- Xuất bản: 07/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 11/12/2023
Cần làm gì để hạn chế triệu chứng chóng mặt một cách hiệu quả - ảnh: BookingCare
Làm gì khi bị chóng mặt? Áp dụng một số biện pháp điều chỉnh và tập luyện hợp lý, kết hợp chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học có thể thuyên giảm và hạn chế triệu chứng một cách hiệu quả. Đọc thêm trong bài viết!
Chóng mặt là hiện tượng cơ thể cảm thấy mất cân bằng hoặc phương hướng hay cảm giác môi trường xung quanh đang xoay tròn. Đối với một số trường hợp chóng mặt nhẹ, người bệnh có thể kiểm soát triệu chứng bằng một số cách điều trị chứng chóng mặt đau đầu tại nhà để giảm thiểu tình trạng.
Các bài tập cải thiện chóng mặt tại nhà
Nếu gặp phải tình trạng chóng mặt ngắn và đột ngột, bạn đọc có thể áp dụng một số bài tập dưới đây trước khi ngủ để cải thiện tình trạng này.
Bài tập Epley
Bước 1: Ngồi ở mép giường, người thả lỏng
Bước 2: Đặt gối dưới hai vai, nằm ngửa lên giường, sau đó quay đầu sang trái 45 độ
Bước 3: Quay đầu sang phải 90 độ (mặt tạo với mặt phẳng giường 45 độ). Giữ nguyên tư thế trên giường, đợi khoảng 30 - 60 giây cho cơn chóng mặt dừng lại.
Bước 4: Quay đầu và cơ thể sang phải 90 độ, giữ 30 giây.
Bước 5: Ngồi dậy từ từ, thả lỏng ổn định.
Thực hiện tương tự các động tác với bên còn lại. Áp dụng động tác này ba lần trước khi đi ngủ mỗi đêm có thể làm giảm triệu chứng chóng mặt.
Bài tập Semont
Bước 1: Ngồi ở mép giường, quay đầu sang phải 45 độ.
Bước 2: Nằm nghiêng xuống bên trái, giữ tư thế trong 30 giây.
Bước 3: Giữ nguyên tư thế, sau đó ngồi dựng người chuyển nhanh nằm xuống phía bên phải. Giữ nguyên đầu ở góc 45 độ trong vòng 30 giây.
Thực hiện các động tác này với bên còn lại, lặp đi lặp lại ba lần một ngày cho đến khi không còn hiện tượng chóng mặt.
Bài tập Foster
Bước 1: Quỳ gối chống tay xuống sàn, sau đó nhìn lên trần trong vài giây.
Bước 2: Cúi gập đầu hướng về phía đầu gối, giữ khoảng 30 giây.
Bước 3: Quay đầu sang trái đối diện với khuỷu tay, giữ khoảng 30 giây.
Bước 4: Nâng đầu lên, giữ nguyên hướng đầu ở góc 45 độ trong vòng 30 giây.
Bước 5: Giữ nguyên hướng nghiêng, sau đó dựng đầu thẳng đứng và từ từ đứng dậy.
Có thể thực hiện lặp lại từ 3 - 4 lần/hiệp, thực hiện mỗi hiệp cách nhau 15 phút.
Bài tập Brandt-Daroff
Bước 1: Người ngồi thẳng, sau đó nghiêng đầu một góc 45 độ.
Bước 2: Chuyển sang tư thế nằm nghiêng, mũi hếch lên, giữ nguyên tư thế trong khoảng 30 giây hoặc cho đến khi cơn chóng mặt giảm bớt, sau đó đưa người trở lại vị trí ngồi.
Thực hiện lặp lại ở phía bên kia, mỗi lần tập thực hiện ba đến năm lượt/lần. Người bệnh có thể tập ba buổi/ngày trong hai tuần hoặc cho đến khi hết chóng mặt.
Các biện pháp chăm sóc sức khỏe tại nhà
Ngoài các bài tập cải thiện, người bệnh nên kết hợp một số biện pháp chăm sóc đơn giản giúp hạn chế và giảm thiểu tái phát tình trạng chóng mặt.
Cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể, có thể bổ sung thêm các loại trà (trà gừng, trà mật ong…) hàng ngày để bổ sung thêm khoáng chất và lượng đường trong máu giúp cải thiện tình trạng chóng mặt.
Ngủ ít nhất từ 7 - 8 giờ vào ban đêm và kết hợp các khoảng nghỉ ngơi hợp lý khi làm việc vào ban ngày.
Ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và protein... Hạn chế sử dụng đồ ăn nhanh, chất kích thích giúp duy trì cân nặng và sức khỏe hợp lý.
Tập thể dục hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời đơn giản như đi bộ giúp cải thiện tinh thần và rèn luyện sức khỏe.
Trên đây là một số phương pháp bạn đọc có thể làm khi bị chóng mặt để cải thiện tình trạng. Cùng với việc tuân thủ các hướng dẫn điều trị của bác sĩ, việc kiểm soát hợp lý triệu chứng giúp bạn đọc có thể chủ động cải thiện tình trạng sức khỏe tốt hơn.