Bất cứ đối tượng nào cũng có thể mắc hội chứng Evans, không kể giới tính và độ tuổi. Đây không phải là một bệnh lý phổ biến nhưng lại có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh, thậm chí là tử vong.
Hội chứng Evans có nguy hiểm không?
Hội chứng Evans là một rối loạn miễn dịch, khi đó hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể và tự tấn công các tế bào máu khỏe mạnh của cơ thể bao gồm hồng cầu, tiểu cầu và thậm chí là bạch cầu.
Hiện nay, không có phương pháp nào có thể chữa khỏi hội chứng Evans một cách hoàn toàn. Thay vào đó, các bác sĩ thường tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng và cải thiện số lượng tế bào máu của người bệnh. Phương pháp điều trị thường sẽ được cá nhân hóa dựa trên:
- Tuổi tác
- Sức khỏe tổng quát của người bệnh
- Triệu chứng biểu hiện
- Các chỉ số công thức máu
Người bệnh có thể được điều trị bằng một hoặc kết nhiều phương pháp khác nhau tùy thuộc vào khả năng đáp ứng của cơ thể với các phương pháp điều trị. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:
- Sử dụng thuốc
- Phẫu thuật cắt lách
- Truyền máu
- Truyền khối tiểu cầu
- Ghép tế bào gốc tạo máu
Bác sĩ sẽ cần cân nhắc, trao đổi với người bệnh một cách kỹ lưỡng về những lợi ích và rủi ro tiềm ẩn (tác dụng phụ có thể xảy ra) trước khi quyết định lựa chọn phương pháp điều trị.
Thực tế đã ghi nhận một số ít trường hợp hội chứng Evans có thể thuyên giảm một cách tự nhiên. Tuy nhiên, hầu hết những người mắc hội chứng Evans đều cần được điều trị lâu dài. Việc điều trị có thể làm các triệu chứng biến mất hoặc giảm nhẹ nhưng tình trạng tái phát bệnh là tương đối phổ biến.
Trong quá trình điều trị, người bệnh cần được theo dõi rất sát sao tình hình sức khỏe để có những điều chỉnh phù hợp về phương pháp điều trị kết hợp với việc dự phòng, điều trị các tác dụng phụ do phương pháp điều trị gây ra.
Hội chứng Evans có thể gây suy giảm sức khỏe người bệnh một cách trầm trọng, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm thậm chí là tử vong.
Nhìn chung, hội chứng Evans là một bệnh lý nguy hiểm và khó điều trị. Hiện tại nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định và cũng không có cách nào để phòng ngừa hội chứng này.
Mong rằng bài viết trên đây đã giải đáp được phần nào những thắc mắc của độc giả về hội chứng hiếm gặp này.