- Xuất bản: 04/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 02/03/2024
Liệu trình châm cứu thay đổi tùy theo bệnh, theo người bệnh và chỉ định điều trị - Ảnh: BookingCare
Có nên châm cứu liên tục không là câu hỏi nhiều người đặt ra khi tìm đến phương pháp châm cứu. Liệu trình châm cứu thay đổi tùy theo bệnh, theo người bệnh và theo chỉ định điều trị của thầy thuốc. Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Châm cứu mang lại nhiều hiệu quả cao trong phòng và điều trị các bệnh lý mãn tính thuộc các hệ cơ quan khác nhau. Khi nhắc đến châm cứu, nhiều người thường thắc mắc nên châm cứu trong thời gian bao lâu? Có nên châm cứu liên tục không? Cùng BookingCare giải đáp những câu hỏi trên qua bài viết sau.
Có nên châm cứu liên tục không?
Y học cổ truyền giải thích bệnh lý xảy ra do sự mất cân bằng và rối loạn âm dương trong cơ thể. Khí huyết được cho là dòng chảy qua các kinh mạch, hay các con đường, giúp liên kết tạng phủ, các bộ phận trong cơ thể con người. Những kinh mạch và dòng năng lượng này có thể được tác động thông qua các huyệt đạo trên cơ thể. Từ đó giúp điều hòa khí huyết, tạng phủ để phòng và chữa bệnh.
Châm cứu vào những huyệt đạo này sẽ đưa các dòng năng lượng trở lại trạng thái cân bằng, lưu thông khí huyết, giải quyết vấn đề kinh lạc bị bế tắc, làm cho sự vận hành khí huyết được thông suốt, từ đó giúp giảm triệu chứng và điều trị bệnh hiệu quả.
Điều trị châm cứu cũng giống như các phương pháp điều trị khác, cần tuân thủ liệu trình điều trị và tránh lạm dụng bừa bãi. Nếu lạm dụng, sử dụng quá nhiều lần sẽ làm giảm tác dụng của phương pháp, đồng thời gây ra các tác dụng phụ không mong muốn. Chính vì vậy, người bệnh nên thực hiện châm cứu theo đúng liệu trình chỉ định.
Tuỳ thuộc vào từng tình trạng người bệnh và bệnh lý gặp phải mà liệu trình châm cứu thay đổi khác nhau.
Thông thường, một liệu trình châm cứu kéo dài khoảng 10 – 15 lần, ngày 1 lần. Thời gian lưu kim từ 20 – 30 phút. Có thể châm cứu theo nhiều liệu trình (kết thúc 1 liệu trình, nghỉ 1 tuần rồi bắt đầu liệu trình tiếp theo) nếu bệnh nhân điều trị sau một liệu trình chưa cải thiện, vẫn còn triệu chứng.
Người bệnh không nên tự ý ngưng điều trị sẽ ảnh hưởng đến tác dụng và hiệu quả của châm cứu. Khi châm cứu nhiều ngày liên tục, người thầy thuốc cũng cần luân phiên các huyệt để người bệnh không bị châm nhiều lần vào một huyệt gây đau, khó chịu, tạo vết bầm,…
Nên châm cứu vào thời gian nào trong ngày?
Thực tế, không có quy định cụ thể nào về thời gian châm cứu trong ngày. Tuỳ theo lịch trình bệnh nhân, tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ sắp xếp lịch châm cứu phù hợp.
Châm cứu theo thời điểm trong ngày còn có tên khác là Thời châm: tức giờ mở huyệt, nếu châm vào giờ đó sẽ làm tăng hiệu quả châm cứu. Tuy nhiên, Thời châm đem lại một số bất tiện về thời gian. Ví dụ Thời châm giờ của Phế (liên quan đến Phổi) là giờ Dần tức 3 – 5 giờ sáng, giờ này bất tiện cho bệnh nhân và thầy thuốc để châm cứu.
Hiện nay, một số chuyên gia cho rằng, nên tiến hành châm cứu vào lúc nhiều ánh sáng, trong điều kiện thời tiết ấm áp để châm cứu đạt hiệu quả tốt nhất. Bởi trong thời gian này, cơ thể con người đạt trạng thái cân bằng, nhiều năng lượng và dễ dàng phục hồi, nâng cao tinh thần.
Chính vì vậy, thời gian thích hợp nhất để châm cứu thường là vào ban ngày. Đồng thời, châm cứu ở những nơi tránh gió lạnh, ấm áp, phòng kín gió, thông thoáng và khi cần châm cứu có thể phải bộc lộ vùng châm nên cần có sự riêng tư kín đáo để tránh gây tâm lý e ngại cho người bệnh.
Người bệnh không nên thực hiện châm cứu vào những thời điểm như cơ thể đang mệt mỏi, quá đói, quá no, sau khi làm việc nặng nhọc, sau khi sử dụng chất kích thích như rượu bia…
Mong rằng qua bài viết này, bạn đọc đã có câu trả lời cho câu hỏi: có nên châm cứu liên tục. Quý bạn đọc quan tâm, muốn sử dụng phương pháp châm cứu điều trị bệnh nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa Y học cổ truyền để được khám, tư vấn tốt nhất.