Mãn kinh sớm: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 03/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 03/11/2023
Mãn kinh sớm: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Mãn kinh sớm: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh: BookingCare
Mãn kinh sớm là một trong những nỗi lo hàng đầu của chị em phụ nữ. Cùng tìm hiểu những thông tin cần biết về tình trạng này trong bài viết dưới đây.

Tình trạng mãn kinh đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa, thậm chí nhiều chị em còn gặp phải tình trạng mãn kinh sớm. Bệnh lý này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng đời sống của nhiều chị em phụ nữ, mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến những căn bệnh nguy hiểm khác như vô sinh, loãng xương, tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch hoặc đột quỵ.

Chính vì vậy, nắm được thông tin về nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp điều trị mãn kinh sớm là điều mà mọi chị em nên tự trang bị cho bản thân mình.

Mãn kinh sớm là gì?

Mãn kinh là một trong những giai đoạn tất yếu mà mọi chị em phụ nữ phải trải qua. Thời kỳ mãn kinh đánh dấu sự kết thúc của khả năng sinh sản trong vòng đời của phụ nữ với đặc trưng là không còn kinh nguyệt. Tại Việt Nam, độ tuổi trung bình mãn kinh ở phụ nữ là từ 45 – 55.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp chị em bị mãn kinh khi chỉ mới 40 tuổi, đây được gọi là mãn kinh sớm (early menopause). Một số ít khác khi tình trạng này thậm chí xảy ra trước 38 tuổi, trong trường hợp này được gọi là mãn kinh cực sớm (premature menopause)

Nguyên nhân gây mãn kinh sớm và một số phương pháp

Có nhiều nguyên nhân khiến chị em bị mãn kinh sớm. Tìm hiểu được nguyên nhân cụ thể là yếu tố quan trọng giúp quá trình điều trị thêm nhanh chóng và hiệu quả.

Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp:

Buồng trứng ngừng hoạt động

Mãn kinh sớm có thể xảy ra một cách tự nhiên nếu buồng trứng của phụ nữ ngừng sản xuất một số hormone nhất định ở mức bình thường, đặc biệt là hormone estrogen.

Điều này đôi khi được gọi là suy buồng trứng sớm (POI) hoặc suy buồng trứng nguyên phát.

Nguyên nhân gây suy buồng trứng sớm thường không được biết rõ, nhưng ở một số phụ nữ, nguyên nhân có thể do:

● Bất thường về gene và nhiễm sắc thể – Đặt biệt là các bất thường về NST giới tính (NST X dễ gãy hoặc tồn tại NST Y trên người nữ gặp trong hội chứng Turner làm tăng nguy cơ xuất hiện các khối u buồng trứng) hoặc đột biết về gene tự động có thể chẩn đoán ở giai đoạn dậy thì như galactosemia làm ảnh hưởng khả năng xử lý galactose của cơ thể.

● bệnh lý tự miễn liên quan đến nội tiết hoặc không nội tiết – nơi hệ thống miễn dịch bắt đầu tấn công các mô cơ thể, đặc biệt các bệnh lý tự miễn ở tuyến thượng thận ( Addison, APS - 1,2,..) hoặc Đái tháo đường type 1

● Một số bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như bệnh lao , sốt rét và quai bị, herpes zoster, CMV, thủy đậu, HIV, shigella,..các trường hợp này rất hiếm gặp và chưa có bằng chứng cụ thể.

Suy buồng trứng sớm đôi khi có thể di truyền trong gia đình. Điều này có thể xảy ra nếu bà ngoại, mẹ hoặc chị gái của người phụ nữ cũng đã trải qua mãn kinh sớm.

Do can thiệp Y khoa

Chị em đã phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng

Phẫu thuật cắt bỏ hai bên buồng trứng có thể gây ra các triệu chứng mãn kinh ngay lập tức. Sau khi cắt bỏ hết buồng trứng, chu kỳ kinh nguyệt sẽ ngừng hẳn đồng thời nồng độ hormone cũng giảm đi nhanh chóng. Các triệu chứng mãn kinh bắt đầu xuất hiện rõ rệt và mạnh hơn.

Các phương pháp điều trị ung thư

Xạ trị và hóa trị có thể gây suy buồng trứng sớm. Điều này có thể là vĩnh viễn hoặc tạm thời.

Nguy cơ mãn kinh sớm sẽ phụ thuộc vào:

● Tuổi của người bệnh – những cô gái chưa đến tuổi dậy thì có thể chịu đựng được sự điều trị mạnh mẽ hơn phụ nữ lớn tuổi

● Loại điều trị mà người bệnh được thực hiện – các loại hóa trị khác nhau có thể ảnh hưởng khác nhau đến buồng trứng

● Vị trí trên cơ thể mà người bệnh tập trung xạ trị - nguy cơ bị mãn kinh sớm sẽ cao hơn nếu bạn điều trị bằng xạ trị quanh não hoặc xương chậu.

Yếu tố môi trường

Hút thuốc lá, uống rượu bia, chế độ dinh dưỡng và tiếp xúc với các chất gây rối loạn nội tiết được cho là có ảnh hưởng đến tuổi mãn kinh, nhưng không phải là những nguyên nhân dễ chẩn đoán của POI.

Các biểu hiện thường gặp ở phụ nữ bị mãn kinh sớm

Triệu chứng chính của mãn kinh sớm là kinh nguyệt không đều hoặc ngừng hẳn mà không có lý do nào khác (chẳng hạn như mang thai).

Một số phụ nữ cũng có thể gặp các triệu chứng mãn kinh điển hình khác, bao gồm:

  • Triệu chứng vận mạch: có các cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm; hồi hộp, chóng mặt, mất ngủ,..
  • Triệu chứng tâm lý: trầm cảm, hay buồn giận, dễ cáu gắt, căng thẳng, hay quên, mệt mỏi
  • Rối loạn hệ niệu dục: khô, ngứa âm đạo; đau khi giao hợp, tiểu khó, tiểu nhiều lần, dễ bị nhiễm trùng đường tiểu
  • Tác động lên hệ cơ xương khớp: đau khớp, cảm giác đau nhức trong xương,..
  • Tác động lên hệ tim mạch: Hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh,..
  • Tác động lên hệ thần kinh trung ương: khó tập trung, hay quên, đau đầu,…

Phương pháp điều trị mãn kinh sớm

Trước khi sử dụng bất kì phương pháp điều trị nào, kể cả không dùng thuốc can thiệp, chị em vẫn phải đi khám với các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị chính xác.

Phác đồ điều trị mãn kinh sớm khác nhau ở mỗi người, phụ thuộc vào nguyên nhân khiến thời kỳ mãn kinh bắt đầu sớm hơn so với bình thường. Bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp hormone (HRT) để bù đắp lượng hormone bị thiếu. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm Canxi và Vitamin D và thay đổi lối sống (chế độ dinh dưỡng, thể dục, cân nặng,..) để hổ trợ điều trị.

Liệu pháp này chống chỉ định với đối tượng ung thư vú, ung thư hoặc quá sản nội mạc tử cung chưa điều trị; hoặc cân nhắc đối với những bệnh nhân có các bệnh lý liên quan đến huyết khối, rối loạn chuyển hóa Porphyrin, mỡ máu…Các nghiên cứu cũng chỉ ra việc tầm soát ung thư vú bằng chụp nhũ ảnh (mamography) hằng năm là cần thiết đối với nhóm đối tượng này.

Phòng ngừa mãn kinh sớm ở nữ giới

Bên cạnh những nguyên nhân gây mãn kinh sớm rất khó can thiệp như: di truyền, các bệnh ung thư,... chị em có thể phòng ngừa mãn kinh sớm ngay từ trong thói quen ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Sự mất cân bằng nội tiết tố nữ do thói quen sống không lành mạnh cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất.

Dưới đây là một số lưu ý giúp chị em phòng ngừa mãn kinh sớm hiệu quả:

● Không hút thuốc lá

Phụ nữ hút thuốc lá thường xuyên có thể bắt đầu thời kỳ mãn kinh nhanh hơn người không hút thuốc từ 1 đến 2 năm. Vì thế, tập thói quen sống lành mạnh, không hút thuốc lá (kể cả hút thuốc là thụ động) là cách giúp chị em ngăn ngừa được tình trạng này.

● Tránh sử dụng rượu bia và caffeine

Tiêu thụ quá nhiều cồn và caffeine có thể kích hoạt các yếu tố gây mãn kinh sớm hơn.

● Tập thể dục điều độ

Tập thể dục thường xuyên và vừa sức có thể giúp trì hoãn thời kỳ mãn kinh đến sớm. Chị em chỉ nên tập những bộ môn nhẹ nhàng, phù hợp với thể trạng cơ thể, không nên tập quá sức vì có thể gây mất cân bằng hormone, khiến sự rụng trứng không đều và có thể làm suy giảm hormone sớm.

● Ăn uống đủ chất dinh dưỡng

Chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cần thiết sẽ giúp chị em duy trì vóc dáng và cân nặng hợp lý, tránh rơi vào tình trạng thừa cân hoặc thiếu cân cũng có thể khiến thời kỳ mãn kinh bắt đầu sớm hơn. Estrogen được giữ trong mô mỡ, vì thế phụ nữ thừa cân có thể dư thừa estrogen làm ảnh hưởng đến buồng trứng.

Theo dõi sức khỏe thường xuyên và đi khám phụ khoa định kì 6 tháng một lần là điều mà các chị em nên lưu ý để có thể đảm bảo sức khỏe luôn trong trạng thái tốt nhất.

Ngay khi nhận thấy cơ thể xuất hiện những biểu hiện bất thường, chị em nên đi kiểm tra sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.