Lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp chữa bệnh
Những thông tin hữu ích về bệnh lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt
Những thông tin hữu ích về bệnh lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt - Ảnh: BookingCare

Lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp chữa bệnh

Tác giả: - Xuất bản: 29/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 29/03/2024
Lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt (bạch cầu mạn dòng tủy - chronic myeloid leukemia) là một bệnh ác tính, người mắc bệnh khó có thể tự phát hiện bệnh và phương pháp điều trị cũng phức tạp. Bởi triệu chứng không rõ ràng, khó xác định.

Lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt có thể hiểu đơn giản là bệnh ung thư máu mạn tính dòng bạch cầu hạt.

Các nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa chắc chắn nhưng cũng có các yếu tố được cho là làm tăng khả năng phát triển bệnh. Về cách điều trị, bệnh lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt có từng phương pháp điều trị theo từng giai đoạn của bệnh.

Tìm hiểu tổng quan về bệnh trong bài viết dưới đây. 

Khái niệm về bệnh lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt 

Như đã nói ở trên, lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt hiểu đơn giản là bệnh ung thư máu mạn tính dòng bạch cầu hạt.

Bệnh kết quả của sự biến đổi ác tính của một tế bào gốc tạo máu dòng bạch cầu hạt, gây ra sự tăng sinh và biệt hóa không kiểm soát của dòng bạch cầu hạt. Vì vậy, lượng bạch cầu tăng cao ở máu ngoại vi, với sự hiện diện đầy đủ các giai đoạn của dòng bạch cầu hạt.

Điều này không chỉ gây nên bệnh lơ xê mi mà còn dẫn đến các biến chứng nguy hiểm khác. 

Nguyên nhân gây bệnh 

Hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu nào chỉ ra nguyên nhân cụ thể gây nên lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt. Tuy nhiên, một số các tác nhân đã được xác định rằng sẽ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đó là: 

  • Tuổi tác: Độ tuổi dễ mắc bệnh hơn nằm ở tuổi trung niên và cao tuổi.
  • Giới tính: Bệnh xuất hiện nam giới nhiều hơn là nữ giới.
  • Tiếp xúc với bức xạ: Những người từng điều trị xạ có nhiều nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác.

Nhiều người thắc mắc bệnh lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt có di truyền hay không thì câu trả lời là không. Các tác nhân vừa kể trên cũng chỉ như một chất xúc tác làm ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh chứ không phải nguyên nhân gây bệnh.

Cơ chế gây bệnh: Tế bào gốc gây bệnh có đột biến chuyển đoạn giữa nhiễm sắc thể 9 và 22 gặp ở hơn 95% người bệnh, được gọi là nhiễm sắc thể Philadelphia (Ph), đột biến này làm tăng hoạt tính tyrosine kinase của tế bào.

Triệu chứng bệnh lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt

Tùy vào giai đoạn của bệnh, các triệu chứng sẽ có các đặc điểm khác nhau. Điển hình nhất là lá lách to hơn bình thường ở giai đoạn mạn tính.

Đây là triệu chứng điển hình bởi nó xuất hiện 90% ở người bệnh. Ngoài ra gan to cũng là một triệu chứng bệnh nhưng gặp ít hơn, khoảng 50%.

Ngoài ra, người bệnh cũng có các triệu chứng chung của các bệnh ác tính như: 

  • Mệt mỏi, ăn uống kém, giảm cân nhanh chóng, đổ mồ hôi vào ban đêm,…
  • Thiếu máu hoặc xuất huyết.

Các triệu chứng lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt sẽ nặng nề hơn ở giai đoạn bệnh tiến triển hoặc giai đoạn chuyển cấp (chuyển sang ung thư máu cấp tính).

Lúc này, cơ thể người bệnh gặp phải tình trạng thiếu máu nặng, xuất huyết, gan to, lách to, thậm chí là tắc mạch máu do bạch cầu tăng cao hay tình trạng nhiễm trùng do suy giảm miễn dịch. 

Ngoài ra, tiên lượng của lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt chuyển cấp rất xấu, thời gian sống thêm rất ngắn (trung bình từ 3 tháng đến 2 năm kể cả khi can thiệp điều trị hóa trị liệu). Thế nên, nếu người bệnh phát hiện càng sớm thì khả năng điều trị và tỷ lệ sống thêm càng cao. 

Phương pháp điều trị bệnh 

Phương pháp 1: Sử dụng thuốc ức chế (dùng cho giai đoạn mạn tính tính triển và chuyển cấp)

Sử dụng thuốc ức chế hoạt tính Tyrosin kinase - loại thuốc này là một dạng thuốc chống ung thư nhắm trúng đích.

Thuốc có các thế hệ và liều lượng sử dụng khác nhau:

  • Tyrosine kinase thế hệ 1 (Imatinib): Liều khởi đầu là 400mg/ngày, sau đó tăng dần thêm 200mg hoặc giảm 300mg tùy thuộc vào mức độ dung nạp của thuốc với người bệnh.
  • Tyrosine kinase thế hệ 2 (nilotinib hoặc dasatinib): Liều khởi đầu nilotinib là 300mg x 2 lần/ngày. Dasatinib là 100mg/ ngày, có thể tăng lên 140mg/ ngày.

Trong trường hợp người bệnh kháng thuốc với Imatinib (thế hệ 1), có thể chuyển sang nilotinib hoặc dasatinib (thế hệ 2) để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn.

Phương pháp 2: Ghép tế bào gốc tạo máu

  • Phương pháp này được cho là khá hiệu quả bởi nó đạt tới tình trạng lui bệnh lâu dài với khả năng tiến tới khỏi bệnh. Người bệnh được  ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài, nhằm hình thành lại  sự sinh sản bình thường các tế bào máu, tái tạo hệ thống miễn dịch để chống chọi với bệnh. 
  • Phương pháp này được sử dụng khi cơ thể người bệnh không đáp ứng được với thuốc ức chế hoạt tính Tyrosine kinase.

Phương pháp 3: Điều trị hỗ trợ

  • Truyền máu trong trường hợp thiếu máu (hạn chế truyền máu khi lượng bạch cầu ngoại vi cao để tránh tình trạng tắc mạch máu)
  • Bổ sung dịch Gạn tách bạch cầu bằng máy chiết tách. 

Trước kia, khi bệnh lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt chuyển từ giai đoạn mạn sang giai đoạn cấp thì tiên lượng xấu và thời gian sống thêm thường không quá 1 năm. Tuy nhiên, ngày nay, với việc ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài và chữa trị bằng thuốc nhắm trúng đích, tiên lượng và chất lượng cuộc sống của người bệnh được cải thiện rõ rệt.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết