Hướng dẫn cách tiêm Insulin tại nhà: Sử dụng bơm tiêm, bút tiêm
Hướng dẫn cách tiêm Insulin tại nhà: Sử dụng bơm tiêm, bút tiêm
Tiêm insulin ở người bệnh đái tháo đường
Hướng dẫn cách tiêm Insulin cho người bệnh đái tháo đường - Ảnh: BookingCare

Hướng dẫn cách tiêm Insulin tại nhà: Sử dụng bơm tiêm, bút tiêm

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 11/09/2023 | Cập nhật lần cuối: 03/10/2023
Với những bệnh nhân đái tháo đường được chỉ định tiêm insulin, khi thực hiện tiêm tại nhà cần tuân theo hướng dẫn cách tiêm, chỉ định liều lượng tiêm theo đúng như bác sĩ điều trị hướng dẫn.

Insulin là một loại thuốc quan trọng hàng đầu trong điều trị đái tháo đường. Tuy nhiên, insulin chỉ có chế phẩm ở dạng tiêm nên gây khó khăn cho việc sử dụng, đặc biệt là với bệnh nhân điều trị ngoại trú. Tiếp nữa, insulin dạng tiêm có hai dạng chế phẩm chính là lọ thuốc (sử dụng cùng với bơm tiêm) và bút tiêm. 

Vị trí tiêm Insulin

Trước khi đi vào hướng dẫn cách tiêm, người bệnh cần lưu ý đến vị trí tiêm. Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc lựa chọn vị trí tiêm, bao gồm khả năng tiếp cận, tình trạng mô mỡ và khả năng hấp thụ insulin của điểm tiêm.

Theo đó, các vị trí tiêm phổ biến nhất thường là bụng, mặt sau cánh tay, đùi và mông.

Vị trí Lưu ý
Bụng Bụng là vị trí được nhiều bệnh nhân cũng như bác sĩ lựa chọn tiêm Insulin nhất. Vì bụng là nơi insulin đi vào máu nhanh nhất, đồng thời, đây là vị trí dễ tiếp cận và ít gây khó chịu. Tiêm cách rốn 3 - 4cm. 
Mặt sau cánh tay

Ở vị trí này, tốc độ hấp thu insulin vừa phải, không nhanh như bụng.

Tiêm ở mặt sau, khoảng 1/3 giữa của cánh tay, nằm giữa vai và khuỷu tay.

Đùi

Đây là vị trí hấp thu insulin chậm nhất nhưng lại thuận tiện cho người bệnh tự tiêm. 

Tiêm vào phía trước của đùi, đoạn giữa đầu gối và háng, hơi lệch về phía ngoài chân.

Mông

Tốc độ hấp thụ thuốc khá chậm.

Tiêm vào góc phần tư, bên ngoài, phía trên của mông. 

Hướng dẫn cách tiêm Insulin dưới da bằng bơm tiêm

  • Bước 1: Làm ấm lọ Insulin, lăn lọ giữa hai lòng bàn tay khoảng 20 lần để thuốc ấm lên và trở nên đồng nhất.
  • Bước 2: Sát khuẩn nắp cao su lọ thuốc bằng cồn 70 độ, để khô.
  • Bước 3: Lấy thuốc: kéo bơm tiêm rút lượng không khí bằng lượng thuốc cần tiêm, đâm xuyên kim tiêm qua nắp cao su của lọ thuốc và đẩy hết lượng không khí trong bơm tiêm vào lọ. Quay ngược lọ và rút bơm tiêm để lấy đủ lượng Insulin cần dùng.
  • Bước 4: Sát trùng vị trí tiêm
  • Bước 5: Kẹp một phần da và tiêm một góc 45 độ hoặc 90 độ
  • Bước 6: Thả vùng da sau khi ấn tiêm vào
  • Bước 7: Tiêm chậm và giữ 6s sau khi tiêm xong
  • Bước 8: Sát trùng sau khi tiêm 

Hướng dẫn sử dụng bút tiêm Insulin

  • Bước 1: Làm ấm và đồng nhất insulin trước tiêm bằng cách lăn bút giữa 2 lòng bàn tay và lắc bút lên xuống 10 lần
  • Bước 2: Gắn kim vào bút: Mở giấy bảo vệ kim và gắn kim theo hướng thẳng và vặn chặt vào đầu cao su của bút tiêm. Kéo thẳng để tháo nắp kim lớn bên ngoài và giữ lại. Kéo thẳng để tháo nắp kim nhỏ bên trong.
  • Bước 3: Đuổi bọt khí và test thuốc: Xoay nút chọn liều tiêm chọn 2 đơn vị. Ấn nút tiêm về số 0 và nhìn kiểm tra thông kim khi thấy giọt insulin xuất hiện ở đầu kim
  • Bước 4: Định liều tiêm: Xoay nút chọn liều tiêm để chọn số đơn vị cần tiêm
  • Bước 5: Tiêm thuốc: Xác định vị trí tiêm luân chuyển. Véo da để dễ dàng cố định vị trí tiêm. Đâm kim thẳng góc 90 độ qua da tại vị trí tiêm. Ấn nút tiêm hướng xuống đến khi vạch chỉ liều tiêm trở về số 0. Giữ nguyên kim và đếm 10 giây mới rút kim ra.
  • Bước 6: Tháo kim và hủy kim sau khi sử dụng: Gắn lại nắp lớn bên ngoài vào kim. Vặn ngược lại để tháo kim ra. Gắn lại nắp bút tiêm và cất vào nơi bảo quản.

Lưu ý chung khi tiêm Insulin tại nhà

  • Cần làm sạch vị trí tiêm. Insulin được tiêm vào lớp mỡ ngay dưới da.
  • Tùy vào từng loại insulin mà có thời gian tiêm khác nhau. Insulin Mixtard (nhanh/trung bình): tiêm trước ăn 30 phút. Insulin Novomix (rất nhanh/dài): tiêm ngay trước ăn hoặc sau ăn 5 phút
  • Không nên tiêm lặp lại tại một vị trí trong vùng tiêm. Để hạn chế các biến chứng, cần luân phiên các vị trí tiêm. Đặc biệt, với những trường hợp sử dụng hơn 1 mũi tiêm trở lên trong ngày, phải tiêm ở các vị trí và ở các vùng khác nhau.

Người bệnh đái tháo đường có thể tự tiêm insulin tại nhà nhưng để đạt hiệu quả cần biết cách chọn vị trí tiêm phù hợp và thao tác tiêm đúng cách. Hy vọng nội dung bài viết trên đã giúp người bệnh, người thân có thêm thông tin hữu ích hỗ trợ việc thực hiện tiêm Insulin tại nhà. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết