Lưu ý chăm sóc trẻ nhiễm Adenovirus

Tác giả: - Xuất bản: 11/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 03/12/2024
Virus Adeno
Trẻ nhiễm Adenovirus chủ yếu chăm sóc và điều trị tại nhà - Ảnh BookingCare
Virus Adeno gây bệnh ở người thường nhẹ. Khi trẻ nhiễm Adenovirus, chủ yếu là chăm sóc và điều trị tại nhà. Cha mẹ có thể tìm hiểu một số lưu ý khi chăm sóc trẻ nhiễm Adenovirus dưới đây để yên tâm chăm sóc tại nhà.

Đa số trẻ nhiễm adenovirus có diễn biến nhẹ, tự khỏi sau từ 1-2 tuần, trừ một số trường hợp có các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm gan, tổn thương đa cơ quan,... Do đó cha mẹ cần biết cách chăm sóc để trẻ sớm phục hồi, tránh biến chứng nguy hiểm do Adenovirus gây ra

Đường lây truyền Adenovirus như thế nào?

Adenovirus có thể lây lan người này sang người khác bằng nhiều phương pháp. Đây là một trong những cách phổ biến nhất để virus lây lan: 

  • Tiếp xúc gần gũi: Virus có thể lây từ người sang người thông qua bắt tay, hôn hoặc ôm.
  • Không khí: Virus có thể lây lan qua hắt hơi và ho. Các giọt hô hấp thoát ra khi hắt hơi và ho có thể truyền sang người khác qua không khí.
  • Các bề mặt và đồ vật: Sau khi chạm vào bề mặt bị ô nhiễm, bạn có thể nhiễm virus bằng cách chạm vào mắt , mũi hoặc miệng trước khi rửa tay.
  • Phân: Virus có thể lây lan qua phân của người bị nhiễm bệnh. Ví dụ, bạn có thể bị nhiễm bệnh khi thay tã cho bé.
  • Nước: Virus có thể lây lan qua nước không có clo. Ví dụ, nếu một người bị nhiễm adenovirus bơi trong bể bơi mà không có đủ clo, họ có thể lây lan virus. Tuy nhiên, kiểu lây lan này không phổ biến.

Những điều cần lưu ý khi chăm sóc trẻ bị nhiễm Adenovirus

  • Đảm bảo thân nhiệt cho trẻ: Trẻ thường có sốt cao 39 - 40 độ C, do đó trẻ nên được giảm nhiệt độ để đưa thân nhiệt trở về bình thường bằng các biện pháp như:
    • Cho trẻ nằm nơi thoáng mát, nới rộng quần áo.
    • Chườm ấm: trán, hai bên hố nách và bẹn cho trẻ.
    • Cho trẻ dùng hạ sốt khi nhiệt độ lớn hơn hoặc bằng 38,5 độ C bằng các thuốc hạ sốt: Efferalgan, Hapacol,… theo chỉ định của bác sĩ.
    • Tránh để trẻ bị nhiễm lạnh.
  • Đảm bảo về đường thở cho trẻ: Các triệu chứng về hô hấp thường liên quan tới ho nhiều và xuất tiết nhiều đờm dãi. Vì vậy trẻ cần được thông thoáng đường thở bằng các biện pháp như:
    • Thường xuyên vệ sinh mũi họng, có thể sử dụng nước muối sinh lý làm sạch mũi cho trẻ, cho trẻ súc họng hàng ngày.
    • Vỗ rung long đờm khi tăng tiết và thực hiện các hướng dẫn hỗ trợ khác như hút rửa mũi, hút đờm rãi, hay khí dung theo chỉ định của bác sĩ.
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ nhằm tăng cường sức đề kháng cho trẻ: Một chế độ ăn uống bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết sẽ giúp tăng sức đề kháng ở trẻ. Khi có sức đề kháng tốt, trẻ giảm được các nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ bằng cách:
    • Trẻ đang bú mẹ, nên tiếp tục cho trẻ bú mẹ
    • Với trẻ lớn cho trẻ ăn các thức ăn lỏng, mềm, có mùi vị dễ chịu, dễ nuốt, dễ tiêu như cháo thịt, cháo sườn nhừ, cháo gà,…
    • Cho trẻ uống nhiều nước: Oresol, nước ép hoa quả,...
    • Nếu trẻ buồn nôn hoặc nôn cần chia nhỏ bữa ăn, cho trẻ ăn ít một để hạn chế nôn trớ và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn
  • Đảm bảo vệ sinh và hướng dẫn trẻ vệ sinh đúng cách:
    • Thường xuyên vệ sinh mũi họng, có thể sử dụng nước muối sinh lý làm sạch mũi cho trẻ mỗi ngày.
    • Nếu có viêm kết mạc mắt thì nhỏ nước muối nhiều lần trong ngày.
    • Hướng dẫn trẻ và người chăm sóc cách rửa tay đúng cách và nhắc nhở trẻ rửa tay thường xuyên.
    • Hướng dẫn trẻ cách ho và hắt hơi vào khăn tay hoặc khăn giấy, không ho và hắt hơi vào tay.
    • Chú ý giữ các bề mặt trẻ có thể tiếp xúc như mặt bàn, đồ chơi,… được sạch sẽ.

Khi nào nên đưa trẻ đi khám ?

Nên cho con đến cơ sở y tế khám nếu có các biểu hiện sau:

  • Sốt cao, đặc biệt sốt ≥ 39,5 độ C, sốt kéo dài hơn 48 giờ, khó hạ sốt
  • Có vấn đề về hô hấp: khó thở, thở thanh, thở có lõm ngực, thở bất thường.
  • Trẻ li bì khó đánh thức, hoặc kích thích vật vã.
  • Bị đỏ mắt, đau mắt hoặc thay đổi thị lực.
  • Bị tiêu chảy nặng, nôn mửa hoặc có dấu hiệu mất nước, chẳng hạn như đi tiểu ít hơn hoặc tã ướt ít hơn, miệng khô, mắt trũng sâu, hành động mệt mỏi và li bì.
  • Trẻ dưới 3 tháng tuổi hoặc trẻ có các bệnh nền: đẻ non, bệnh bẩm sinh, trẻ có hệ miễn dịch kém.
Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết