Lưu ngay dấu hiệu sớm bệnh lý viêm khớp thái dương hàm
Viêm khớp thái dương hàm
Viêm khớp thái dương hàm là một rối loạn chức năng khớp thái dương hàm - Ảnh: BookingCare

Lưu ngay dấu hiệu sớm bệnh lý viêm khớp thái dương hàm

Tác giả: - Xuất bản: 03/05/2024 - Cập nhật lần cuối: 12/05/2024
Viêm khớp thái dương hàm ngày càng phổ biến ở mọi độ tuổi. Vậy dấu hiệu viêm khớp thái dương hàm là gì?

Viêm khớp thái dương hàm là một rối loạn chức năng khớp thái dương hàm hoặc cơ quanh khớp thái dương. Bệnh thường dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh lý tai mũi họng, bệnh lý nội thần kinh do triệu chứng bệnh không điển hình. Vậy dấu hiệu nhận biết viêm khớp thái dương hàm là gì? Tất cả sẽ được BookingCare chia sẻ qua bài viết dưới đây.  

Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh viêm khớp thái dương hàm

Viêm khớp thái dương hàm gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết sớm bệnh lý viêm khớp thái dương hàm:

Mỏi cơ khi nhai, há miệng

Mỏi cơ khi nhai, há miệng là triệu chứng xuất hiện sớm của bệnh nhưng ít được quan tâm và để ý. Dấu hiệu này thường xuất hiện khi bệnh nhân cử động nhiều các cơ hàm như ăn nhai thức ăn cứng, nghiến răng,…

Khi bệnh tiến triển nặng tình trạng mỏi cơ tăng dần và người bệnh xuất hiện các cơn đau nhức ở vùng góc hàm, thái dương.

Đau nhức vùng góc hàm, thái dương, vùng hàm dưới

Đau nhức là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh viêm khớp thái dương hàm. Cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội trong các đợt cấp. Đau nhiều tại vị trí viêm và lan ra các vùng lân cận như tai, cổ, vai gay. Đau tăng khi nhai hoặc cử động nhiều các cơ hàm, giảm khi người bệnh nghỉ ngơi.

Ở giai đoạn đầu các cơn đau nhẹ và có thể tự khỏi mà không cần điều trị gì. Khi bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân thường gặp các cơn đau liên tục, dữ dội.

Tiếng kêu khi di chuyển hàm

Tiếng kêu lục cục khi nhai thường do đĩa đệm khớp bị trật hoặc sụn khớp bị bào mòn. Tiếng kêu có thể to hoặc nhỏ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.  

Sưng tấy vùng hàm

Viêm khớp thái dương hàm ở giai đoạn cấp tính thường có triệu chứng sưng tấy, nóng đỏ ở vùng tai và hàm. Điều này khiến cho khuôn mặt bị phình to, mất cân đối.

Ngoài ra, ở giai đoạn viêm cấp, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng đi kèm như nổi hạch cổ, ù tai, đau nhức đầu, khó cử động cơ hàm,…

Chẩn đoán bệnh lý viêm khớp thái dương hàm

Viêm khớp thái dương hàm cần được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm để hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm. Bệnh được chẩn đoán thông qua thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu. 

Dưới đây là quy trình chẩn đoán bệnh viêm khớp thái dương hàm:

Bước 1: Bác sĩ thăm khám lâm sàng

  • Bệnh nhân sẽ được khai thác tiền sử, các triệu chứng của bệnh và các yếu tố nguy cơ.
  • Tiếp theo bệnh nhân sẽ được thăm khám lâm sàng để phát hiện các bất thường. 

Bước 2: Chỉ định các xét nghiệm cần thiết

Viêm khớp thái dương hàm được chẩn đoán dựa trên các xét nghiệm như:

  • Chụp X quang toàn cảnh giúp bác sĩ đánh giá tổng quan cấu trúc xương, răng và khớp thái dương hàm. Từ đó phát hiện các tổn thương như trật khớp, gãy xương, 
  • Siêu âm khớp thái dương hàm là một xét nghiệm hữu ích giúp đánh giá các tổn thương da, mô mềm, cơ,…
  • Chụp MRI là xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu giúp đánh giá chi tiết các cấu trúc như cơ vùng bị viêm, đĩa đệm, sụn khớp và dây thần kinh. Đây cũng là tiêu chuẩn vàng chẩn đoán bệnh viêm khớp thái dương hàm.
  • Chụp cắt lớp vi tính cho hình ảnh chi tiết hơn về khớp thái dương hàm so với chụp X quang. Xét nghiệm này được chỉ định nếu có nghi ngờ tổn thương trên X quang.
  • Điện cơ giúp đánh giá hoạt động của cơ.

Tùy theo từng tình trạng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có những chỉ định xét nghiệm phù hợp. Sau đó, dựa trên các triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán và phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân.

Viêm khớp thái dương hàm có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Vì vậy nếu bạn có các dấu hiệu của viêm khớp thái dương hàm hãy đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị đúng cách

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết