Lưu ngay: Những phương pháp giúp giảm cơn đau gout hiệu quả ngay tại nhà
Lưu ngay: Những phương pháp giúp giảm cơn đau gout hiệu quả ngay tại nhà
Cách giảm đau gout hiệu quả tại nhà
Cách giảm đau gout hiệu quả tại nhà - Ảnh: BookingCare

Lưu ngay: Những phương pháp giúp giảm cơn đau gout hiệu quả ngay tại nhà

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 07/12/2023 | Cập nhật lần cuối: 07/12/2023
Những cơn đau dữ dội do bệnh gout thường xuất hiện đột ngột và là nỗi ám ảnh của rất nhiều người. Cùng tìm hiểu những phương pháp giúp giảm đau gout trong bài viết dưới đây.

Bên cạnh việc điều trị gout, ngăn chặn và làm giảm những cơn đau do gout bằng thuốc, người bệnh có thể áp dụng những mẹo giảm đau ngay tại nhà mà không cần sử dụng thuốc với những cơn đau gout xuất hiện bất ngờ.

Các phương pháp giúp giảm cơn đau gout hiệu quả ngay tại nhà

Giảm đau gout cấp tính

Trong trường hợp những cơn đau do bệnh gout xuất hiện đột ngột, người bệnh có thể áp dụng một số cách hiệu quả sau đây để có thể giảm đau nhanh chóng:

Chườm đá lạnh

Phương pháp này sử dụng nhiệt độ thấp để làm co thành mạch máu, giảm lượng máu lưu thông đến khu vực cần điều trị, từ đó giảm đáng kể tình trạng sưng đau và viêm khớp.

Ngoài ra, chườm đá lạnh còn ngăn chặn tạm thời cảm giác đau dẫn truyền đau lên não, giảm nhẹ mức độ đau nhức khớp và khu vực xung quanh. Khi cơn đau gout bắt đầu, người bệnh nên đặt một vài viên đá nhỏ vào một miếng khăn mềm rồi áp nhẹ lên vị trí đau trong khoảng 20 - 30 phút. Chú ý không chườm trực tiếp viên đá lên da vì có nguy cơ bị bỏng lạnh.

Uống nhiều nước

Các triệu chứng của người bệnh gout bao gồm sưng và viêm nặng ở các khớp. Uống nhiều nước là một trong những cách giảm các triệu chứng này bằng cách tăng cường dung nạp chất lỏng để thúc đẩy thận làm việc và loại bỏ axit uric dư thừa ra khỏi cơ thể.

Bên cạnh việc uống nước, các loại trà thảo dược cũng là sự lựa chọn tốt cho những người mắc bệnh gout.

Tuy nhiên, những người mắc chứng suy tim sung huyết hoặc bệnh thận cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tăng lượng nước uống.

Điều chỉnh tư thế

Khi những cơn đau gout cấp bất ngờ xuất hiện, người bệnh không nên di chuyển quá nhiều. Cần nghỉ ngơi, thư giãn và điều chỉnh tư thế sao cho thoải mái nhất.

Một cách để giảm sưng hiệu quả là kê cao các khớp bị đau bằng gối mềm hoặc các vật dụng tương tự. Điều này khuyến khích máu và chất lỏng di chuyển ra khỏi khớp và quay trở lại tim.

Bên cạnh việc kê cao các khớp, người bệnh có thể kết hợp sử dụng túi nước đá để giảm các triệu chứng đau nhức của bệnh gout

Bảo vệ khớp sưng

Khớp sưng bị viêm, đau, sưng tấy càng dễ bị tổn thương từ những tác động bên ngoài. Người bệnh cần giữ cho vị trí khớp sưng được thoáng mát, không mặc quần áo bó chật.

Nghỉ ngơi tại chỗ, không vận động cho tới khi cơn đau thuyên giảm hoặc ngừng hẳn.

Giảm đau gout mãn tính

Bệnh gout không có phương pháp trị khỏi triệt để. Tuy nhiên, nếu biết cách kiểm soát bệnh tốt, những triệu chứng đau nhức cũng như tần suất tái phát sẽ giảm dần và biến mất.

Dưới đây là một số lưu ý người bệnh cần nắm rõ để có thể sống chung với bệnh gout hiệu quả:

Tạo thói quen ăn uống lành mạnh, khoa học

Hạn chế ăn thực phẩm giàu purin có nguồn gốc động vật như: thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu), cá mòi, cá thu, sò, ốc, nội tạng động vật,...

Bổ sung nhiều loại trái cây và rau quả giàu chất chống oxy hóa có thể giúp giảm viêm hiệu quả.

Không uống rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác.

Rèn luyện sức khỏe thường xuyên

Duy trì cân nặng vừa phải bằng cách tập thể dục thường xuyên cũng có thể giúp người bệnh gout kiểm soát tốt tình trạng của họ.

Bên cạnh đó, rèn luyện sức khỏe còn giúp người bệnh lưu thông khí huyết, giảm thiểu căng thẳng, mệt mỏi. Hạn chế rủi ro mắc các căn bệnh nguy hiểm khác.

Một số bài tập người bệnh có thể tham khảo như: thiền, yoga, tập dưỡng sinh, đạp xe, đi bộ,...

Bên cạnh những phương pháp kiểm soát bệnh gout nêu trên, việc thăm khám sức khỏe định kỳ để theo dõi nồng độ axit uric trong cơ thể cũng là một điều vô cùng quan trọng.

Trong quá trình theo dõi và điều trị bệnh, nếu có xuất hiện bất kì biểu hiện khác thường nào, người bệnh cần thăm khám ngay để được can thiệp và hỗ trợ kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết