Lưu ý ngay cách chăm sóc bệnh nhân ung thư sau hóa trị

Tác giả: - Xuất bản: 04/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 04/01/2024
Cách chăm sóc bệnh nhân ung thư sau hóa trị
Lưu ý ngay cách chăm sóc bệnh nhân ung thư sau hóa trị - Ảnh: BookingCare
Bệnh nhân ung thư sau hóa trị rất cần sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của những người xung quanh. Cùng tìm hiểu ngay vấn đề này trong bài viết dưới đây.

Thuốc hóa trị có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư giúp chữa trị bệnh nhưng đồng thời hóa chất cũng làm tổn thương đến cả các tế bào khỏe mạnh bình thường trong cơ thể.

Do vậy, bệnh nhân ung thư sau hóa trị có thể phải đối mặt với rất nhiều tác dụng phụ khiến cho cơ thể mệt mỏi và dễ bị sa sút tinh thần. Họ cần được quan tâm nhiều hơn bởi những người xung quanh, bao gồm cả sự khích lệ động viên tinh thần lẫn chăm sóc trong ăn uống, sinh hoạt.

Chăm sóc bệnh nhân ung thư sau hóa trị như thế nào?

Chế độ ăn uống và tập luyện cho bệnh nhân hóa trị

Trong và sau quá trình điều trị, bệnh nhân hóa trị rất dễ bị hao mòn cơ thể và suy dinh dưỡng nếu không ăn uống đầy đủ. Chế độ ăn uống cho bệnh nhân sau hóa trị cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Ăn chín, uống sôi
  • Lựa chọn nguồn thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc
  • Quá trình chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
  • Ăn đầy đủ các nhóm chất: bột đường, chất đạm, chất béo tốt, chất xơ, vitamin và khoáng chất
  • Ăn đa dạng các loại thực phẩm
  • Uống nhiều nước
  • Đối với bệnh nhân bị loét miệng, đau họng, khó nuốt do tác dụng phụ của hóa trị, nên nấu thức ăn mềm nhừ hay cháo loãng, súp loãng để dễ nuốt
  • Chia nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày
  • Hạn chế sử dụng một số loại thực phẩm: chất béo động vật, thực phẩm chế biến sẵn (xúc xích, thịt hộp, dưa cà muối,...)
  • Không sử dụng bia, rượu, cà phê, đồ uống có ga, thuốc lá
  • Tránh các món ăn dầu mỡ, cay nóng

Bạn có thể từng nghe qua những lời khuyên không có bằng chứng khoa học rõ ràng như “không được ăn nhiều đường, thịt đỏ, đạm vì dễ làm khối u phát triển”. Thực tế, những lời khuyên này là không chính xác, bạn vẫn có thể sử dụng những loại thực phẩm này với một lượng vừa phải như người bình thường.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng luyện tập thể dục vừa sức sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình điều trị, hạn chế bệnh tái phát. Người bệnh có thể đi bộ, tập các bài yoga nhẹ nhàng hoặc đơn giản chỉ là lắc lư theo những bài nhạc yêu thích hay đi dạo, đi chơi cùng gia đình, bạn bè,...

Việc này sẽ góp phần cải thiện sức khỏe thể chất và khả năng miễn dịch, giúp người bệnh ngủ ngon hơn, kiểm soát được sự mệt mỏi tốt hơn.

Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân sau hóa trị

Các biểu hiện sau của cơ thể có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề bất thường nghiêm trọng trong quá trình điều trị. Người nhà cần hết sức chú ý để báo ngay cho bác sĩ điều trị và đưa bệnh nhân đi thăm khám kịp thời:

  • Sốt cao
  • Có cảm giác ớn lạnh, vã mồ hôi
  • Chảy máu hoặc bầm tím không rõ nguyên nhân
  • Phát ban
  • Dấu hiệu dị ứng: sưng miệng, sưng cổ họng, ngứa dữ dội,...
  • Đau hoặc nhức ở vị trí tiêm, truyền hóa chất
  • Đau bất thường, ví dụ đau đầu dữ dội
  • Khó thở, thở gấp
  • Tiêu chảy hoặc nôn mửa kéo dài
  • Phân lẫn máu
  • Tiểu máu

Hãy hỏi bác sĩ điều trị về các tác dụng phụ có thể gặp phải khi điều trị hóa trị cũng như cách phòng ngừa hay xử trí để được tư vấn hướng giải quyết thích hợp nhất. Đừng quên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng trước khi bước vào hóa trị để có nền tảng sức khỏe tốt nhất cho cuộc điều trị.