Câu hỏi đã được đặt
Chào chuyên gia, có con đang ở độ tuổi teen nên tôi nhắn nhờ chuyên gia chia sẻ giùm. Cháu nhà tôi năm nay 14 tuổi, gần đây cháu hay cáu gắt, nổi giận với người thân trong nhà khi được sai bảo hay nói gì nhắc nhở cháu, hay những chuyện đơn giản như mẹ nói chuyện bé cũng thường gắt. Đây có phải là phản ứng bình thường ở lứa tuổi này khi con có những phản kháng, kháng cự hay con đang gặp một vấn đề gì đó. Tôi nên làm gì để con có thể bình tĩnh lắng nghe
ThS Tâm lý lâm sàng Diệp Đại Hùng
Chào chị, chúng ta đã từng đi qua giai đoạn tuổi này, chị có nhớ lúc đó mình đã có những cảm nhận, phản ứng thế nào? Và nó có ý nghĩa gì?
Đây là giai đoạn chuyển tiếp tâm sinh lý khá phức tạp và kỳ thú ở mỗi người. Theo nhà tâm lý Erikson, đây là giai đoạn củng cố bản sắc cá nhân (căn tính/ Identity). Có liên quan đến việc được tin tưởng và trao quyền. Có lần tôi tình cờ nghe một nhóm các bạn teens đùa vui rằng đây là giai đoạn “nổi dậy giành độc lập”.
Qua những chia sẻ từ chị, tôi nhận thấy dường như có sự khó khăn trong giao tiếp gia đình, tương tác bên ngoài gia đình có vẻ vẫn ổn? Chị và bé có thể tìm đến sự hỗ trợ chuyên nghiệp để được lượng giá chuyên sâu, chuyên gia tâm lý sẽ làm trung gian đối thoại, giúp hiệu chỉnh phương thức đối thoại gia đình. Chúc gia đình chị sớm vượt qua trở ngại này.
Em đang là học sinh lớp 12, sắp tới em sẽ có 1 kì thi quan trọng nhưng em lại không học được bài. Điều đó khiến em stress kinh khủng. Có hôm em đã khóc 3-4 tiếng liên tục. Gần đây thì ngày nào em cũng khóc(dù cho đó là những điều nhỏ nhặt nhất). Bây giờ em không biết phải làm sao ạ? Em không thể kiềm chế được cảm xúc của mình. Trước đây em đã đi khám và được chuẩn đoán là bị bệnh rối loạn thần kinh thực vật .
ThS Tâm lý lâm sàng Diệp Đại Hùng
Chào bạn, cảm ơn những chia sẻ của bạn.
Theo những gì bạn mô tả, tôi liên tưởng đến một cốc nước đã tràn đầy không thể đổ thêm vào được nữa. Tôi nghe được những trăn trở của bạn đặc biệt là trước một kỳ thi có tính chất quan trọng. Việc bạn khóc ba bốn tiếng liên tục, có thể khi ấy bạn chỉ cảm nhận sự bế tắc, bất lực. Nhưng ở một góc nhìn khác, đó là sự lên tiếng của một đứa trẻ đang bị dồn ép quá lâu, những cảm xúc tuôn trào không thể tiếp tục kiềm chế nữa. Bạn sẽ dành tình thương, thấu cảm cho nó hay bạn sẽ tiếp tục ép nó?. Những giọt nước mắt cũng tương tự như những giọt nước tràn ra khỏi chiếc cốc. Vậy phải làm sao cho cốc nước vơi đi để có thể rót thêm vào?
Gần đây tôi có tiếp nhận một bạn 12, do áp lực học tập mà sinh ra loạn thần, hoang tưởng giải cứu thế giới, phải kết hợp dùng thuốc bệnh viện. May mắn là giờ bạn lạc quan, chấp nhận nghỉ và học chậm 1 năm, thông qua gián đoạn mà bạn tìm thấy đam mê và định hướng rõ ràng cho nghề nghiệp tương lai để không phải chọn nhầm ngành rồi phải bắt đầu lại, như vậy việc chậm này có khả năng lại nhanh hơn so với nhiều người khác.
Điều tôi cảm thấy vui nhất không phải là mình làm được gì, mà là chứng kiến được sức mạnh của tâm trí con người, khi gỡ bỏ áp lực tự kì vọng, tâm trí họ linh hoạt và sáng tạo để tự nghĩ ra những giải pháp và góc nhìn mới.
Chúc bạn sớm vượt qua giai đoạn hiện tại.
Làm thế nào để em thôi suy nghĩ về những lời nói của người khác. Em rất để tâm đến lời nói của mọi người, đặc biệt nếu là lời chê, không tán thành thì em càng suy nghĩ rất lâu, em sợ bị chỉ trích, sự bất đồng ý kiến với mọi người, sợ mọi việc không như ý. Em luôn mong muốn làm tốt nhất, nhận được sự công nhận của mọi người. Lâu dần em không dám phát biểu ý kiến, dò xét mọi người trước khi nói, căng thẳng trước khi vào các cuộc họp. Em có thể làm thế nào để vượt qua cảm giác này, em có đang gặp vấn đề gì không ạ?
ThS Tâm lý lâm sàng Diệp Đại Hùng
Chào bạn, tôi thường gặp khá nhiều trường hợp tương tự, bản thân tôi trước đây cũng là một trong số này! Sau cùng, tôi rút ra một số điểm chung như sau:
1 - "Mọi người": thật ra thường chỉ là một vài người nào đó đặc biệt quan trọng, ý nghĩa, có vị thế.
2 - Giá trị của mình phụ thuộc vào nhận xét, đánh giá của người khác, hay "chạy theo làm hài lòng người khác". Quyền lực không còn trong tay mình nữa rồi! mình đã trao nó cho người khác và mình rơi vào thế yếu.
3 - Mình sẽ cảm thấy khó chịu khi không là chính mình, bị mất quyền lực. Lúc này bên trong một người sẽ có 2 xung lực đối nghịch: một là duy trì tình trạng cũ (tạm gọi là "cái Tôi ngăn cản"), xung lực còn lại (tạm gọi là "cái Tôi vươn lên"). Cần một cuộc đấu tranh đầy đau đớn để lấy lại quyền lực, với sự hỗ trợ từ nhà chuyên môn.
Em lên đây để chia sẻ với mọi người câu chuyện của mình, mong chuyên gia tư vấn. Em đang chăm người nhà bị bệnh tâm thần, cuộc sống cả nhà bị đảo lộn. Nhìn người nhà cứ nằm trên giường cả ngày, mặt u buồn, thỉnh thoảng đòi t.ự t.ử. Đến nay cũng được 5 tháng rồi, em cảm thấy kiệt sức, bất lực khi bệnh của người nhà vẫn chưa cải thiện. Em cảm thấy chính mình cũng đang phải gồng lên, bị ảnh hưởng, có những lúc không kìm được cảm xúc, căng thẳng em cũng bộc phát tức giận. Nếu cứ tiếp tục như này chắc em cũng không trụ được lâu. Xin chuyên gia cho em một lời khuyên.
ThS Tâm lý lâm sàng Diệp Đại Hùng
Trường hợp người nhà có biểu hiện của triệu chứng tâm thần thì cần được đưa đến cơ sơ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Bên cạnh đó, tôi cũng nghe được những trăn trở của bạn trong vai trò người chăm sóc, kiệt sức, bất lực, căng thẳng, tức giận và nhịp sống gia đình bị đảo lộn. Cảm ơn vì tình thương và những hi sinh của bạn dành cho gia đình, nếu không thì có lẽ bạn đã bỏ mặc, trốn lánh đi nơi khác để an thân. Lúc ấy thì không biết mọi sự sẽ ra sao? Ai sẽ là người gánh thay? Sự hiện hữu của bạn thật quan trọng và giá trị. Thông thường, những khi căng thẳng bạn hay làm gì để thư giãn, giải toả?
Cháu sau khi nghỉ hè xong thì toàn ngồi ở nhà. Trước đây, cháu cũng có tiền sử các bệnh về căng thẳng tâm lí như đau dạ dày,... Hè này nghỉ ở nhà chán mà cháu hay sinh chuyện, nghĩ chuyện bé ra chuyện to, hay lo lắng thái quá, suy nghĩ lung tung. Đôi khi chỉ làm một chuyện nhỏ, không đáng để ý mà cháu phải mất thời gian suy nghĩ, lo lắng. Cháu đang thấy rất mệt và không biết làm thế nào để suy nghĩ bình thường các vấn đề. Trong năm học thì cháu còn lo thời gian học hành, bạn bè,.. nên không suy nghĩ nhiều nghỉ hè rồi thì nó mới vậy. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp ạ
ThS Tâm lý lâm sàng Diệp Đại Hùng
Chào bạn, cảm ơn những chia sẻ của bạn.
Thi thoảng, tôi cũng thường nghe các vị phụ huynh than vãn về con minh: “Dạo này nó cứ hay nằm lì ở nhà”, thấy bạn không nằm thì cũng mừng! Theo những gì bạn mô tả thì dân gian thường hay gọi vui là “rảnh rỗi sinh nông nổi”. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm chuyên môn, tôi tự hỏi liệu bạn là một người thường lo lắng, hay có nhiều suy nghĩ từ trước giờ (tích luỹ) chứ không phải chỉ trong kỳ hè này (biểu hiện)?
Điều này có khả năng liên quan đến khái niệm học tập xã hội, học tập từ những người xung quanh, thử nghĩ lại xem tính cách mình hiện tại là giống ba hay giống mẹ? Có thể một mặt bạn sẽ thấy an tâm với những kế hoạch rõ ràng, nhưng một mặt lại thấy mệt mỏi và không thoải mái về điều đó.
Nhà tâm lý học Adler có đề xuất một khái niệm gọi là “cảm thức xã hội” (Social interest), Trong đó việc một người gia tăng các hoạt động cộng đồng, thiện nguyện, kết nối thiên nhiên sẽ làm gia tăng cảm thức về sự hữu ích của bản thân với những thứ xung quanh, từ đó giúp khắc phục các tình trạng trống rỗng, lo lắng, trì trệ.
Chúc bạn sớm vượt qua giai đoạn này, trường hợp nếu vẫn cảm thấy khó khăn, bạn có thể tìm đến sự hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp để giúp khám phá và hoà giải những xung đột nội tâm.