Hướng dẫn điều trị hạ đường huyết ở người bệnh đái tháo đường

Tác giả: - Xuất bản: 21/08/2023 - Cập nhật lần cuối: 03/10/2023
Hướng dẫn điều trị hạ đường huyết ở người bệnh tiểu đường - Ảnh: BookingCare
Hướng dẫn điều trị hạ đường huyết ở người bệnh tiểu đường - Ảnh: BookingCare
Điều trị hạ đường huyết ở người bệnh tiểu đường cần phù hợp và đúng cách ở từng giai đoạn: giai đoạn nhẹ khi người bệnh chưa mất nhận thức và giai đoạn nặng khi người bệnh đã mất nhận thức, rơi vào tình trạng hôn mê.

Việc kiểm soát đường huyết không tốt ở người bệnh đái tháo đường sẽ gây ra nhiều biến động về nồng độ đường trong máu. Trường hợp có triệu chứng của hạ đường huyết hoặc mức đường máu hạ xuống quá thấp, dưới 70 mg/dL (3,9 mmol/L), ở người đang điều trị insulin hoặc thuốc kích thích tiết insulin, sẽ được coi là hạ đường huyết . Tình trạng này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh, vì vậy, cần nắm rõ cách điều trị hạ đường huyết ở người bệnh đái tháo đường.

Điều trị hạ đường huyết ở người bệnh đái tháo đường giai đoạn nhẹ

Hạ đường huyết ở người bệnh đái tháo đường giai đoạn nhẹ tức là ở giai đoạn này, người bệnh vẫn còn nhận thức, , chưa thay đổi thể lực và/hoặc thần kinh cần người hỗ trợ, mức đường máu trong khoảng 54-70mg/dl (3,0-3,9mmol/L),  tuy nhiên, có thể xuất hiện một số biểu hiện đi kèm như: đau đầu, chóng mặt, bủn rủn chân tay, cơ thể mệt mỏi, cảm giác tê ở má môi, lưỡi,...

Nguyên tắc điều trị đối với tình trạng này là cần phải nhanh chóng đưa đường huyết của người bệnh trở lại bình thường (trên 3.9 mmol/L). Các biện pháp đó bao gồm:

  • Bổ sung carbohydrate nhanh: bổ sung bằng cách ăn hoặc uống các thực phẩm chứa nhiều carbohydrate dạng dễ hấp thụ để tăng lượng đường trong máu một cách nhanh nhất, chẳng hạn như glucose nguyên chất ở dạng gel hoặc viên nén. Nếu không, có thể thay thế bằng kẹo ngọt hoặc nước ngọt, mứt, nho khô để nhanh chóng đưa đường huyết về lại bình thường

(Cần chú ý rằng, các loại đồ ngọt chứa nhiều chất béo như sô cô la, sữa béo không làm tăng đường huyết một cách nhanh chóng)

  •  Kiểm tra lại đường huyết: 15 phút sau khi nạp carb, cần kiểm tra lại đường huyết, nếu lượng đường trong máu vẫn thấp, cần tiếp tục nạp thêm carb đến khi đường huyết trên 70 mg/dL (3,9 mmol/L). Bạn cần lặp lại việc bổ sung carb và kiểm tra đường máu như trên đủ 3 lần, nếu vẫn không hiệu quả, cần phải truyền glucose đường tĩnh mạch hoặc thậm chí tiêm glucagon.

Ngoài ra, sau khi đưa đường huyết về lại bình thường người bệnh cũng nên nạp thêm một bữa ăn thông thường trong vòng  tiếng. Tuy nhiên, bữa ăn này cần được đảm bảo này cần được đảm bảo không quá giàu năng lượng từ chất béo.

Điều trị hạ đường huyết ở người bệnh đái tháo đường giai đoạn nguy kịch

Ở người bệnh đái tháo đường, khi tình trạng hạ đường huyết đã trong giai đoạn nguy kịch, người bệnh sẽ mất nhận thức và có thể rơi vào trạng thái bất tỉnh hôn mê cần người hỗ trợ. Khi đó, tuyệt đối không được cho người bệnh ăn hoặc uống bất cứ thứ gì vì có nguy cơ người bệnh sẽ sặc lên đường hô hấp. Giải pháp xử lý được khuyến cáo sử dụng trong trường hợp này là truyền glucose đường tĩnh mạch. Nếu không thể lấy vein để truyền tĩnh mạch ngay, có thể sử dụng glucagon tiêm bắp.

Glucagon là một loại hormone làm tăng lượng đường trong máu một cách nhanh chóng. Glucagon là sẵn có trong các bộ kit cấp cứu và có thể được mua cùng với đơn ở nhà thuốc. Mỗi bộ kit sẽ có hướng dẫn sử dụng đi kèm, bạn cũng như người thân nên nắm được cách sử dụng phòng trường hợp hạ đường huyết cấp tính xảy ra. 

Thông thường, quy trình tiêm Glucagon thực hiện theo các bước như sau:

  • Bỏ nắp bảo vệ kim tiêm và tiêm toàn bộ lượng dung dịch chứa trong ống vào lọ chứa bột glucagon. Không vứt bỏ kẹp nhựa của ống tiêm. 
  • Lắc hỗn hợp nhẹ nhàng cho đến khi bột tan hết. Dung dịch thu được phải trong suốt. Không sử dụng nếu dung dịch có màu hoặc có cặn.
  • Dốc ngược lọ xuống và rút phần dịch chứa trong lọ vào ống tiêm (vạch 1 mg trên  ống tiêm cho người lớn và trẻ em trên 20 kg). Trẻ em dưới 20 kg cần dùng 1/2 liều và chỉ lấy 1/2 lượng dung dịch (vạch 0‚5 mg được đánh dấu trên ống tiêm).
  • Chọn vị trí tiêm ở bụng hoặc đùi, sát trùng vị trí tiêm.
  • Đưa mũi kim tiêm vuông góc với da.
  • Ấn xuống để tiêm glucagon.
  • Loại bỏ kim tiêm và thay ống tiêm mới vào hộp bảo quản (tuyệt đối không sử dụng lại kim tiêm)

Trường hợp không có sẵn kit Glucagon khi tình trạng khẩn cấp xảy ra, cần phải gọi ngay cho cấp cứu đến để kịp thời xử lý.

Sau khi tiêm glucagon, cần gọi ngay cấp cứu để tiếp tục cố gắng lấy đường truyền tĩnh mạch để truyền glucose. Vì việc sử dụng glucagon tiêm bắp lần 2 gần như rất ít hiệu quả. Cần kiểm tra lại đường máu sau 10 phút.

Tình trạng hạ đường huyết ở người bệnh đái tháo đường có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu người bệnh không quản lý tốt nồng độ đường trong cơ thể. Nếu bạn hoặc người thân trong gia đình bạn mắc đái tháo đường, bạn và người thân nên chủ động nắm được cách điều trị và xử lý khi nhận thấy có tình trạng hạ đường huyết xảy ra.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết