu thuật bao gồm:

  • Tiêm phong bế thần kinh.
  • Giải nén vi mạch nhằm giải quyết xung đột mạch máu thần kinh.
  • Phẫu thuật xạ hình não.
  • Phẫu thuật cắt dây thần kinh - phong bế nhánh dây thần kinh.
  • Cắt thân rễ qua da hạch sinh ba (phá hủy vị trí của các thân tế bào thần kinh cảm giác ngay bên trong hộp sọ và màng cứng).
  • Tiêm Glycerol nhằm hủy hạch gasse dẫn truyền cảm giác đau.
  • Nén bóng.

Các quyết định về phương pháp điều trị nào là tốt nhất cho một bệnh nhân nhất định phải dựa trên tính chất của cơn đau, sức khỏe của bệnh nhân, kết quả hình ảnh và tư vấn của bác sĩ phẫu thuật thần kinh.

Sống chung với hội chứng đau nhức vùng đầu mặt hiệu quả

Trong các bệnh lý gây đau mặt thì có nhiều bệnh lý đáp ứng kém với điều trị  như đau dây V vô căn, viêm mũi xoang mạn tính. Do đó để sống tốt với hội chứng đau nhức vùng mắt sọ, bạn có thể thực hiện một số biện pháp tự chăm sóc như sau:

  • Nghỉ ngơi đúng cách: Đảm bảo bạn có đủ giấc ngủ và nghỉ ngơi đúng cách để giảm căng thẳng và đau nhức.
  • Thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng: Đi bộ, yoga hoặc các bài tập căng cơ nhẹ có thể giúp giảm căng thẳng và cải thiện sự linh hoạt của cơ bắp.
  • Thực hành kỹ thuật thư giãn: Học các kỹ thuật thở sâu, thiền hoặc yoga để giảm căng thẳng và stress.
  • Duy trì tư duy tích cực: Tư duy tích cực có thể giúp giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng.
  • Điều chỉnh lối sống: Đảm bảo bạn duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế sử dụng caffeine và rượu, và tránh các yếu tố gây kích ứng như ánh sáng mạnh, màn hình máy tính.

Dù hội chứng đau nhức vùng đầu mặt có thể gây ra nhiều phiền toái, nhưng thông qua việc chăm sóc bản thân đúng cách, duy trì lối sống lành mạnh và hỗ trợ từ các chuyên gia y tế có thể tìm được giải pháp để giảm bớt đau và tái lập sự thoải mái trong cuộc sống hàng ngày.