Mất ngủ có thể không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu kéo dài sẽ khiến cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi, dẫn đến suy giảm trí nhớ, khó tập trung và hậu quả tất yếu là làm giảm chất lượng cuộc sống. Hãy cùng BookingCare tìm hiểu một số bài thuốc Đông y cải thiện giấc ngủ hiệu quả và an toàn.
Mất ngủ trong Đông y
Mất ngủ trong Đông y gọi là chứng “thất miên”, “bất mị”, “bất đắc miên”,... và thường kèm theo các triệu chứng: đau đầu, váng đầu, tâm phiền, hay quên, mệt mỏi, kém tập trung, lo âu, trầm cảm,...
Nguyên nhân là do suy giảm chức năng các tạng phủ, thêm tà khí bên ngoài sinh ra nội nhiệt hay ngoại nhiệt hoặc do âm huyết thiếu hụt không đủ nuôi dưỡng, hay khí huyết tắc trở nhiễu động khiến tâm thần không được yên ổn dẫn đến rối loạn giấc ngủ.
Tùy theo các thể bệnh trên lâm sàng và tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân mà các bài thuốc trong Đông y chủ yếu sẽ điều trị nguyên nhân, cân bằng âm dương, phục hồi công năng của các tạng phủ bị hư suy, nâng cao sức đề kháng cơ thể. Khi các tạng phủ khỏe mạnh thì giấc ngủ cũng được cải thiện.
Các bài thuốc Đông y chữa mất ngủ
Bài thuốc Quy tỳ thang
- Chủ trị: Người bệnh có hai tạng tâm tỳ đều hư, mất ngủ,ngủ hay mê, không khó vào giấc nhưng thức dậy sớm và không ngủ lại được, dễ tỉnh giấc, hoặc có khi thức trắng đêm không ngủ, hay quên, tinh thần mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng hoặc đầy bụng, chán ăn, sắc mặt kém tươi tỉnh.
- Công dụng: Dưỡng tâm, kiện tỳ, an thần
- Các vị thuốc: Đẳng sâm, Toan táo nhân, Đương quy, Phục thần, Hoàng kỳ, Chích cam thảo, Sinh khương, Bạch truật, Mộc hương, Nhục quế, Viễn chí , Long nhãn, Đại táo. Có thể gia giảm thêm các vị thuốc khác tùy theo các triệu chứng đi kèm
- Gia thêm Long cốt để trấn kinh an thần nếu ngủ hay kinh hãi
- Gia thêm Dạ giao đằng để trợ giúp an thần dưỡng tâm
- Gia thêm Trần bì, Hậu phác để hành khí nếu đầy bụng, chướng hơi.
Bài thuốc Hoàng liên a giao thang
- Chủ trị: Người bệnh có phần âm các tạng phủ Tâm Thận hư suy, từ đó sinh nhiệt, nhiệt bốc lên gây tâm phiền không yên, khó vào giấc ngủ, ngủ thức dậy đổ mồ hôi nóng, bồn chồn, bốc hỏa, ù tai, chóng mặt, miệng khô, lòng bàn tay ấm nóng, có thể ra mồ hôi trộm.
- Công dụng: Tư bổ thận âm, thanh tâm giáng hỏa, an thần
- Các vị thuốc: Hoàng liên, Hoàng cầm, Sinh địa, Bạch thược, A giao, Kê tử hoàng.
- Nếu các triệu chứng nhiệt của bệnh nhân không rõ có thể thay thế bằng bài thuốc “Thiên vương bổ tâm đan” có tác dụng bổ âm dưỡng huyết với các vị thuốc: Đẳng sâm, Huyền sâm, Bá tử nhân, Ngũ vị tử, Sinh địa, ĐƯơng quy, Mạch môn,...
Bài thuốc Ôn đảm thang
- Chủ trị: Chứng mất ngủ kèm nặng đầu, tức ngực, tâm phiền, có thể kèm buồn nôn, nôn, ợ hơi miệng đắng, hoa mắt chóng mặt, đại tiện táo.
- Công dụng: Thanh nhiệt hóa đàm, hòa trung an thần
- Các vị thuốc: Bán hạ chế, Trúc nhự, Chỉ thực, Trần bì, Phục linh, Cam thảo, Đại táo.
Bài thuốc An thần định chí hoàn
- Chủ trị: Người bệnh mất ngủ, khi ngủ dễ bị giật mình tỉnh giấc, nhiều nỗi ám ảnh, hoang tưởng, dễ khiếp sợ, đau ngực, hơi thở ngắn. Cơ thể mệt mỏi, thể trạng thường gầy, sắc mặt nhợt nhạt, miệng họng khô.
- Công dụng: Ích khí trấn kinh, bổ Tâm Đởm khí, an thần định chí
- Các vị thuốc: Nhân sâm, Phục thần, Long cốt, Phục linh, Thạch xương bồ, Viễn chí.
Bài thuốc Long đởm tả can thang
- Chủ trị: Người bệnh mất ngủ, có tính tình dễ nóng giận, có thể cả đêm không ngủ được, đau tức vùng mạn sườn, miệng khát thích uống nước, chán ăn, có thể kèm đau đầu dữ dội, miệng khô đắng.
- Công dụng: Thanh can tả nhiệt, an thần
- Các vị thuốc: Long đởm thảo, Hoàng cầm, Chi tử, Trạch tả, Mộc thông, Sa tiền tử, Đương quy, Sinh địa, Sài hồ.
Một số lưu ý để cải thiện giấc ngủ
Ngoài việc sử dụng thuốc, để cải thiện giấc ngủ cần:
- Chỉ nên đi nằm trên giường ngủ khi buồn ngủ, chỉ nên sử dụng phòng ngủ - giường ngủ cho mục đích để ngủ và quan hệ tình dục. Không nên sử dụng máy tính, điện thoại hay đọc sách báo, coi tivi trên giường ngủ.
- Di chuyển sang phòng khác nếu nằm trên giường 15 - 20 phút vẫn chưa ngủ được, đọc sách hoặc làm các động tác yên tĩnh khác và quay lại giường khi đã buồn ngủ. Có thể lặp lại hành động này nếu cần thiết.
- Nên đi ngủ sớm trước 11 giờ đêm và có thời gian biểu thức dậy hàng ngày bất kể thời gian ngủ. Tránh ngủ trưa kéo dài vào ban ngày.
- Tạo thói quen đi ngủ đúng giờ
- Không sử dụng chất kích thích trước khi đi ngủ
- Không ăn uống quá no trước khi đi ngủ
- Không tiếp xúc với các thiết bị điện tử quá lâu trước khi đi ngủ
- Tập các bài tập thư giãn, tập hít thở trước khi đi ngủ
Khi gặp phải tình trạng mất ngủ cũng không nên quá lo lắng, hãy gặp bác sĩ để được thăm khám đầy đủ và kê đơn thuốc. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu về một số bài thuốc Đông y cũng như các triệu chứng thường gặp của căn bệnh mất ngủ.